Đường dẫn truy cập

Quan hệ của Nhật Bản đối với các lân bang ở Á Châu


Những cuộc tranh luận hồi gần đây ở Nhật bản về những vấn đề, như vận động để trở thành hội viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc hoặc sửa đổi bản hiến pháp chủ hòa để thành lập quân đội, đã khiến nhiều người ở các nước Á châu cảm thấy bất an.

Mối quan tâm này còn gia tăng thêm nữa, đặc biệt là ở Trung quốc và Triều tiên, vì thủ tướng Junichiro Koizumi của Nhật bản tiếp tục không chịu từ bỏ ý định đến viếng đền thờ Yasukuni, nơi có một số can phạm tội ác chiến tranh, được thờ phượng chung với các chiến sĩ trận vong. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:


Đối với nhiều người ở các nước láng giềng của Nhật bản tại châu Á, đền Yasukuni, nơi có những can phạm tội ác chiến tranh thời Thế Chiến Thứ Hai được thờ phượng chung với các liệt sĩ khác, là một chứng tích cho thấy Nhật bản vẫn chưa thật sự hối lỗi về những hành vi xâm lăng cách đây hơn 60 năm. Nhiều người vẫn còn nhắc nhở và ghi nhớ những ký ức cay đắng về những cuộc xâm lăng của Nhật bản và về vô số những hành vi tàn ác của quân đội Thiên Hoàng. Đối với đa số người dân Việt nam, có lẽ ai cũng biết tới trận đói kinh hoàng năm Ất Dậu, gây tử vong cho cả một triệu người ở miền Bắc, phát sinh từ việc quân đội Nhật ép nông dân trồng đay thay vì trồng lúa.

Tuy nhiên, đối với nhiều người Nhật bản, đền Yasukuni, hay Tĩnh quốc Thần xã, là nơi mang lại an ủi cho linh hồn của những nạn nhân chiến tranh. Ông Toshiaki Nambu là vị giáo sĩ trưởng của ngôi đền Thần Đạo này. Ông nói với phóng viên Steve Herman của đài VOA như sau:

Đền Yasukuni không hề là một nơi cổ xướng cho chủ nghĩa quân phiệt mà cũng không phải là một ngôi đền dành cho việc sùng thượng bạo lực. Đây là điều mà mọi người trên thế giới cần phải hiểu rõ.

Mặc dầu vậy, mỗi lần thủ tướng Junichiro Koizumi đến thăm đền Yasukuni là mỗi lần dân chúng cũng như chính phủ ở Trung quốc và hai miền Triều tiên bày tỏ phẫn nộ. Họ nói rằng các giới chức chính phủ Nhật bản không nên vinh danh những can phạm tội ác chiến tranh.

Theo các nhà quan sát, có rất ít dấu hiệu cho thấy là các nhà lãnh đạo ở Tokyo sẽ nhượng bộ về vấn đề này. Thật vậy, trong những năm gần đây số người ở Nhật bào chữa cho đường lối quân phiệt trong thế kỷ 20 ngày càng đông, trong đó có ông Yasuo Ohara. Vị giáo sư của đại học Kokugakuin này cho biết như sau:

Vấn đề ở đây không phải chỉ đơn giản là một hành vi xâm lăng như Trung quốc vẫn thường tố cáo. Dân chúng tại một số nước ở Á châu, như Malaysia chẳng hạn, đã tỏ ý cảm kích về việc Nhật bản giúp cho họ thoát được ách thực dân phương Tây. Dĩ nhiên, Nhật bản đã phạm phải những sai lầm; nhưng vấn đề này cần được phán xét một cách khách quan và công bằng hơn.

Đối với nhiều người ở Á châu, thái độ của những người như giáo sư Ohara là một thái độ ngoan cố, không thể chấp nhận được. Họ muốn Nhật bản theo gót nước Đức để bày tỏ ăn năn thật sự và giáo dục cho dân chúng biết rõ về những nỗi kinh hoàng mà quân đội Nhật đã gây ra và chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu thường dân trong thời chiến tranh. Những người khác nói rằng chính phủ ở Tokyo đã không ra sức ngăn chận sự xuống cấp của các mối quan hệ giữa Nhật bản với các nước láng giềng. Hồi gần đây, chính phủ Nhật đã phê chuẩn những cuốn sách giáo khoa môn sử mà nhiều người cho có mục đích làm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của những hành vi tàn ác của quân đội Nhật trong thời chiến tranh. Hành động vừa kể đã làm bùng ra những vụ biểu tình phản đối rầm rộ ở Trung quốc và Nam Triều tiên, và góp phần khiến cho quan hệ giữa Tokyo với Bắc kinh sút giảm tới mức thấp nhất trong vòng 30 năm.

Theo nhận xét của Dân biểu Kasuhiro Haraguchi, thuộc đảng Dân chủ của phe đối lập ở Nhật, tình trạng này là do thủ tướng Junichiro Koizumi gây ra. Ông Haraguchi cho biết trong 4 năm lên giữ chức thủ tướng, ông Koizumi đã đặt trọng tâm vào những nỗ lực cải cách ở quốc nội và lợi dụng vấn đề liên quan tới đền Yasukuni và sách giáo khoa để tranh giành sự hậu thuẫn của phe bảo thủ trong đảng Dân chủ Tự do. Dân biểu Haraguchi nói tiếp như sau:

Chính quyền của ông Koizumi không hề có một sách lược ngoại giao mà cũng chẳng có quan hệ gì với giới lãnh đạo ở Trung quốc hoặc ở Nam Triều tiên. Cơ sở quyền lực của ông Koizumi bên trong đảng Tự do Dân chủ rất yếu kém, cho nên ông ấy đã làm nổi bật tinh thần quốc gia dân tộc vì những lý do liên quan tới vấn đề chính trị ở trong nước.

Bà Balbina Hwang, một chuyên gia về Đông Á làm việc cho Tổ chức Nghiên cứu Heritage ở Washington, cũng đồng ý rằng Nhật bản cần áp dụng những biện pháp để cải thiện quan hệ với các lân bang ở Á châu. Bà Hwang cho biết như sau:

Nếu Nhật bản thật sự muốn giành được thắng lợi trong cuộc chiến này với Trung quốc và hai miền Triều tiên, thì cách tốt nhất là Nhật bản lấy đi đạn dược của ba chính phủ đó. Nếu cả xã hội Nhật bản giải quyết xong những vấn đề nội bộ đó thì Nam Triều tiên, Trung quốc và Bắc triều tiên sẽ không còn cái cớ nào khác để tiếp tục công kích Nhật bản. Khi đó, nếu 3 nước vừa kể vẫn còn công kích Nhật bản thì mọi người sẽ thấy rõ là những nước đó hành động vô lý.

Theo các nhà quan sát, trong vài năm gần đây chủ nghĩa dân tộc đã lên cao ở cả Trung quốc lẫn Nam Triều tiên và hai quốc gia này ngày càng có thái độ năng nổ hơn trong sinh hoạt quốc tế. Giới hữu trách Bắc kinh và Hán thành đã bắt đầu thẳng tay đương cự với Nhật bản trong những vụ tranh chấp lãnh thổ vốn được cố ý bỏ lơ trong nhiều năm trước và thách thức Nhật bản trong một số vấn đề khác.

Trong khoảng thời gian nhiều thập niên sau Thế Chiến Thứ Hai, vấn đề liên quan tới những hành vi tàn ác của Nhật tương đối ít được Bắc kinh và Hán thành đề cập tới. Các nhà phân tích nói rằng tình trạng đó đã thay đổi sau khi kinh tế Nhật bản bắt đầu phục hồi sau gần 15 năm bị trì trệ, và các giới chức ở Bắc kinh và nhiều nơi khác nhận ra rằng họ nắm được trong tay một lá bài ‘mặc cảm tội lỗi’ của Nhật bản mà họ có thể dùng trong chiếu bạc ngoại giao. Nhiều người Nhật cho rằng các chính phủ Á châu đã lợi dụng quá đáng lá bài đó và đã cố tình làm ngơ trước thái độ chủ hòa của Nhật trong hơn 60 năm qua và những khoản viện trợ hàng tỉ đô la mà Nhật bản đã cung cấp. Giờ đây, nhiều người ở Nhật muốn chính phủ họ từ bỏ thái độ thụ động trong sinh hoạt thế giới – và trong số những yêu cầu mới này có việc hủy bỏ một điều khoản trong hiến pháp cấm chỉ việc xử dụng sức mạnh quân sự ngoại trừ trường hợp tự vệ.

Oâng James Przystup, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Washington, e rằng tình hình Á châu có thể suy sụp vì những tranh chấp phát sinh từ tự ái dân tộc ở các nước trong vùng này.

Đây là một tình trạng ‘con gà và trái trứng’. Tinh thần dân tộc đang lên cao ở cả Trung quốc và Nhật bản và tập trung vào những vấn đề rất tế nhị như vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Đây là những vấn đề rất đáng quan tâm vì nó khiến cho căng thẳng gia tăng và làm tăng mối rủi ro xảy ra xung đột.

Lâu nay nhiều người ở Á châu vẫn hy vọng rằng những mối liên hệ khá chặt chẽ về kinh tế và văn hóa giữa Nhật bản với các lân bang ở vùng Đông Á có thể góp phần xóa bỏ lòng căm hận của quá khứ. Tuy nhiên, vào thời điểm đánh dấu 60 năm ngày kết thúc đệ nhị thế chiến này, Nhật bản và một số lân bang ở Á châu dường như vẫn muốn để mặc cho tự ái dân tộc gây phương hại tới những quyền lợi chung.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG