Đường dẫn truy cập

Hội chứng ông chồng về hưu


Nhân bài báo Washington Post số ra đầu tuần này nói về một hiện tượng trong giới phụ nữ lớn tuổi ở Nhật Bản, Minh Phượng đã hỏi ý kiến một số người trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và ghi lại trong Câu Chuyện Phụ Nữ sau đây.

Bài báo thuật lại trường hợp của bà Sakura Terakawa, 63 tuổi, đã kết hôn 40 năm và đang sinh sống tại một căn hộ nhỏ ở vùng đô thị. Chuyện của hai vợ chồng bà cũng bắt đầu bằng những lá thư tình, những lời mật ngọt dưới các chùm hoa đào. Nhưng sau đó là cuộc sống vợ chồng theo đúng truyền thống Nhật, tức là người vợ phải phục tùng chồng hết mình, trong khi ông chồng thì dành hết thời gian cho công việc và bạn đồng sở.

Khi được chồng báo tin sắp về hưu thì bà Terakawa rất thất vọng vì nghĩ đến việc phải đối diện với ông suốt ngày. Bà đã nghĩ đến chuyện ly dị nhưng lại cắn răng chịu đựng vì sợ không lo nổi vấn đề tài chính.

Bà bắt đầu có những triệu chứng về sức khỏe như loét bao tử, nói nhịu và có các vết xước quanh mắt. Rồi đến khi bác sĩ phát hiện bà bị các polyps trong cuống họng mà không tìm ra được lý do y học nào vì những chứng đau đớn bất ngờ đó, thì bà được giới thiệu đến một chuyên gia phân tâm học và chuyên gia này chẩn đoán căn bệnh của bà là bị dồn nén vì hội chứng RHS, chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Retired Husband Syndrome, xin tạm dịch là Hội chứng ông chồng về hưu.

Bà Terakawa bắt đầu được trị liệu vật lý bởi bác sĩ Nobua Nurokawa, một trong các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về RHS. Bác sĩ Nurokawa đã đặt ra cái tên hội chứng chồng về hưu nhân một cuộc thuyết trình tại hội y học tâm lý của Nhật vào năm 1991, và khiến cụm từ này được sử dụng trong các sách vở, tạp chí và các cơ quan truyền thông chính mạch ở bên Mỹ.

Ở Nhật Bản, về hưu đã trở thành một tai nạn cho nhiều bà vợ vì họ không thể chịu nổi sức ép phải nhìn thấy ông chồng ở nhà suốt ngày. Mặc dù về hưu là một vấn đề thông thường ở nhiều quốc gia phát triển bởi vì các cặp vợ chồng phải cố gắng quân bình mối quan hệ trong những năm xế chiều của cuộc đời, các nhà phân tích nhận thấy rằng vấn đề trở thành rất đặc trưng ở Nhật Bản vì nhiều lý do, trong đó có sự kiện là 1/5 người dân Nhật ở độ tuổi trên 65, tức là tỷ lệ cao nhất thế giới.

Ngay cả khi vai trò giới tính đã thay đổi trong giới trẻ ở Nhật, với số phụ nữ tham gia lực lượng lao động lên đến mức kỷ lục, người Nhật lớn tuổi vẫn giữ nguyên tính bảo thủ. Bà Terakawa cho biết, cũng như phần lớn những người đàn ông Nhật thuộc cùng thế hệ, chồng bà đòi hỏi bà phục tùng tuyệt đối, ngay cả trong thời gian ông sống rất xa cách với bà và 3 đứa con. Ông rời nhà đi làm từ tảng sáng và ở ngoài đường cho đến tối mịt vì sau giờ tan sở còn đi giao thiệp với bạn bè. Phần lớn ngày nghỉ ông cũng dành cho đồng sự và khách hàng. Theo bà, sự vắng mặt thường xuyên đó khiến cho việc ông có mặt ở nhà sau khi về hưu càng gây nhiều xáo trộn hơn.

Một phần của vấn đề là bản chất cuộc sống gia đình Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều trong 2 thập niên vừa qua. Truyền thống cha mẹ về hưu sống với con cái đã thành hôn đang mau chóng biến mất; các thế hệ trẻ đến 40 tuổi còn độc thân và các cặp vợ chồng tân tiến thích riêng tư hơn. Vào lúc các cặp vợ chồng lớn tuổi buộc phải qua nhiều thời giờ riêng với nhau hơn, tỷ lệ các vụ ly dị trong số những cặp vợ chồng đã lấy nhau hơn 20 năm hiện nay đang tăng nhanh nhất tại Nhật Bản. Bác sĩ Kurokawa ước tính có tới 60% các bà vợ có chồng về hưu có thể bị hội chứng RHS ở một mức độ nào đó.

Với con số kỷ lục đàn ông Nhật sắp về hưu, tức là gần 7 triệu từ năm 2007 đến năm 2009, thì các chuyên gia cảnh báo rằng căn bệnh này có khả năng bùng nổ. Người Nhật vẫn khoe khoang về tuổi thọ cao nhất thế giới, nhưng đàn ông Nhật lớn tuổi vẫn bám lấy cái khái niệm cổ hủ cho vợ là đầy tớ, và điều này khiến các phụ nữ lớn tuổi coi việc sống lâu là cái nợ hơn là cái phước.

Phần cuối bài báo có đề cập đến cảm nghĩ của ông Tomohisa Kotake, 66 tuổi, chuyên viên ngân hàng đã về hưu. Ông nói, thoạt đầu ông cũng giống như những người chồng Nhật đã về hưu, nghĩa là không chịu tự làm lấy cái gì cho mình cả và bắt vợ phục vụ mình. Sự việc này đã gây căng thẳng cho cuộc hôn nhân. Do sự hối thúc của vợ, cuối cùng ông đã tham gia một trong hơn 3000 nhóm hỗ trợ vừa mọc lên ở khắp Nhật Bản nhắm mục địch huấn luyện lại nam giới Nhật Bản để họ tự lập hơn và thông cảm với vợ hơn.

Nhóm của ông Kotake đã dậy cho ông biết đi mua bán, nấu ăn và dọn dẹp lấy. Nay ông rửa chén bát và nấu ăn cho vợ ít nhất mỗi tuần một lần. Ông kể là ông không thể nào quên được nét hân hoan trong mắt vợ ông khi lần đầu tiên ông dọn dẹp nhà cửa trong lúc bà đang tắm.

Vợ của ông Kotake là bà Nobuko, 62 tuổi, bây giờ vui sướng kể về ông chồng của mình. Bà cho biết đã bớt đi chơi với bạn gái để dành nhiều thời giờ cho ông hơn.

Ông Kotake nói rằng, theo tiêu chuẩn của Nhật, thì vợ chồng ông vẫn còn tương đối trẻ mặc dù đã về hưu. Đường đời của ông bà còn dài và tốt hơn là vui thú với nhau. Phải làm thêm việc trong nhà là cái giá rất rẻ mà ông phải trả.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG