Đường dẫn truy cập

Sự trợ giúp sau thiên tai và những kinh nghiệm mà cộng đồng người Việt rút tỉa được sau trận bão Katrina


Những tàn phá của trận bão Katrina thật là to lớn đối với người dân tại các vùng bị bão hoành hành dọc theo vùng duyên hải miền Nam nước Mỹ, nơi có khá đông người Việt hành nghề ngư phủ. Tuy công cuộc tái thiết những vùng bị thiên tai đã được chính phủ Hoa Kỳ đặt thành ưu tiên hàng đầu nhưng trong khi chờ đợi, các nạn nhân bão lụt vẫn tiếp tục cần sự giúp đỡ trong đời sống hàng ngày. Riêng trong cộng đồng người Việt, các hoạt động cứu trợ khẩn cấp lúc ban đầu đã dần dần nhường chỗ cho những kế hoạch giúp đỡ lâu dài. Sau đây là một số chi tiết về sự trợ giúp sau thiên tai và những kinh nghiệm mà cộng đồng người rút tỉa được từ biến cố này do Trần Nam ghi nhận qua các tin tức truyền thông và những cuộc tiếp xúc với các nhóm cứu trợ của người Việt hải ngoại:

Ngay sau khi xảy ra trận bão Katrina, các hoạt động cứu trợ đã được thể hiện khắp nơi trong cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là tại thành phố Houston, nơi mà làn sóng người tị nạn từ các thành phố bị ngập lụt ở duyên hải miền Nam nước Mỹ đến nhiều nhất trong những ngày đầu của thiên tai. Tuy nhiên tại thành phố Dallas của Tiểu Bang Texas, nơi không bị một ảnh hưởng nào của các trận bão Katrina và Rita cũng đã mở rộng vòng tay trợ giúp hơn 700 người Việt đến lánh nạn, phần lớn là từ thành phố New Orleans.

Theo lời ông Thái Hóa Lộc, Giám Đốc Đài Phát Thanh Tiếng Nước tôi tại thành phố Dallas thì những người Việt tại địa phương đã tích cực hưởng ứng công tác cứu trợ này, trong đó có những người có mức thu nhập thật là nhỏ nhoi, hoặc những người tàn tật, cũng đã mở rộng vòng tay đến các nạn nhân bão lụt:

Thưa anh phải nói là đồng bào của chúng ta đã hưởng ứng một cách rất tận tình. Ngay cả những người ăn tiền SSI cũng như SSA và ngay cả những người bị liệt mà họ củng cố gắng đến đây để gửi tặng cho chúng tôi 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền mặt, money order và ngay cả những cái checks của con của họ nữa

Cũng theo lời ông Thái Hóa Lộc thì báo chí và các cơ quan truyền thanh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động cứu trợ trong cộng đồng người Việt:

Ngay sau khi chúng tôi nhận được tin và khi có những người tị nạn đến đây thì chúng tôi đã phối hợp với anh em trong Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí do tôi làm chủ tịch thì chúng tôi đã phát động phong trào cứu trợ bằng cách kêu gọi trên báo chí và Đài Phát Thanh và hiện thời trong Hiệp Hội Báo Chí ở Dallas Fort Worth ở đây chúng tôi có 10 tờ báo và 2 Đài Phát Thanh, và chúng tôi đã nhận được từ các vị Mạnh Thường Quân, từ các Chùa, các Nhà Thờ và các đồng hương và số tiền mà hiện thời chúng tôi có được là 40776 đồng. Chúng tôi dự tính sẽ tổ chức một cái ngày để mà phân phối số tiền này trong một cái buổi Đại Nhạc Hội và Văn Nghệ vào ngày mùng 8 tháng 10 sắp tới.

Ông Lộc nói rằng đối với số người Việt di tản từ thành phố New Orleans thì cơn bão Rita, tiếp theo sau trận bão Katrina, đã gây thêm khó khăn cho họ, vì vậy ngày trở về của những cư dân tại thành phố này vẫn gặp nhiều trở ngại:

Lúc đầu thì cái nhóm đầu tiên họ định trở về, những nơi ít hư hại thì họ trở về như sau khi xảy ra trận bão Rita và New Orleans lại bị ngập lụt một lần nữa thì những người dự định trở về thì họ lại ngần ngừ . Do đó những người còn ở lại đây thì họ tiếp tục xin cho các con em của họ vào các trường học, chẳng hạn như sáng hôm nay có 2 gia đình đã đến đây nhờ chúng tôi làm hồ sơ cho các em và trường học...thành ra trong số tiền mà chúng tôi nhận được từ các ân nhân, các chùa, các nhà thờ thì chúng tôi sẽ cập nhật và chúng tôi sẽ chia đều trên số đầu người đang tạm cư tại Dallas Fort Worth

Vì các trở ngại như vừa nêu cho nên những cứu trợ khẩn cấp lúc ban đầu đã dần dần nhường chỗ cho cho những chương trình giúp đỡ dài hạn trong khi các nạn nhân chờ đợi cơ hội trở về nhà củ để xây dựng lại cuộc sống bình thường, và đây cũng là điều mà các hội đoàn người Việt tìm cách thực hiện theo khả năng của mình:

Thưa anh trước mắt và trong giai đoạn đầu tiên là giúp trong giai đoạn khẩn cấp tuy nhiên sau đó chúng tôi sẽ có những chương trình dài hạn bằng cách mình đến tận nơi để theo dõi những trường hợp của họ để mình có thể giúp những gì cho con cái của họ trong việc học hành hoặc để an ủi cái tinh thần của họ cũng những gì mà họ cần ở nơi mình.

Ngoài Tiểu Bang Texas, nơi tiếp cận với những vùng bị bão lụt ở miền Nam, một Tiểu Bang khác có đông người Việt ở miền Tây nước Mỹ là California cũng đã có những nỗ lực lớn lao nhằm cứu giúp các nạn nhân bão lụt. Các cơ sở báo chí, các cơ quan truyền thanh truyền hình người Việt tại Tiểu Bang này, đã không ngớt lên tiếng kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng người Việt, đồng thời gửi người đến những vùng bão lụt để chứng kiến tận mắt những gì đã xảy ra tại chỗ và tìm phương cách giúp đỡ. Trong số các cơ sở truyền thông dồn mọi nỗ lực vào công cuộc vận động cứu trợ có nhóm truyền thông Calitoday ở miền Bắc California.

Anh Nguyễn Nam, chủ nhiệm nhật báo Calitoday và cũng là người tổ chức Đại Nhạc Hội Đêm Cali 2005 vào ngày 15 tháng 10 tới đây để gây quỹ cứu trợ nói rằng thông thường thì buổi đại nhạc hội hàng năm này là để yểm trợ các hội đoàn người Việt trong vùng, tuy nhiên sau khi xảy ra cơn bão Katrina thì hệ thống truyền thông Calitoday quyết định sẽ dành tất cả số tiền kiếm được để giúp đỡ cho các nạn nhân bão lụt:

Trong hoạt động thường kỳ của báo Caltoday thì tụi này nhắm chính yếu vào chuyến đi mỗi năm được gọi là Tình Ấm Mùa Đông là để thăm viếng các cụ già trong các trại dưỡng lão mang cái biểu tượng là tuổi trẻ ở hải ngoại luôn thương yêu quí trọng và chăm sóc các cụ. Tụi này cũng đi vào các trung tâm phụ nữ bị bạo hành để góp một bàn tay, một hơi ấm để sưởi ấm những cô gái bất hạnh hiện nay sống trong các trại phụ nữ bị bạo hành nhưng mà trong khi tụi này chuẩn bị Đại Nhạc Hội cho công việc hằng năm như vậy thì bảo ập đến nên tụi này có ý nguyện là cố gắng làm việc nhiều hơn để dồn toàn bộ tiền lời của mình và công việc cứu trợ cho các nạn nhân bão lụt.

Cũng theo lời anh Nguyễn Nam thì ngoài những cứu trợ về vật chất, sự giúp đỡ về mặt tinh thần cũng là điều quan trọng đối với các nạn nhân bão lụt người Việt:

Khi mà mình kêu gọi như vậy thì cũng có rất nhiều người hưởng ứng, các Mạnh thường Quân, các nhà bảo trợ yểm trợ cũng nhiều. Tụi này sẽ chính thức có một chuyến bay đến vùng đó để góp một bàn tay dù nhỏ nhoi của mình tại vì mình nghĩ rằng bên cạnh sự giúp đỡ về vật chất sự cứu trơ về tinh thần cũng là điều rất quan trọng.

Ứng phó với thiên tai hiện đang là một đề tài được các giới chức hữu trách Hoa Kỳ duyệt xét và chấn chỉnh sau khi có nhiều lời than phiền cho rằng chính quyền đã tỏ ra quá chậm chạp trong việc cứu trợ khẩn cấp ngay sau khi xảy ra cơn bão Katrina. Còn theo nhận xét của một số người Việt trực tiếp tham gia cứu trợ trong những ngày đầu tại các vùng bị bão lụt thì phần lớn các nạn nhân người Việt đã không được chú ý, và tiếng nói của họ vẫn còn quá nhỏ bé trong cộng đồng người bản xứ. Anh Nguyễn Nam đề nghị rằng cộng đồng người Việt nên rút tỉa kinh nghiệm trong thiên tai này để tìm cách thực hiện việc cứu trợ một cách nhanh chóng và hữu hiệu trong trường hợp xảy ra thiên tai trong tương lai:

Qua bão Katrina mình mới thấy và mình phải đặt lại vấn đề vì thiên tai có thể đến ngày hôm nay, có thể đến ngày mai có thể đến ngày mốt, cái sự cứu trợ là quan trọng, cái cách cứu trợ thế nào cho hiệu quả và đến tay nạn nhân cho nhanh là vấn đề chúng ta cần đặt ra . Tại vì chúng ta không biết ngày mai có còn thiên tai nào nữa hay không, nếu chúng ta không rút kinh nghiệm mà chúng ta chỉ có tình thương không, và không tìm cách cho có hiệu quả thì đôi khi sự giúp đỡ của chúng ta sẽ không có hiệu quả như chúng ta mong muốn.

Thưa quí thính giả vừa rồi là phát biểu của anh Nguyễn Nam trong nhóm Truyền Thông Calitoday tại thành phố San Jose, và trước đó là anh Thái Hóa Lộc, Giám Đốc Chương Trình Phát Thanh Tiếng Nước Tôi tại thành phố Dallas liên quan đến vấn đề cứu trợ các nạn nhân bão lụt Katrina và Rita.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG