Đường dẫn truy cập

Tin Văn Học Nghệ Thuật: Chương trình nhạc chủ đề: Trịnh Công Sơn - Ngô Thụy Miên


CHƯƠNG TRÌNH NHẠC CHỦ ĐỀ: TRỊNH CÔNG SƠN – NGÔ THỤY MIÊN.

Vào lúc 4 giờ 30 chiều Chủ Nhật, ngày 7 tháng 8 mới đây, nhóm Luân Vũ và ban The Friends phối hợp với một số nhạc sĩ trong Hội Tây Ban Cầm đã tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông một chương trình nhạc thính phòng - Chủ đề “Những tình khúc của Trịnh Công Sơn và Ngô Thụy Miên.”

Theo nhà báo Hoàng Như An thì, hai nhạc sĩ vừa kể, có sức sáng tác sung mãn và có thể nói là được yêu chuộng nhất của nhạc việt.

Nhà báo này viết: “Chọn đề tài (tình khúc Trịnh Công Sơn và Ngô Thụy Miên,) các anh em trẻ trong ban tổ chức đã tự chọn cho mình một cơ hội hát lại những tình khúc thắm thiét nhất của một đời người. Có thể nói không một đề tài nào về tình yêu mà chưa được hai nhạc sĩ này nói qua. Thính giả sẽ được thưởng thức một chương trình nhạc thật phong phú và ‘thính phòng’ đúng nghĩa. Ca sĩ là những tiếng hát thính phòng đang lên của Little Saigon (như): Bích Vân, Hồ Kim Hiếu, Vân Anh, Hồng Nhân, Xuân Quang, Quốc Huy, Hồ Quốc Phước, Đại Dương, Quang Du... Một phần tiền lời của buổi nhạc sẽ được góp cho quỹ mổ mắt cho người nghèo tại Việt Nam...”

Cùng lúc, nhà báo Hoàng Như An cũng đã có một cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Ngô Thụy Miên; với những chi tiết có thể tóm tắt như sau: Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sinh tại Hải Phòng, lớn lên tại Saigòn. Anh học vĩ cầm giáo sư Đỗ Thế Phiệt và nhạc pháp với giáo sư Hùng Lân tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc, Saigòn. Năm 1965, tốt nghiệp hai bộ môn này, và đó cũng là năm Ngô Thụy Miên sáng tác ca khúc đầu tay nhan đề “Chiều nay không có em.” Tính tới hôm nay, Ngô Thụy Miên đã hoàn tất khoảng 50 ca khúc.
-Ngô Thụy Miên rời Việt Nam năm 1978, định cư tại Canada năm 1979, lập gia đình năm 1980, hiện cư ngụ tại tiểu bang Washington.

-Về nguồn gốc ca khúc “Em còn nhớ mùa xuân,” nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho anh viết vào cuối năm 1978, ở tại tỵ nạn Bidong, cho một người bạn gái, trước khi anh lên đường đi Canada. Năm 1979 anh gặp lại nhau, anh đã kết hôn với người bạn gái ấy.

Vẫn theo nội dung bài phỏng vấn của ký giả Hoàng Như An, thì nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho biết, anh không phải là người viết nhạc để sống, mà chính là sống để viết nhạc.

ĐÊM HỘI NGỘ, VINH DANH NHẠC SĨ CHÂU KỲ.

Tối Chủ Nhật, ngày 31 tháng 7 vừa qua, tại nhà hàng Seafood Paracel, thuộc quận hạt Orange County, dưới sự bảo trợ của Trung tâm băng nhạc Thúy Nga, một số nghệ sĩ đã thực hiện thành công đêm sinh hoạt chủ đề “Hội ngộ nhạc sĩ Châu Kỳ,” trước khi tác gỉa ca khúc “Thương về miền trung” lên đường trở về Việt Nam.

Mục đích của đêm vừa kể, còn nhằm vinh danh người nhạc sĩ lão thành Châu Kỳ, 82 tuổi; tác gỉa của rất nhiều ca khúc nổi tiếng, như: “Sao chưa thấy hồi âm, Trở về, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Giọt lệ trang đài, Thương về miền trung, Tiếng ca đó về đâu, Được tin em lấy chồng, Tiếng hát dân chài, Từ giã kinh thành”...

Các nghệ sĩ xuất hiện trên sân khấu, trong đêm “Hội ngộ Châu Kỳ” người ta thấy có Chế Linh, Trung Chỉnh, Hương Lan, Thái Châu, Quang Lê, Phương Hồng Quế, Thanh Mai, Quốc Dũng, Bảo Yến, Quỳnh Dung...

RA MẮT PHIM “MÊ THẢO” TẠI QUẬN CAM.

“Mê thảo” là cuốn phim của một đạo diễn Việt Nam, lớn lên tại Pháp, đang được dư luận nhắc nhở nhiều nhất những ngày vừa qua, ở trong nước, cũng như hải ngoại. “Mê thảo” cũng đã được trình chiếu ở nhiều thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ; nhưng Thứ Sáu, ngày 12 tháng 8 tới đây, phim này mới được ra mắt khán giả Việt Nam, tại miền nam California.

Ban tổ chức cho hay, phim sẽ được trình chiếu tại rạp Ciné Westminster # ở thành phố Westminster, thuộc quận hạt Orange County.
Được biết phim “Mê thảo” dựa theo tiểu thuyết “Chùa đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân, do đạo diễn Việt Linh thực hiện, với Đơn Dương, tài tử chính; từng được trao giải Bông Hồng Vàng của Liên hoan điện ảnh Ý.

Nhân dịp này, tài tử Đơn Dương sẽ có mặt cùng với những nhân vật làm thành bộ phim nổi tiếng này.

THANH LAN VÀ CHƯƠNG TRÌNH NHẠC CHIỀU VỚI TIẾNG HÁT THANH LAN.

Nữ ca sĩ Thanh Lan mới có một buổi trình diễn thành công tại trung tâm Huntington Beach Art Center, ở thành phố Huntington Beach, thuộc miền nam California, vào lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 31 tháng 7 vừa qua.

Trong buổi sinh hoạt đặc biệt này, Thanh Lan không chỉ trình diễn những ca khúc làm thành tên tuổi của cô từ Việt Nam, mà cô còn trình diễn một số ca khúc quen thuộc, bằng tiếng Pháp và, tiếng Anh nữa.

Nữ ca sĩ Thanh Lan hiện cư ngụ tại quận hạt Orange County.

NHÀ VĂN NGUYỄN SỸ TẾ BỊ HÔN MÊ.

Theo một bài viết của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, đăng tải trên chuyên san Quán Văn, số phát hành cuối tuần qua, thì, giáo sư, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế hiện lâm trọng bệnh. Các bác sĩ điều trị cho ông tại bệnh viện, cho biết ông cần được giải phẫu để thay một số van tim. Nhưng vì tình trạng sức khỏe của ông quá kém, e không thể chịu đựng nổi cuộc giải phẫu.

Tin mới nhất của nhà văn Duy Lam (một trong số ít người được viếng thăm nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, tại bệnh viện) thì, ông hiện ở trong tình trạng hôn mê.

Thuở sinh tiền, nhà văn Mai Thảo từng tiết lộ, giáo sư, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, là lý thuyết gia của tạp chí Sáng Tạo - - Tờ báo xuất hiện tại miền nam Việt Nam, giữa thập niên 50. Ông cũng được các thành viên của nhóm Sáng Tạo nhìn như người “anh cả” của nhóm.

Ngoài một số biên khảo văn học và truyện ngắn đã xuất bản tại Việt Nam, những năm tháng ở Hoa kỳ, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế làm khá nhiều thơ bằng tiếng Việt cũng như tiếng Pháp. Những tác phẩm của ông được nhắc nhở nhiều, có thể kể như “Chờ sáng,” “Khúc hát Gia Trung,” “Bốn phương mây trắng”...

Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh nhấn mạnh, lý do tác giả “Chờ sáng” muốn giải phẫu tim mạch vì ông có nhu cầu hoàn tất trường thiên tiểu thuyết “Bốn phương mây trắng” mà, cuốn thứ nhất đang được Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ của nhà văn Trương Anh Thụy chăm lo phần ấn hành.

Về phương diện giáo dục, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế là hiệu trưởng trường trung học tư thục Trường Sơn ở Saigòn. Ngôi trường nổi tiếng vì chủ trương mời rất nhiều nhà văn, nhà thơ tham dự ban giảng huấn.

Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế bị tù cải tạo nhiều năm, trước khi được định cư tại miền nam California, Hoa Kỳ.

NHÀ THƠ TRẦN TRUNG ĐẠO VÀ 2 TÁC PHẨM MỚI.

Bản tin VNN ở Boston, tiểu bang Massachussetts cho hay, để đánh dấu 30 nam tỵ nạn, nhà thơ Trần Trung Đạo đã ấn hành cùng một lúc hai tác phẩm có tên: “Tâm Bút Trần Trung Đạo,” và “Thơ Trần Trung Đạo.”

Vẫn theo bản tin của VNN, thì “Tâm bút Trần Trung Đạo” là một tuyển tập 300 trang: “...Với những bài viết đã để lại nhiều suy nghĩ và niềm xúc động trong lòng độc giả như ‘Ba mươi năm nhìn lại chiến tranh,’ ‘Con sông Gianh chảy giữa lòng Hà Nội,’ ‘Ba mươi năm nỗi đau chưa thấm...”

Ghi nhận về thế giới văn chương của Trần Trung Đạo, Linh mục, nhà văn Trần Cao Tường viết: “Đọc ‘Nhật ký ngày giỗ cha’ (của Trần Trung Đạo,) tôi chảy nước mắt và cảm thấy mắc nợ với Trần Trung Đạo nhiều quá, vì anh đã khơi lên được trong tôi ‘trang nhật ký riêng tư’ với những nỗi đau thầm kín mà xưa nay chưa sao diễn tả được...”

Về thi phẩm “Thơ Trần Trung Đạo” bản tin cho biết, đó là thi phẩm tập trung ba tác phẩm khác nhau của tác giả này...“Trong đó có phần tái bản hai thi phẩm ‘Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười,’ ‘Thao thức’ và những bài thơ mới viết sau này. Hầu hết những bài thơ của Trần Trung Đạo được viết tại hải ngoại với những bài thơ gắn liền với chặng đường tỵ nạn đầy bi tráng của hai triệu người Việt như ‘Em bé Việt Nam và viên sỏi,’ ‘bà mẹ điên,’ ‘Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười...”

Được biết nhà thơ Trần Trung Đạo vượt biên bằng đường biển năm 1981; được chiến hạm USS White Plains vớt và, định cư tại tiểu bang Massachussetts.

PHÁT HÀNH TÁC PHẨM “30 NĂM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI VIỆT Ở ÚC.”

Tác gỉa Ngô Lâm đã ấn hành tập biên khảo thuộc loại kỷ yếu văn học sử liệu, nhan đề “30 Năm văn học nghệ thuật của người Việt ở Úc” trong thời gian vừa qua.

Nhà biên khảo Phụng Nghi, khi giới thiệu tác phẩm này, trên chuyên san Quán Văn, đã ghi nhận như sau: “Trong nội dung cuốn sách, các tác giả được giới thiệu là những vị đã và đang hoạt động trong nhiều bộ môn như sách, báo, truyền thanh, truyền hình, ca nhạc, hội họa, điêu khắc...Đặc biệt là có một số tác giả ngoại quốc và các tác phẩm Anh ngữ; nhưng nội dung đề tài đều vẫn thuộc sinh hoạt văn hóa Việt.”

Nhà nghiên cứu văn học Phụng Nghi nhấn mạnh: “Có thể nói đây là một tác phẩm độc đáo, có một không hai ở cộng đồng người Việt tại Úc Châu cho đến nay, một loại ‘văn học sử’...như là một thứ ‘thư viện bỏ túi’...(với) tổng cộng có đến 300 tác gỉa trong mọi lãnh vực hoạt động của ‘xã hội’ Việt tại đây...”

Được biết tác giả Ngô Lâm tên thật là Ngô Thành Long, cựu sĩ quan QL/VNCH cũ.

TIN THÊM VỀ TẠP CHÍ HỢP LƯU.

Như tin đã loan, vào thượng tuần tháng 8 tới đây, họa sĩ Khánh Trường sẽ cho công bố một bức thư, nội dung phanh phui những biến động lớn liên quan tới sự sống còn, cũng như việc ông không còn chút trách nhiệm nào về tạp chí Hợp Lưu nữa.

Sáng lập viên kiêm chủ biên tạp chí Hợp Lưu, Khánh Trường cho biết thêm, trong bức thư mà, ông sẽ nhờ một cơ quan truyền thông loan tải, sẽ có phần nói với các độc giả dài hạn của Hợp Lưu.

Phần này, trong thư của Khánh Trường, được viết nguyên văn như sau: “Để minh bạch, cũng như để bảo tồn uy tín của cá nhân tôi - Chủ nhiệm, và của Đặng Hiền - Tổng thư ký & phụ trách trị sự, Hợp Lưu sẽ kết toán tài chánh, trả lại tiền mua báo dài hạn hoặc chuyển qua tạp chí Văn Học (với điều kiện tạp chí Văn Học ưng thuận), nếu độc giả nào đồng ý, như đề nghị của Đặng Hiền vài tháng trước, sau khi nhà văn Trần Vũ chính thức từ nhiệm. Tôi xin được cảm ơn độc giả, văn hữu, những người cộng sự đã gắn bó với Hợp Lưu và cá nhân tôi trong suốt 15 năm qua. Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ tái ngộ với độc giả trong một đường hướng mới, phù hợp hơn với những nhu cầu trong hoàn cảnh mới của văn học bằng tiếng Việt...”

Trả lời câu hỏi, liệu nhà thơ Đặng Hiền, trong bối cảnh hiện tại, còn giữ đề nghị do chính Đặng Hiền đề nghị không - Thì, Khánh Trường nói, ông không thể trả lời câu hỏi ấy. Vì trái bóng hiện ở trong tay Đặng Hiền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG