CÁO LỖI VỀ VIỆC KHÔNG CÓ ƯNG HOÀNG PHÚC...
Chương trình trình diễn của nam ca sĩ Ưng Hoàng Phúc diễn ra vào buổi tối Thứ Sáu, ngày 12 tháng 8 vừa qua, tại khiêu vũ trường Majestic, quận hạt Orange County, đã không có Ưng Hoàng Phúc - Thay vào đấy, là hai khuôn mặt nữ, ca sĩ Đoan Trang và, Thu Minh.
Trước đó ít ngày, trung tâm VIP Entertainment, trong một thông báo phổ biến cho biết, Ưng Hoàng Phúc, nam ca sĩ trẻ, đang được yêu thích tại Việt Nam không có mặt trong chương trình vì, không thể qua Mỹ kịp ngày.
Gần đây, những vụ các nghệ sĩ trong nước, không thể đến Hoa Kỳ trước hay đúng ngày trình diễn, xẩy ra khá nhiều, khiến các nhà tổ chức phải cáo lỗi vào phút chót, cho khán giả. Để bù lại, các nhà tổ chức thường mời nhiều ca sĩ tên tuổi khác, để thay thế và, cũng có ban tổ chức sẵn sàng chấp nhận sự trả lại vé của những người vé trước. Nhưng theo một nhân vật trong lãnh vực tổ chức show, thì: “Sự kiện khán giả trả lại vé, xẩy ra với con số không đáng kể.”
NỮ NGHỆ SĨ GIÁNG KIỀU THỰC HIỆN CD NGÂM THƠ.
Nữ nghệ sĩ kỳ cựu Giáng Kiều, gần 80 tuổi, cho hay, bà đang chuẩn bị để hoàn tất một CD gồm những bài thơ nổi tiếng từ thời tiền chiến, qua giọng ngâm của chính bà.
Những người của Hà Nội đầu thập niên 40, hẳn còn nhớ rằng, nữ nghệ sĩ Giáng Kiều là một trong “Tứ Kiều,” hay bốn người đẹp nổi tiếng nhất của đất Thăng Long.
Nữ nghệ sĩ Giáng Kiều cho biết, trong “Tứ Kiều” vừa kể, thì, chị em bà là 2 trong số 4 người đó. Bà cũng cho biết thêm, một số người trẻ sau này, không biết, nên đã cho rằng, trong “Tứ Kiều” có cả nữ tài tử Kiều Chinh của ngày hôm nay. Bà nói, nữ tài tử Kiều Chinh thời đó, chưa ra đời, hoặc nếu đã, thì còn quá bé.
Nghệ sĩ Giáng Kiều, thời tiền chiến, từng là thành viên trong ban kịch Thế Lữ. Bà từng xuất hiện đôi lần trên sân khấu nhà Hát Lớn Hà Nội, trong những vở kịch thơ của Thế Lữ. Bà cũng được biết tới, trong tư cách là người bạn đời của ông Nguyễn Khoa Toàn, cựu Thủ Hiến Bắc Việt, kiêm bộ trưởng giáo dục, trong chính phủ Nguyễn Văn Tâm.
Tháng 4 năm 1975, tỵ nạn tới Hoa Kỳ, định cư tại thành phố Glendale, thuộc quận hạt Los Angeles County; cùng với ký giả lão thành Tô Văn, bà đã xuất bản nguyệt san Đất Việt, trong vòng 2 năm.
Nữ nghệ sĩ Giáng Kiều hiện cư ngụ tại quận hạt Orange County, miền nam California.
ĐÊM NHẠC TƯỞNG NIỆM NHẬT TRƯỜNG / TRẦN THIỆN THANH.
Nhân dịp giỗ 100 ngày của cố ca, nhạc sĩ Nhật Trường / Trần Thiện Thanh, một đêm nhạc Trần Thiện Thanh đã được tổ chức tại khiêu vũ trường Majestic, ở thành phố Huntington Beach, miền nam California - - Tối Thứ Bảy, ngày 20 tháng 8 vừa qua. Chương trình được đặt tên là “Người chết trở về.” Để giới thiệu chương trình này, ban tổ chức nhấn mạnh như sau: “Thấm thoát mà 100 ngày đã trôi qua, chúng ta vắng xa khuôn mặt và tiếng hát của ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Nhưng tinh thần rực lửa quê hương kiêu hùng của Anh vẫn luôn tỏa sáng như một lời nhạc Anh đã từng viết: ‘Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết yêu đời lính.’ (...) Càng nghe dòng nhạc Trần Thiện Thanh chúng ta càng yêu hơn, tiếc nuối hơn cho một ánh sao đã tỏa sáng cho đời biết bao lung linh yêu thương rực rỡ nhất...”
Chương trình vừa kể, do nữ ca sĩ Mỹ Lan, tức bà quả phụ Trần Thiện Thanh thực hiện; với sự trợ lực của Trần Thiện Anh Chí, và Danny Lưu. Những nghệ sĩ nhận lời tham dự chương trình này có thể kể như: Trang Thanh Lan, Thanh Mai, Chung Tử Lưu, Túy Hồng, Khánh Dũng, Hồng Trúc, Tuấn Khải, Duy Thanh, Diễm Hương, vũ đoàn Tây Đô với nữ nghệ sĩ Phi Phượng, cùng nhiều tên tuổi khác...
Chương trình do nhạc sĩ Trần Quốc bảo làm MC, và Trần Thị Diễm Phúc, điều hợp.
Cùng ngày, vào lúc 11 giờ sáng, tại chùa Huệ Quang, đã có lễ cầu siêu; và 6:30 chiều, là Thánh lễ cầu hồn cho người nghệ sĩ tài danh quá cố này.
Nhân đêm tưởng niệm, một DVD nhạc của Trần Thiện Thanh cũng sẽ được phát hành. Đó là DVD Nhật Trường và Tứ Ca, cuốn thứ 10.
Cần thêm chi tiết, xin gọi Mỹ Lan (714) 379-4622, hoặc (714) 330-1352.
TRIỂN LÃM VÀ TẶNG DVD HÌNH ẢNH MISS VIETNAM-USA-2006.
Do sáng kiến của nhiếp ảnh gia Michael Mừng và nhạc sĩ Quốc Thái, người đứng đầu tổ chức cuộc thi hoa hậu “Miss VietNam-USA,” một cuộc triển lãm hàng trăm bức ảnh những thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu vừa kể, đã diễn ra vào trưa Thứ Hai, ngày 9 tháng 8 vừa qua, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ở miền nam California; sẽ kéo dài đến ngày 21 tháng 8 tới đây. Đồng thời, cũng dịp này, 1000 DVD ghi hình ảnh diễn tiến chương trình 2 cuộc thi họa hậu “Miss VietNam-USA” 2005 và 2006, được tặng miễn phí cho quý khách viếng thăm cuộc triển lãm.
Theo ký giả Nguyên Huy thì cuộc thi hoa hậu Miss VietNam-USA-2006” là cuộc thi lần thứ ba, do ca sĩ Quốc Thái tổ chức, được ghi nhận là thành công trên mức chờ đợi của tất cả mọi người.
Trước sự kiện này, Quốc Thái cho rằng: “...Những lời cảm ơn chỉ một lần chưa đủ, mà phải nói lên bằng hình ảnh, bằng những ấn tượng mà những nghệ sĩ nhiếp ảnh gia ghi nhận được trong những cảm xúc riêng tư của mỗi người...”
Được biết nhiếp ảnh gia Michael Mừng, cư ngụ tại một thành phố sát cạnh “kinh đô” điện ảnh Hollywood, từ năm 1975. Anh từng có sáng kiến mời các nghệ sĩ tỵ nạn tên tuổi, in bàn tay của mình, lên miếng sân nằm trong khuôn viên ngôi nhà của anh. Vì thế, khi tin tức được loan tải, nhiều người lầm tưởng rằng, một số nghệ sĩ Việt Nam đã được Hollywood mời in...tay trên đại lộ...Hollywood...Khiến nhiều người cất công kiếm tìm; để rồi thất vọng, vì không thấy.
“CHÂN DUNG VĂN HỌC,” NGUYỄN QUỐC TRỤ GIỚI THIỆU.
Nhà xuất bản Văn Mới ở thành phố Gardena ấn hành tác phẩm “Chân Dung văn Học” do nhà văn Nguyễn Quốc Trụ sưu tập - - Nhằm giới thiệu nhà thơ Joseph Huỳnh Văn và, cố giáo sư Đỗ Long Vân.
Trong một bài viết tản mạn, nhan đề “Ai chỉ định anh là thi sĩ” in trong tập sách vừa kể, nhà văn Nguyễn Quốc Trụ viết: “Joseph Huỳnh Văn là một thi sĩ. Chúng tôi quen nhau những ngày làm Tập san Văn Chương (...) Huỳnh Văn với lối nói mi mi tau tau là chất keo mà một người Thư ký Tòa soạn cần để kết hợp anh em. Bây giờ nghĩ lại chính thơ anh mới là tinh thần Tập san Văn Chương. Đó là nơi xuất hiện Cầm Dương Xanh, những bài thơ đầu và có lẽ cũng là cuối cùng của anh. Bởi vì sau đó, anh không đăng thơ nữa, tuy chắc chắn vẫn làm thơ, hoặc tìm thấy thơ trên những vân gỗ, khi anh làm nghề thợ mộc, những ngày sau 75, thay cho nghề bán cháo phổi, những ngày trước đó.”
Về cố giáo sư Đỗ Long Vân, nhà xuất bản giới thiệu như sau: “Chúng tôi cho in lại bài viết (Vô Kỵ giữa chúng ta,) của Đỗ Long Vân (ông đã mất tại Saigòn vào năm 1997), theo ấn bản của nhà xuất bản Văn Học Hà Nội, cùng lời bàn của Nguyễn Quốc Trụ, như những dòng tưởng niệm người đã khuất (...) Đây là một bản văn lạ, đẹp như mơ, theo nghĩa này: ‘Tất cả những giấc mơ đều có chút chi huyền bí, và đây là vẻ đẹp của chúng. Nhưng có vài giấc mơ quá huyền bí đến nỗi không hiểu nổi, và bạn có thể cho chúng hàng trăm lời giải thích khác nhau, đều được cả.’ ”
Muốn liên lạc với nhà Văn Mới, xin gọi (310) 366-6967.
PHẠM THỊ QUANG NINH: “ĐỜI SỐNG GẦN TRONG MỘT XÃ HỘI XA.”
Tác phẩm thứ hai của cây bút nữ Phạm Thị Quang Ninh, là tập tiểu luận nhan đề “Đời sống gần trong xã hội xa,” do Việt Đạo xuất bản.
Trong bài “Lời tác giả,” có đoạn nguyên văn như sau: “...Tôi yêu cái đẹp của tình người và ghét sự phi nhân. Tôi nhìn thấy cái đẹp của một gia đình bình thường, cùng nhau lèo lái những cơn sóng gió để vợ chồng con cái tới bến bờ bình an. Tôi nhìn thấy cái đẹp của những bậc cha mẹ đã hy sinh dành nhiều thì giờ cho con cái...”
Nhà văn kiêm nhà báo Đỗ Tiến Đức, chủ nhiệm bán tuần san Thời Luận, mở đầu bài “Giới thiệu” tác phẩm “Đời sống gần trong xã hội xa” ghi nhận rằng: “Trên Thời Luận trong những năm gần đây, thỉnh thoảng có bài của một cây viết nữ là bà Phạm thị Quang Ninh. Bà viết ít nhưng độc giả nhớ nhiều. Bởi bà viết với những đề tài liên hệ thiết thực tới đời sống với văn phong rất giản dị, dễ hiểu mà xúc tích. Điểm nổi bật trong số những chủ đề mà Phạm Thị Quang Ninh chủ tâm khai thác, theo nhận xét của riêng tôi, đó là phụ nữ, nhất là người phụ nữ Việt Nam sống ở nước ngoài...”
Theo tiểu sử tác giả in nơi bìa sau thì: Phạm Thị Quang Ninh sinh tại Hà Nội. Bà là cựu nữ sinh trường trung học Trưng Vương; tốt nghiệp cử nhân xã hội học tại Hoa Kỳ - Chính thức viết báo vào năm 1996; đã cộng tác với các báo ở miền nam Cali và miền đông Hoa Kỳ. Tác phẩm đầu tay, nhan đề “Cùng nhau trôi nổi” của bà, xuất bản năm 1996.
Phạm thị Quang Ninh cùng gia đình, hiện cư ngụ tại miền nam California.
RA MẮT SÁCH CỦA TRẦN TRUNG ĐẠO TẠI ORANGE COUNTY.
Sau khi thành công với buổi ra mắt sách tại thành phố Orlando, Florida, cách đây nửa tháng, nhà thơ Trần Trung Đạo sẽ có buổi giới thiệu hai thi phẩm mới của mình, tại quận hạt Orange County. Nơi tổ chức sẽ là phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ở thành phố Westminster, vào lúc 1 giờ 30 trưa, Thứ Bảy, ngày 3 tháng 9 tới đây. Trong thiệp mời được ấn loát rất công phu, mỹ thuật, ban tổ chức viết: “Đây là một buổi chiều thơ nhạc đặc biệt với những nhạc phẩm được phổ từ thơ Trần Trung Đạo của rất nhiều nhạc sĩ. Ngoài ra trong lần đầu tiên giới thiệu tác phẩm tại Nam California, tác giả Trần Trung Đạo sẽ diễn ngâm những bài thơ một thời gắn liền với hành trình tỵ nạn đầy bi tráng của người Việt hải ngoại như Bà Mẹ Điên, Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi, Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, Thưa Mẹ Chúng Con Đi, Mẹ Là Thơ, Người Con Gái Trên Đường Bolsa v.v...”
Hai tác phẩm của Trần Trung Đạo sẽ được ra mắt trong dịp vừa kể là “Thơ Trần Trung Đạo” và, “Tâm Bút.”
Cần thêm chi tiết, xin liên lạc: Lê Đình Các (562) 607-8887; Nguyễn Thanh Huy (714) 267-3358.
TRẦN HOÀI THƯ VÀ “HÀNH TRÌNH CỦA MỘT CỔ TRẮNG.”
“Hành trình của một cổ trắng” là một trong tác phẩm mới của nhà văn Trần Hoài Thư. Tập sách được viết ở dạng truyện với những dữ kiện cụ thể lấy từ đời thường. Giới thiệu tác phẩm này, nhà xuất bản Thư Quán Bản Thảo viết: “Đây là tác phẩm thứ 16 (của Trần Hoài Thư,) nhưng là tác phẩm đầu tiên tác giả viết về chủ đề đời sống Hoa Kỳ với những kinh nghiệm của một người trong cuộc. Từ những ngày huy hoàng đến những ngày ảm đạm của giới IT (Information Technology). Từ việc binh đoàn Ấn Độ chiếm ngự đến việc chuyển công việc ‘cổ trắng’ qua các xứ ngoài Mỹ...Những buồn vui tủi hận, không phải riêng của một người gốc Việt Nam, mà còn chung cho những người đã vắt trí não của mình, để cuối cùng nhận phần thưởng là sự ra đi âm thầm, không kèn không trống...”
Được biết nhà văn Trần Hoài Thư tốt nghiệp cao học ngành điện toán, ông có nhiều năm làm việc cho hãnh IBM ở tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ.