Đường dẫn truy cập

Triễn lãm tranh Hồ Thành Ðức, Chương trình nhạc thính phòng: Chuyện lạ mùa thu...


TRIỂN LÃM TRANH HỒ THÀNH ĐỨC.

Vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 15 tháng 10 vừa qua, tại phòng sinh hoạt Nhật báo Người Việt, đã có cuộc triển lãm 30 bức tranh khổ lớn, sáng tác tại Hoa Kỳ, của họa sĩ Hồ Thành Đức. Số tranh triển lãm lần này của Hồ Thành Đức, chia thành 2 thể loại: Thứ nhất, tranh sơn mài, thứ nhì, tranh hỗn hợp, mà danh từ của những người trong nghề gọi là Mixed Media.

Theo tiết lộ của họa sĩ thì, nội dung cuộc triển lãm vừa nói, thể hiện cùng một lúc hai chủ đề: “Ấn tượng đời tôi” (Impressions in my life;) và, “Nước mắt và nụ cười” (Tears and smiles.)

Trong một bài giới thiệu tranh Hồ Thành Đức của nhà phê bình hội họa Eric Scigliano, đăng lại trên nhật báo Người Việt, số phát hành cuối tuần qua, có đoạn nguyên văn như sau: “...Suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, rồi tiếp theo là những đói khổ từ đầy, tranh của (Hồ Thành) Đức bủa vây nhiều sắc mầu thê lương của bóng tối và mộng dữ. Góc phố trong tranh ông mà nhìn ra như những nẻo đường làng điêu linh chiến cuộc hoặc vùng tử địa tỏa đầy âm khí, còn nhân vật trong tranh ông - hoặc là thần thánh hoặc là những nhân vật tù đầy - cũng đề nặng đến đớn đau nội tâm. Từ khi định cư tại nước ngoài, bước đầu đến trại tạm trú Phi Luật Tân, rồi tiếp theo là Little Saigòn ở quận Cam, lần nữa chiếc giá mầu của Hồ Thành Đức lại bùng vỡ biết bao là mầu sắc theo dòng sáng tạo. Những tảng, những cấu trúc lần nữa lại đối chọi nhau dũng mãnh đến tàn bạo, rồi lùi mãi lùi dần đến chỗ tan biến mờ mịt để bất chợt tìm thấy sự lắng đọng hài hòa của một cõi an tịnh nào đó...”

Được biết họa sĩ Hồ Thành Đức đã sáng tác hàng trăm tác phẩm hội họa và 60 bài thơ. Tranh của ông được nhiều bảo tàng viện nổi tiếng lưu giữ.
Cần liên lạc với họa sĩ Hồ Thành Đức, xin gọi (714) 839-1037.

BĂNG THƠ XUYÊN TRÀ: THÊM MỘT ĐÓA HỒ NGHI.

Nhà thơ Xuyên Trà đã hoàn tất CD ngâm thơ nhan đề “Thêm một đoa hồ nghi,” gồm 18 bài thơ chọn lọc, trích từ thi phẩm cùng tên, của tác giả quen thuộc này.

Phần diễn ngâm do những nghệ sĩ tên tuổi như Hồng Vân, Thúy Vinh, Bích Ngọc, Phan Xuân Thi, Ngô Đình Long, và Đoàn Yên Linh đảm trách. Nhạc đệm do các nhạc sĩ Minh Thành, Thúy Hạnh và Thanh Bình thực hiện.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng thi phẩm “Thêm một đóa hồ nghi” của nhà thơ Xuyên Trà mới được tái bản trong thời gian gần đây.

Nhà thơ Xuyên Trà hiện cư ngụ tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia.
Cần liên lạc với tác giả, xin qua địa chỉ: xuyentra@yahoo.com.

ĐÃ HOÀN TẤT CD: YÊU EM VÀ YÊU EM.

Bốn tiếng hát tuy không chuyên nghiệp, nhưng được nhiều người ở miền nam California biết tới và, yêu thích; đó là tiếng hát của Vương Đức Hậu, Phạm Gia Nghị, Minh Ngọc và, Vân Phương. Họ đã chọn ca khúc nhan đề “Yêu em và yêu em” của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng làm nhan đề chung cho một CD mà, cả 4 người cùng góp mặt.

Nếu không kể một ca khúc nhạc ngoại quốc, lời Việt của Khúc Lan, thì, 11 ca khúc còn lại trong đĩa nhạc “Yêu em và yêu em” của 4 tiếng hát vừa kể, là mười một ca khúc quen thuộc của các tác giả Tuấn Khanh, Phạm Anh Dũng, Song Ngọc, Dương Thiệu Tước, Trịnh Công Sơn, Trần Duy Đức, Ngô Thụy Miên, Diệu Hương, và, Châu Kỳ.

Cần liên lạc, xin gọi Minh Ngọc (714) 724-3871, hoặc Vương Đức Hậu:
hnvuong1980@yahoo.com.

CHƯƠNG TRÌNH NHẠC THÍNH PHÒNG: CHUYỆN LẠ MÙA THU.

Không biết có phải vì lâu nay, ít người chọn hí viện La Mirada, ở thành phố La Mirada, miền nam California, để tổ chức những chương trình nhạc thính phòng có tầm cỡ hay không? Mà, nhạc sĩ Đức Minh của trung tâm The Keys Entertainment đã chọn hí viện này, để thực hiện chương trình nhạc thính phòng, nhan đề “Chuyện lạ mùa thu” - Chương trình sẽ khai diễn vào lúc 8:30 tối Thứ Sáu, ngày 28 tháng 10 tới đây.

Tuy nhiên, điều giới tổ chức show biết rõ, đó là nhạc sĩ Đức Minh đã chọn một công thức nhạc thính phòng mới. Công thức đó theo giải thích của Đức Minh là “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” - Hay “Chọn lọc hơn nhiều...quá...”

Anh nói: “Tôi tin khán giả sẽ hài lòng với từng tiếng hát mà chúng tôi chọn để mời. Ngay cả MC, chúng tôi cũng cân nhắc kỹ lưỡng chứ không lấy số lượng làm tiêu chuẩn nghệ thuật.”

Thực vậy, chương trình nhạc thính phòng “Chuyện lạ mùa thu” sẽ chỉ có 4 ca sĩ tiêu biểu cho 4 khuynh hướng nghệ thuật trình diễn khác nhau, đó là Quang Dũng, Trần Thu Hà, Thanh Hà và, Quốc Huy. Phần điều kiển chương trình sẽ do MC Orchid Lâm Quỳnh đảm nhận, cùng với ban nhạc The Keys Band.

NGUYỆT SAN PHỤ NỮ GIA ĐÌNH TRỞ THÀNH BÁN NGUYỆT SAN.

Qua một bài phỏng vấn nhà văn Bùi Bích Hà, của nhật báo Người Việt; số phát hành đầu tuần qua, người ta được biết, kể từ số 50 (mới phát hành,) nguyệt san Phụ Nữ Gia Đình sẽ trở thành bán nguyệt san - - Phát hành mỗi tháng hai kỳ, thay vì một kỳ, như trước.

Chủ nhiệm tạp chí Phụ Nữ Gia Đình, nhà văn Bùi Bích Hà tiết lộ, về mặt nhân sự, để đáp ứng nhu cầu đổi mới, phong phú hóa tờ báo, bà đã mời thêm một số cây bút trẻ như Phạm Phú Thiện Giao, Đỗ Tài Thắng, Vũ Quý Hạo Nhiên, Lan Hương...

Trả lời câu hỏi về phần nội dung, nhà văn Bùi Bích Hà nhấn mạnh: “Tôn chỉ phục vụ hạnh phúc và sự thăng tiến của gia đình mà chúng tôi đề ra và theo đuổi từ ban đầu, không thay đổi. Chúng tôi chú trọng thêm vào những tiết mục giải trí nghệ thuật, phóng sự xã hội, gương người tốt, việc tốt và sáng tác của bạn đọc.”

Cần liên lạc với Phụ Nữ Gia Đình, xin gọi: (714) 657-9970; hoặc Email: PNgiadinh@nguoiviet.com

HỒI KÝ “TRẠI ĐÁ BÀN & A.30” CỦA NGUYỄN THANH TY.

Tác gỉa Nguyễn Thanh Ty được người đọc biết tới nhiều qua ký sự “Một quãng đời Trịnh Công Sơn” - Tác phẩm viết về thời gian tác gỉa và, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng theo học trường Sư Phạm Quy Nhơn, và cùng dạy học tại tỉnh Lâm Đồng, vùng cao nguyên trung phần, giữa thập niên 1960. Mới đây, Nguyễn Thanh Ty lại cho xuất bản một hồi ký tù cải tạo, nhan đề “Trại Đá Bàn và A.30.”

Trong bài tựa của nhà văn Huy Phương, trước khi bước vào hồi ký, có đoạn ghi nhận như sau: “Chúng ta đi theo người tù ‘cải tạo’ Nguyễn Thanh Ty từ nhiệm vụ đẵn cây rừng, cắt cỏ, giữ trâu, nấu bếp, đốt than, thợ cưa, thổi sáo cho độ văn nghệ...để ‘vui chân’ theo cái vui buồn, chịu đựng của một người tù trong suốt mấy trăm trang sách, mà không chán nản, muốn dừng lại nghỉ mệt. Đó chính là cái tài kể chuyện dí dỏm mà có duyên của Nguyễn Thanh Ty, dù là những chuyện rất thường, không có gì là kịch tính hay khúc mắc. Chỉ một chuyện dùng roi cày quất nhái hay cách làm thịt cóc cũng đủ cho ta theo dõi chăm chú vài trang viết của tác giả.”

Ở phần “bạt,” trước khi khép lại tập hồi ký, nhà văn Huỳnh Văn Phú ghi nhận: “Nguyễn Thanh Ty có hồi ức cao, sống mãnh liệt với quá khứ và có một trí nhớ vô cùng sắc bén. Ông có đủ thông minh để bủa lưới bắt người đọc theo dõi câu chuyện ông kể một cách thích thú như thể chúng ta theo chân tác giả sống với những ‘ngày tháng không thể nào quên’ ấy.”

“HÓA RA LẦN CUỐI EM BUỒN NGHỈ CHƠI”: NGUYỄN NAM AN.

Ngay tự những xuất hiện đầu tiên, trên một số diễn đàn văn học hải ngoại, cách đây hơn 10 năm, tiếng thơ Nguyễn Nam An đã gây được sự chú ý đặc biệt của giới thưởng ngoạn vì, tính ngông nghênh một cách thơ mộng, lãng mạn của anh - Nhất là những bài thơ viết về một thời tuổi trẻ, lênh đênh chinh chiến.

Những năm gần đây, Nguyễn Nam An hăm hở khiêng vác những tảng đá tình cảm, đời thường vào những trang thơ tình yêu gập ghềnh nắng, gió buồn, vui của mình. Nhưng, cũng không vì thế mà, thơ Nguyễn Nam An chiết giảm chất ngông nghênh, bất cần một cách thơ mộng, lãng mạn của anh.

Điển hình, như bài “Cô nương,” mở đầu thi phẩm nhan đề “Hóa ra lần cuối em buồn nghỉ chơi” - tác phẩm thứ tư của Nguyễn Nam An, là những câu thơ rất Nguyễn Nam An, như: “Những khi em đứng đi ngồi / ông trời ngó xuống tôi thời ngước lên / có hôm giả bộ tình quên / trời buồn đi mất tôi thêm nhớ người / em thời của tôi hai mươi / một chân trên núi chân vui mây trời...”

Hay bài “Có điều không nói nữa,” cũng có những câu như: “chạy lên net kiếm mùa xuân / đã toe tua rụng những chùm mai mơ / chạy xuống đời viết bài thơ / một điều không nói bơ vơ nằm chờ.”

Vẽ chân dung Nguyễn Nam An bằng chữ viết, họa sĩ Khánh Trường nhấn mạnh: “Một trong những thất bại cay đắng nhất, với hắn, là tình yêu. Đối diện với một nhan sắc, hắn rung động, và yêu. Dễ dàng, nhanh chóng, đắm say. Nhưng để nắm bắt, cầm giữ được tình yêu ấy, có vẻ như ngoài tầm tay hắn!...”

Có người cho rằng nhẽ ra, họa sĩ Khánh Trường nên nói thêm cho rõ, rằng “...Tuy nhiên, bù lại, đôi khi Nguyễn Nam An lại... bắt được...thơ...”

PHÁT HÀNH THI PHẨM SONG NGỮ: NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY / OF THINGS I’VE SEEN.

Trở về từ Thụy Điển, sau một năm làm nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ, ngành nhân chủng học, với học bổng toàn phần của cơ quan Fulbright; trước khi nhập viện đại học Stanford, ở miền bắc tiểu bang California, để tiếp tục việc học, nhà thơ trẻ Trang Đài Trần Nguyễn đã cho phát hành thi phẩm nhan đề “Những điều trông thấy” - Song ngữ Việt-Mỹ.

Được biết thi phẩm “Những điều trông thấy” của Trang Đài Trần Nguyễn đã gây nhiều xúc động cho cử tọa Việt cũng như Mỹ, trong buổi cô giới thiệu tác phẩm tại quận hạt Orange County, chỉ vài ngày trước khi lên đường đi Stockholm giữa năm 2004. Vì không có thời gian nên, bây giờ, thi phẩm “Những điều trông thấy” mới được phát hành.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, thành tích học vấn của Trang Đài Trần Nguyễn tại viện đại học Fullerton, đã từng tạo kinh ngạc cho nhiều giáo sư khi, năm 1994 cô mới theo gia đình định cư tại miền nam California, trong chương trình H.O; vậy mà, năm 2001, cô đã tốt nghiệp cùng một lúc 4 văn bằng cử nhân, từ khoa học qua tới nhân văn và, văn chương. Trong số này, có hai văn bằng được xếp hạng tối ưu.

Năm 2004, Trang Đài lại tốt nghiệp cao học Sử với danh dự là “Sinh viên tối ưu của viện đại học Fullerton” và, cô cũng là “Sinh viên tối ưu thuộc sắc tộc Châu Á - Thái Bình Dương.”


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG