Đường dẫn truy cập

Cuộc tập trận mang tên Sứ Mạng Hòa Bình 2005 của Nga và Trung Quốc


Cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Trung quốc và Nga đã khởi sự tại Vladivostok hôm thứ năm vừa qua. Các nhà phân tích cho rằng diễn tiến mới nhất trong mối quan hệ hợp tác chiến lược ngày càng chặt chẽ giữa Trung quốc và Nga này làm tăng thêm mối lo ngại là cán cân sức mạnh toàn cầu có thể bị thay đổi theo một chiều hướng khó dự đoán vì liên minh quân sự đang hình thành giữa Bắc kinh và Moskova. Một số chi tiết về vấn đề này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây. Xin mời quí vị cùng theo dõi:

Hôm thứ bảy vừa qua, lính nhảy dù Nga và Trung quốc đã tập trận với nhau ở bán đảo Sơn Đông của Trung quốc trong lúc hai nước vốn là kẻ thù trong thời Chiến tranh Lạnh này tiến hành giai đoạn hai của cuộc diễn tập quân sự chung, với sự tham dự của khoảng 10000 binh sĩ thuộc các binh chủng Hải, Lục, Không quân. Giai đoạn đầu của cuộc thao dượt này đã khởi sự hôm thứ năm tại hải cảng Vladivostok của Nga. Và theo lịch trình, giai đoạn ba và là giai đoạn chót sẽ diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25 ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Tiêu Nam với nội dung chính là những hoạt động tác chiến trên biển và đổ bộ.

Khi đề cập tới cuộc tập trận chung được đặt tên ‘Sứ mạng Hòa bình 2005’ này, tướng Yuri Baluyevski, tham mưu trưởng quân đội Nga cho biết rằng Nga và Trung quốc không hề có ý định thiết lập quan hệ đồng minh quân sự để đối đầu với một nước thứ ba hoặc đe dọa bất cứ một nước nào khác. Cuộc thao dượt này chỉ nhắm tới mục tiêu là cải thiện công tác chuẩn bị trong lãnh vực kiểm soát và chỉ huy để đối phó với trường hợp xảy ra một vụ tấn công khủng bố qui mô lớn hoặc một tình huống khẩn cấp.

Giới hữu trách ở Bắc kinh cũng đưa ra những tuyên bố với nội dung tương tự và theo lời tướng Lương Quang Liệt, tham mưu trưởng quân đội Trung quốc, thì chủ đích của cuộc diễn tập chung kéo dài 8 ngày này là tăng cường sự hợp tác giữa Nga và Trung quốc để đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, và chủ nghĩa cực đoan. Nhiều nhà quan sát tỏ ý nghi ngờ đối với những tuyên bố vừa kể và nói rằng: địa điểm tập trận, nội dung thao dượt, cùng với các thiết bị quân sự được xử dụng, cho thấy là cuộc diễn tập hỗn hợp này có những chủ đích khác.

Theo nhận xét của giáo sư Trương Tích Mô của Đại học Trung Sơn ở Đài loan, Trung quốc và Nga không hề có mối đe dọa khủng bố nào ở bán đảo Sơn Đông và khu vực lân cận; và khả năng xảy ra những vụ tấn công khủng bố ở Nga chủ yếu là ở vùng Bắc Caucase và đối với Trung quốc là ở vùng Tân Cương, nơi có những hoạt động của những người Hồi giáo đòi ly khai. Giáo sư Trương Tích Mô cho biết thêm rằng thoạt đầu, Trung quốc đòi tập trận chung ở tỉnh Triết Giang trong vùng duyên hải miền nam Trung quốc, với mục đích rõ ràng là để chuẩn bị cho việc đối phó với Đài loan; nhưng yêu cầu này bị phía Nga bác bỏ vì Moskova không muốn can dự vào vụ tranh chấp có thể lôi kéo cả Hoa kỳ và Nhật bản này.

Thay vào đó, Nga đề nghị diễn tập ở Tân Cương vì gần vùng Trung Á; và rốt cuộc đôi bên đã thỏa hiệp để chọn bán đảo Sơn Đông làm địa điểm thao dượt chính.

Giáo sư Trương Tích Mô nói rằng việc Trung quốc và Nga điều động các chiến hạm và tiềm thủy đỉnh tối tân, cùng với các oanh tạch cơ liên lục địa, để thao dượt những hoạt động đổ bộ, tác chiến trên không lẫn trên biển, cho thấy là cuộc tập trận này không có liên hệ gì mấy tới sự chuẩn bị để đối phó với các hoạt động khủng bố.

Theo ông Trương, mục tiêu chính trị của cuộc diễn tập này là cảnh cáo Hoa kỳ về khả năng Trung quốc và Nga kết hợp lực lượng để đối phó với Hoa kỳ trong trường hợp Washington tiếp tục có những hành động chèn ép trong lãnh vực địa chính trị.

Ông Ted Caponte, một nhà nghiên cứu Á châu thuộc Viện Cato ở Washington, cũng tán đồng nhận xét vừa kể. Theo ông, không có mấy ai tin là cuộc diễn tập chung giữa Nga và Trung quốc là nhắm tới việc chống khủng bố. Thật ra, những diễn tiến này thể hiện sự quan tâm của Nga và Trung quốc đối với vị thế siêu cường của Hoa kỳ hiện nay và có mục đích cân bằng cán cân thế lực toàn cầu. Oâng Caponte cho biết thêm rằng: mối quan hệ đồng minh được hình thành sau biến cố 11 tháng 9, năm 2001 ở Mỹ giờ đây chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, và các hoạt động trên trường quốc tế trên dài hạn đều mang tính chất tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới.

Theo giáo sư Trương Tích Mô của Đại học Trung Sơn, quan hệ đồng minh giữa Nga và Trung quốc trong thời gian gần đây đã không còn có tính chất toàn cầu như tình trạng của những năm đầu của thập niên 1950.

Ông Trương cho rằng quan hệ song phương giữa Nga và Trung quốc giờ đây thiên về tính chất khu vực, và hiện đặt trọng tâm ở vùng Trung Á – nơi mà ảnh hưởng của cả hai nước đang bị đe dọa bởi sự bành trướng thế lực của Hoa kỳ. Và điều cần quan tâm hiện nay là quan hệ đồng minh này có phát triển thêm nữa để bao gồm khu vực Đông Á hay không.

Trong khi đó, nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc diễn tập chung này chính là một cơ hội để Nga rao bán cho Trung quốc các thiết bị quân sự tối tân, như các oanh tạc cơ chiến lược loại TU-22M và TU-95. Về phần mình, Trung quốc cũng muốn mua vũ khí của Nga vì chưa có dấu hiệu nào cho thấy là lệnh cấm vận vũ khí mà Hoa kỳ và Liên hiệp Aâu châu áp đặt năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn sẽ được hủy bỏ.

Tường thuật hôm thứ bảy của hãng thông tấn Reuters trích lời một nhà phân tích thuộc Tổ chức Nghiên cứu Heritage ở Washington, ông Peter Brookes, nói rằng mối quan tâm trong ngắn hạn của Hoa kỳ đối với cuộc diễn tập này là Moskova có để cho Trung quốc mua các loại phi cơ tối tân đó hay không. Theo ông Brookes, nếu Nga bán các oanh tạc cơ liên lục địa, có khả năng phóng đi các phi đạn mang đầu đạn qui ước hoặc đầu đạn hạt nhân, cho Trung quốc thì điều này sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho quân đội Hoa kỳ trong trường hợp Washington quyết định trợ giúp cho Đài loan khi đảo quốc này bị Trung quốc tấn công.

Phát ngôn viên bộ quốc phòng Đài loan, Thiếu tướng Lưu Chí Kiên, cũng bày tỏ những mối quan tâm tương tự và cho rằng đây là dịp để quân đội Nga trình diễn các thiết bị tối tân để chào hàng với Trung quốc. Nhưng ông nói thêm rằng xét về phương diện thuần túy chiến thuật thì cuộc diễn tập này không phải là một cuộc thao dượt hỗn hợp giữa hai quân đội vì không có một cơ cấu chỉ huy chung và không có một hoạt động chiến thuật hợp nhất.


Nhà phân tích Peter Brookes của Quĩ Heritage trích dẫn những kết luận của bản phúc trình năm 2005 về vấn đề quốc phòng của Trung quốc mà Ngũ giác đài công bố hồi tháng trước và nói rằng: thách thức trong dài hạn của Hoa kỳ là làm thế nào để ứng phó với sự chỗi dậy của Trung quốc chứù không phải là vấn đề khủng bố hay chủ nghĩa cực đoan của những người Hồi giáo.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG