Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn luật sư Virginia Sudbury về vụ kiện của các công nhân Việt Nam đi lao động ở đảo Samoa của Mỹ


Trong phần tin kinh tế Việt Nam tuần này, chúng tôi mời quý vị theo dõi buổi trao đổi với chị Virginia Sudbury, luật sư đại diện cho các công nhân Việt Nam đi lao động ở đảo Samoa của Mỹ, nhưng khi đến nơi đã bị ngược đãi, bóc lột; kế tiếp đã xảy ra kiện tụng, và bây giờ thì đã có một số công nhân trở về Việt Nam.

Hai công ty Việt Nam có liên hệ đến vụ nầy là Công ty Xuất nhập khẩu chuyên gia lao động và kỹ thuật, thuộc Bộ Thương Mại (IMS) -- Và Công ty Du lịch 12.

Theo tin trên Internet , có 49 công nhân trở về Việt Nam đã được Công ty Du lịch 12 bồi thường 2000 đôla, nhưng trong trong thực tế chỉ nhận được có 500 đôla; số tiền 1500 đôla còn lại thì Công ty Du lịch 12 nói rằng đã nộp cho người chủ Hàn quốc đang ngồi tù, chờ chừng nào đòi được ông Hàn quốc này thì họ mới giao lại cho các công nhân Việt Nam.

Thưa chị Sudbury, xin chị nhắc sơ lại vụ kiện này một chút:

Có 2 vụ kiện tại Samoa. Trước hết là vụ kiện dân sự chống lại ông Kil Soo Lee và 2 công ty Việt Nam, quan tòa đã buộc ông chủ Hàn quốc và 2 công ty Việt Nam này phải chi trả cho hơn 200 công nhân Việt Nam và Trung Quốc 3 triệu rưỡi đôla. Sau đó ông Kil Soo Lee đã bị Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ bắt giam và đưa ra xử về tội hình, ông ta bị kêu án 40 năm tù và bồi thường cho các nạn nhân 1 triệu 800 ngàn đôla.

Thưa chị, thủ tục bồi thường này sẽ diễn tiến như thế nào, lâu hay mau?

Vấn đề này sẽ do Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phụ trách, vì bộ này đã khởi tố bị can. Nhưng tôi xin nhắc lại, chuyện nhận được tiền của ông này rất khó xảy ra, vì ông Kil không có tiền, hoặc nếu có thì ông đã dấu một chỗ. Dó đó tôi có cảm tưởng nếu cứ nhắm vào ông ta thì không có hy vọng chút nào. Phe có tiền là phe các công ty bên Việt Nam, do đó tôi cần tập trung vào phe nào có khả năng chi trả cho các thân chủ của tôi. Nếu các công ty Việt Nam, một bộ phận của chính phủ Việt Nam, không chịu bồi thường cho các công nhân quả là một sự nhạo báng công lý.

Có nghĩa là bây giờ chị đang tập trung vào công ty IMS và Công ty Du lịch 12 ở Hà Nội ?

Vâng, tôi đang tập trung vào 2 công ty Việt Nam và cả chính phủ Việt Nam nữa, vì 2 công ty này là cánh tay của nhà nước Việt Nam, và tôi dám đánh cuộc với anh là nhà nước Việt Nam có tiền để trả, nhưng có điều họ không muốn trả thôi.
Hai công ty Việt Nam có thể lập luận rằng tòa án Hoa Kỳ không có thẩm quyền tài phán đối với họ, nhưng đây quả là một sai lầm. Các công ty này đã gửi công nhân sang Mỹ, có nghiã là họ đã làm ăn trên đất Mỹ, do đó họ phải chịu sự chi phối của tòa án Mỹ.

Họ cũng có thể nói rằng họ đã bồi thường cho các công nhân một số tiền rồi, và như vậy là vụ việc coi như xong. Nhưng đây cũng là một sự nhầm lẫn nữa. Số tiền mà 2 công ty đó đã đưa cho các công nhân trở về Việt Nam không có liên hệ gì đến phán quyết mà tòa án ở Samoa đã đưa ra, họ vẫn còn mắc nợ các thân chủ của tôi.

Cho tới giờ phút này, chị có những cảm nhận như thế nào trong vụ này?

Mặc dù tôi thấy phấn khởi khi thấy tòa phạt ông Kil Soo Lee vào tù nhưng tôi thấy buồn vì các thân chủ của tôi chưa nhận được tiền. Họ đã phải đi vay tiền, phải bán nhà cửa để có thể đi Samoa làm việc; và khi đến nơi họ không được trả lương, bị đối xử tệ bạc. Chắc anh cũng biết tất cả những khó khăn họ đã gặp?

Vâng, tôi cũng có theo dõi qua báo chí và Internet. Trở lại chuyện tiền bạc một chút, giả sử được bồi thường đúng theo lệnh của tòa án ở Samoa thì mỗi công nhân Việt Nam là nạn nhân trong vụ này sẽ nhận được bao nhiêu tiền?

Mỗi người sẽ nhận được một số tiền khác nhau, bởi vì họ đã nộp cho công ty những món tiền khác nhau, có người đóng 4 ngàn đôla có người đóng 7 ngàn đôla để đi Samoa, có người làm ở đó 1 năm có người làm 1 tháng, vì vậy tôi ước tính số tiền được bồi thường có thể từ 6 ngàn đến 17 ngàn đôla.

Vụ này chưa xong, và chưa biết đến bao giờ mới nhận được số tiền đó, bây giờ chị có muốn nhắn gì với các công nhân Việt Nam này không?

Đây là một trong những câu hỏi khó nhất mà anh hỏi tôi. Chúng tôi đang động viên họ hãy kiên nhẫn, nói với họ là chúng tôi đang cố gắng thu xếp. Về phía Mỹ, chúng tôi đã xin gặp các Nghị Sĩ các Dân Biểu ; về phía Việt Nam chúng tôi đang xin gặp Thủ Tướng Việt Nam để có thể buộc các công ty Việt Nam phải thanh toán. Tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi được chi trả.

Cám ơn chị. Quý vị vừa nghe buổi trao đổi với chị Virginia Sudbury, luật sư đại diện cho các công nhân Việt Nam trước đây đi lao động ở đảo Samoa của Mỹ

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG