Đường dẫn truy cập

Bạo động tại miền Nam Thái Lan


Thứ tư vừa qua, 5 binh sĩ chính phủ bị sát hại và một dân làng bị chặt đầu ở miền nam Thái lan trong vụ bạo động mới nhất mà theo giới hữu trách Bangkok thì thủ phạm chính là những phần tử Hồi giáo đòi ly khai. Mới quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết liên quan tới tình hình ở Thái lan trong mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.

Ba tỉnh Narathiwat, Yala và Pattani ở miền nam Thái lan là nơi đa số dân chúng theo đạo Hồi. Đây cũng chính là nơi mà một cuộc nổi dậy của những phần tử Hồi giáo đòi ly khai đã gây tử vong cho hơn 1000 người kể từ tháng giêng năm 2004, bất chấp những biện pháp an ninh nghiêm nhặt và sự hiện diện của một lực lượng hơn 20 ngàn binh sĩ.

Ông Suranand Vejjijiva, một vị bộ trưởng thuộc văn phòng thủ tướng Thái lan nói với các phóng viên nước ngoài đến thăm miền nam Thái lan rằng: có một sự thật không thể chối cãi là hiện nay các phần tử đòi ly khai đã thành công trong việc tạo ra một bầu không khí khủng bố trong khu vực, tuy họ chỉ là một thiểu số.

Các phần tử nổi dậy cho biết họ muốn tách 3 tỉnh miền nam ra khỏi Thái lan, một vương quốc mà đa số dân chúng là tín đồ Phật giáo. Ngay cả những cư dân trong vùng chống đối chủ trương độc lập cũng thường xuyên than phiền về điều mà họ cho là sự kỳ thị của những người Thái lan theo đạo Phật, và vùng này là một trong những vùng nghèo nhất nước.

Tại vùng Ban Rotan Batu trong quận Muang của tỉnh Narathiwat, chính phủ đang lập ra một ngôi làng dành cho gia đình của những người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy – cả người Hồi giáo lẫn người theo đạo Phật. Ngôi làng được gọi là ‘Làng Quả Phụ’ này gồm 103 gia đình được Hoàng gia Thái lan bảo trợ. Mỗi gia đình được cấp đất đai để canh tác và khỏi phải đóng thuế. Trung úy Phichwit Nun Wannrat, người đứng đầu lực lượng an ninh ở ‘Làng Quả Phụ’ nói với phóng viên Ron Coebn của đài VOA như sau về tình hình ở làng này.

Theo lời trung úy Phichwit, dân chúng ở đây được an toàn. Các nhân viên an ninh - gồm lính bộ binh, thủy quân lục chiến, và lực lượng bán quân sự, thường xuyên đi tuần, và lệnh giới nghiêm được áp dụng sau 6 giờ chiều mỗi ngày để bảo đảm an ninh cho dân làng.

Bà Sirima Saengtraichak, quê quán ở tỉnh Yala, là một trong những người đang sinh sống ở ‘Làng Quả Phụ’, sau khi người chồng cảnh sát của bà bị bắn chết hồi tháng tư năm ngoái. Bà cho biết: ở đây bà cảm thấy được an toàn chứ không còn phải lo sợ ngày đêm như hồi còn ở tỉnh Yala.

Bà Sirima cho biết cuộc sống của bà hiện nay được cải thiện rất nhiều, và điều quan trọng nhất là bà không còn phải lo lắng sợ hãi như trước.

Những ốc đảo an toàn như ‘Làng Quả Phụ’ đã được dựng lên trong lúc quân đội Thái lan ra sức tranh thủ sự hậu thuẫn của dân chúng ở các tỉnh miền Nam. Những tố cáo về vi phạm nhân quyền, những vụ giết chóc bừa bãi và lạm quyền đã gây phương hại đáng kể cho sự tin tưởng giữa các lực lượng an ninh và cư dân địa phương. Tháng tư năm ngoái, các lực lượng an ninh đã giết chết 30 phần tử nổi dậy trốn núp trong một đền thờ Hồi giáo ở tỉnh Narathiwat. Năm ngoái ở làng Tak Bai, binh sĩ chính phủ đã bắn chết 6 người Hồi giáo biểu tình, và sau đó có tới 78 người đã bị chết ngộp trong lúc binh sĩ chất đống hàng trăm người biểu tình lên xe bít bùng để chở tới trại giam.

Thủ tướng Thái lan, Thaksin Shinawatra nói rằng với mục tiêu cải thiện tình hình an ninh ở các tỉnh miền nam, giới hữu trách đang ra sức tập trung nỗ lực nhằm tăng cường sự thông cảm giữa dân chúng với chính quyền, phát triển kinh tế, cải thiện công tác giáo dục và tạo thêm công ăn việc làm cho đa số dân chúng trong khu vực này.

Trong khi đó, Đại tá Songwit Noonpackdee, phó tư lệnh Trung đoàn 11 Bộ binh, phụ trách an ninh của 94 ngôi làng có khoảng 150 ngàn cư dân sinh sống dọc biên giới Malaysia, cũng cho biết: quân đội đang áp dụng những phương pháp mới để tranh thủ nhân tâm và hy vọng nhờ đó mà cải thiện điều kiện an ninh trong khu vực.

Theo lời đại tá Songwit, ông đã chỉ thị cho binh sĩ dưới quyền ra sức hòa nhập với cư dân của các cộng đồng địa phương. Vì thế, các binh sĩ thường xuyên tiếp xúc với dân chúng, trao đổi ý kiến với họ – để giải thích những gì mà quân đội đang làm và tiếp nhận ý kiến của cư dân về những hoạt động quân sự.

Vụ rối loạn ở miền nam Thái lan mới đây còn tạo ra những xích mích ngoại giao giữa chính phủ ở Bangkok với chính phủ Malaysia và cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc, sau khi 131 người ở Thái lan chạy sang Malaysia lánh nạn hồi cuối tháng 8.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ tư, khi được hỏi về việc giới hữu trách Thái lan yêu cầu Malaysia giao trả số người tị nạn, trong đó có một người mà Bangkok nói là đã tham gia vụ cướp kho đạn ở Thái lan hồi tháng giêng năm 2004, bộ trưởng ngoại giao Malaysia, ông Syed Hamid Albar, nói rằng chính phủ ông cần đoan chắc là nhân quyền của số người này không bị vi phạm trước khi trả họ về nước. Theo lời ngoại trưởng Albar, những người này không phải là di dân bất hợp pháp mà họ đã phải vượt biên vì những gì đang xảy ra ở Thái lan.

Thứ sáu vừa qua, bộ ngoại giao Thái lan đã triệu đại sứ Malaysia đến để kháng nghị. Theo một thông cáo của bộ ngoại giao ở Bangkok, tuyên bố của ông Albar là một hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Thái lan. Thông cáo này nói thêm rằng: ‘tiêu chuẩn nhân quyền của Thái lan không thua kém bất kỳ quốc gia nào trong khu vực và chắc chắn là không thua kém Malaysia.’

Trước đó, thủ tướng Thaksin cũng đã lên tiếng chỉ trích Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc về điều mà ông gọi là ‘can thiệp vào công việc nội bộ của Thái lan’ sau khi cơ quan này phỏng vấn những người Thái lan ở Malaysia để quyết định xem có nên cấp qui chế tị nạn cho họ hay không. Theo lời nhà lãnh đạo Thái lan, vụ vượt biên này là một vụ giàn dựng của phe nổi dậy, và Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc có thể trở thành một công cụ của các phần tử gây rối nếu cơ quan này cấp qui chế tị nạn cho họ. Thủ tướng Thaksin cũng cực lực đả kích những nhân vật tranh đấu ở Malaysia sau khi những người này gởi thư tới sứ quán Thái lan ở Kuala Lumpur để phản đối điều mà họ cho là nhân quyền của người Hồi giáo ở miền nam Thái lan bị chà đạp. Họ cũng kêu gọi dân chúng Malaysia tẩy chay hàng hóa của Thái lan.

Theo tường thuật của tờ Bangkok Post, số ra ngày thứ tư vừa qua, thủ tướng Thaksin nói rằng những nhân vật hoạt động nhân quyền Malaysia đó là ‘những tay thổ phỉ’ cùng phe với các phiến quân ở Thái lan.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG