Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn bác sĩ Cương Phó về công tác thiện nguyện với tổ chức Health Volunteers Overseas tại Việt Nam


Trong câu chuyện Phụ Nữ kỳ này, Minh Phượng thuật lại nội dung cuộc phỏng vấn bác sĩ Cương Phó, chuyên gia vật lý trị liệu, đã tham gia 3 chuyến đi công tác thiện nguyện tại Việt Nam.

Bác sĩ Cương Phó tốt nghiệp khoa vật lý trị liệu tại trường đại học tiểu bang California năm 1999 và đang làm việc cho tổ hợp y khoa Kaiser.

Xin Bác sĩ cho biết động cơ nào đã thúc đẩy bác sĩ tham gia công tác với tổ chức Health Volunteers Overseas?

Tôi vẫn nhắm tới mục tiêu là được trở về Việt Nam và cống hiến những gì mà tôi đã học hỏi được, đặc biệt là trong lãnh vụ vật lý trị liệu và giảng dậy. Tôi đi tìm phương tiện để thực hiện mục tiêu đó. Tôi vào mạng Internet và gặp website của Health Volunteers Overseas. Thật là may cho tôi là họ đã sẵn có chương trình đưa các chuyên gia vật lý trị liệu sang Việt Nam để giảng dậy. Vì thế tôi nắm ngay lấy cơ hội. Lần đầu tiên, tôi đến Đà Nẵng làm việc tại một trung tâm phục hồi chức năng trong 2 tuần lễ. Sau đó, tôi may mắn được Health Volunteers Overseas mời làm giám đốc cho dự án ở đó. Và từ đó đến nay, tôi đã lập giáo trình về vật lý trị liệu cho ban nhân viên và sinh viên. Tôi đã trở lại Đà Nẵng tất cả là 2 lần. Mới đây nhất, tôi đến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi tổ chức Health Volunteers Overseas có một dự án chỉ dẫn các kỹ thuật vận động khớp xương cho trường đại học y khoa thành phố Hồ Chí Minh, và tôi phụ trách lớp giảng dậy này.

Cụ thể công việc của bác sĩ là làm gì ạ?

Công việc của tôi là giảng dậy và làm kiểm tra một loạt các khái niệm cho ban nhân viên gồm 10 người ở trường đại học. Mục tiêu của chương trình là dậy và tạo điều kiện cho các giảng viên tại Việt Nam có thể công việc mà tôi đang làm.

Bác sĩ có thích công việc mình làm tại Việt Nam không ạ?

Thích lắm chứ ạ. Nó giúp tôi cảm thấy mãn nguyện đã thực hiện được mục tiêu đã đề ra cho chính mình. Vâng, công việc rất là thích thú.

Trong thời gian làm việc, chắc hẳn bác sĩ có dịp quan sát rất nhiều, bác sĩ nhận thấy tình trạng y tế công cộng ở Việt Nam như thế nào?

Theo tôi, thành phố Hồ Chí Minh đi trước các thành phố khác tôi đã từng đến như Đà Nẵng và Hà Nội. Căn cứ vào những gì tôi đã được thấy, hiện Việt Nam chỉ có 3 trường dậy về vật lý trị liệu và đào tạo các chuyên viên về ngành này. Với dân số 80 triệu của Việt Nam thì quá ít, so với riêng tiểu bang California đã có tới 6 trường. Để cải thiện tình trạng này, phương cách duy nhất không những là tuyển mộ thêm sinh viên, mà còn phải đào tạo thêm giáo viên giảng dậy ngành này, cả hai việc đều đòi hỏi thời gian và sự tài trợ.

Bác sĩ Cương cho biết mỗi tháng, tổ chức Health Volunteers Overseas cử một hay 2 người sang Việt Nam làm việc từ 2 đến 4 tuần lễ. Với nhiệm vụ điều hành chương trình, bác sĩ Cương sẽ đề xuất nội dung giảng dậy, và điều may mắn là có nhiều người muốn tham gia chương trình đến độ tổ chức dự định mở rộng qua các thành phố khác như Huế, chẳng hạn. Tổ chức được sự hưởng ứng và hợp tác nồng nhiệt của phía Việt Nam.

Hoạt động trên căn bản thiện nguyện, tất cả các tham dự viên đều phải xuất tiền túi ra đài thọ tiền chuyên chở và ăn ở.

Như vậy thì có trở ngại gì cho công tác của bác sĩ với công ty Kaiser hay không ạ?

Đương nhiên là có. Nhưng tôi thường lấy phép thường niên để không bị thâm hụt vào ngân quỹ cá nhân, về phía bệnh nhân thì tôi đã thu xếp trước mỗi khi dự định đi Việt Nam.

Bác sĩ Cương Phó dự định trở lại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm tới để khai triển chương trình đào tạo giảng viên, và sẽ trở lại Đà Nẵng vào cuối năm 2006 hoặc đầu năm 2007 để đánh giá các thành quả và lượng định những gì cần phải làm thêm.

Ngoài lãnh vực chuyên môn, bác sĩ có dịp tiếp xúc với người dân ở địa phương thì bác sĩ có cảm tưởng thế nào?

Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là người Việt Nam rất tử tế và thân thiện. Một ấn tượng nữa là người dân Việt Nam rất cần cù chăm chỉ.

Bác sĩ Cương Phó cho biết một mục tiêu khác mà bác sĩ nhắm tới là thực tập nói tiếng Việt giỏi hơn vì tuy bác sĩ có thể nghe hiểu nhưng còn gặp khó khăn trong việc đối đáp. Nhưng qua những lần đi Việt Nam, bác sĩ đã nhận ra tín hiệu của một đất nước và con người xinh đẹp cần được giúp đỡ và hân hoan đón nhận sự giúp đỡ.

Cuối cùng, bác sĩ Cương Phó xin gửi đến thính giả lời chào và cảm ơn

Cảm ơn bác sĩ Cương Phó đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG