Đường dẫn truy cập

Các chuyên gia họp tại Nairobi về việc thiết lập một hệ thống báo động sớm để đối phó với dịch cúm gia cầm


Trong tuần này, các chuyên gia đã tụ hội về thủ đô Nairobi của Kenya để thảo luận về việc thiết lập một hệ thống báo động sớm để cảnh báo giới hữu trách trên mọi lục địa về mô thức di chuyển của các loại chim hoang dã.

Theo các chuyên gia một hệ thống báo động sớm như thế sẽ giúp ngăn chặn được việc lan tràn của các chứng bệnh, như loại cúm cầm điểu gây chết người, loại cúm đã giết hại cả triệu cầm điểu và lấy đi mạng sống của ít nhất 60 người ở Á châu. Mới đây loại cúm này đã được phát hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Roumanie và các chuyên gia tin rằng các loài di điểu mang vi rút này đang lây bệnh cho các đàn gia cầm ở các địa phương.

Ông Marco Barbieri, một giới chức khoa học và kỹ thuật làm việc cho Nghị Hội Bảo Tồn các Loài Di Điểu và Thú Rừng, đã phác họa những lợi ích của một hệ thống báo động như vậy.

Ông Barbieri cho hay hệ thống báo động sớm nhắm biết rõ trước những chi tiết về đường đi nước bước của các chủng loại chim di trú nào có thể có liên hệ với bệnh cúm cầm điểu, nhờ đó mà các chuyên gia có thể lượng định đủ chính xác những rủi ro và sẽ giúp ích rất nhiều một khi dịch bệnh phát tác.

Theo chuyên gia Barbieri thì hệ thống báo động sớm sẽ thu thập và đúc kết tin tức, gồm cả những bản đồ chi tiết về hướng di cư của từng chủng loại cầm điểu nào đó. Ông cho biết có khá nhiều thông tin sẵn có nhưng chúng ở rải rác tại nhiều học viện và các trung tâm nghiên cứu khác nhau.

Sáng kiến thành lập hệ thống báo động sớm này được đưa ra sau khi vi rút cúm cầm điểu H5N1 gây chết người tác hại ở đông nam Á, là nơi hàng triệu gia cầm đã bị giết để ngăn ngừa sự lan tràn của loại vi rút này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì giết bỏ chim chóc không phải là giải pháp để chặn đứng sự lan tràn của vi rút này.

Ông Jim Knight là một giới chức trong chính phủ Anh quốc đặc trách về đa dạng sinh học, nói rằng:"Chúng tôi chống lại với bất cứ ý tưởng nào đòi giết bỏ chim rừng để đối phó với dịch cúm cầm điểu, làm như thế không phải là một phương cách thực tiễn trong việc đối phó với nguy cơ dịch bệnh, mà đường lối đúng là giữ cho gia cầm khỏi tiếp xúc với chim rừng bị nhiễm' bệnh, nếu như những loài chim hoang dã này gây sự lây lan cho gia cầm.

Theo các chuyên gia cho biết thì tuy cúm cầm điểu chưa lan tới châu Phi nhưng nếu điều này xảy ra thì sẽ khó chế ngự hơn vì gia cầm tại lục địa này được nuôi rải rác nhiều hơn.

Ông Bert Lenten là bí thư chấp hành của Hiệp Định về Bảo Tồn Thủy Cầm Di Cư của Á châu, Âu châu và Phi Châu, đưa ý kiến rằng tình hình tại Phi châu có hơi khác với các lục địa, lấy thí dụ như Á châu chẳng hạn., là nơi gia cầm được nuôi tập trung, đông đảo.

Tại Phi châu thì không có. Điều này làm cho tình hình thêm rắc rối hơn tại Phi châu, bởi vì nếu như dịch bệnh phát tác nơi những đàn gia cầm nhỏ, lẻ tẻ, thì kiểm soát được dịch bệnh là điều khó hơn nhiều.

Những người tham dự hội nghị, đến từ các tổ chức quốc tế như Wetlands International, Birdlife International, tổ chức Bảo Vệ Môi Sinh và tổ chức Bảo Vệ Chim Muông, Thú Rừng của LHQ và các tổ chức khác, sẽ thảo luận trong suốt tuần về những chi tiết của việc thực thi chương trình kiểu mẫu của hệ thống cảnh báo sớm lúc đầu được LHQ tài trợ.

Trong khi đó, một giới chức cao cấp của Tổ Chức Y Tế thế Giới hôm chủ nhật nói rằng sự hợp tác toàn cầu là một yếu tố tối quan trọng trong việc chống lại dịch bệnh này. Ông cho biết có thể chặn đứng một trận đại dịch nếu như được cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG