Vào cuối tuần qua, một Lễ Hội Văn Hóa Việt Nam đã được tổ chức tại khu công viên quốc gia ngay ở trung tâm thủ đô Washington của Hoa Kỳ. Lễ Hội này do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đại sứ quán Việt Nam tại Washington và Hội Đồng Doanh Thương Việt-Mỹ đồng tổ chức, như một phần trong các chương trình đánh dấu 10 năm Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau.
Hoài Hương của Ban Việt Ngữ đài VOA tiếp xúc với một số người đến từ nhiều nước, đã đến xem Lễ Hội Văn Hóa Việt Nam vào hôm thứ Bảy 9 tháng Bảy và có bài tường trình sau đây:
Thưa quý thính giả, những âm thanh lạ lẫm như tiếng chim hót vừa rồi đã đến tai công chúng Mỹ và giới du khách quốc tế có mặt tại các bảo tàng viện kiêm trung tâm văn hóa Freer và Sackler, nằm tại tâm điểm của thủ đô Washington trong cuối tuần qua. Nói lạ lẫm là vì rất nhiều người Mỹ trung bình dường như vẫn chưa có một sự hiểu biết tương đối đáng nói nào về văn hóa và con người Việt Nam, mặc dù Hoa Kỳ và Việt Nam đã chia chung một giai đoạn lịch sử đẫm máu và nước mắt hãy còn hằn đậm nét trong ký ức của cả hai dân tộc 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, và 10 năm sau khi hai bên nối lại bang giao. Một phụ nữ Mỹ ngồi trên băng ghế cuối của hội trường Meyer để chờ xem các nghệ nhân Việt Nam lên trình diễn nhạc và vũ dân tộc, cho hay bà chỉ biết Việt Nam qua những gì được nói về cuộc chiến Việt Nam, và những gì bà đã đọc trên báo chí.
Một người đàn ông Mỹ cư ngụ tại thủ đô Washington, dự buổi trình diễn nhạc và vũ dân tộc Việt Nam cũng có ý kiến tương tự, khi được hỏi ông biết gì về nền văn hóa Việt:
Tôi biết rất ít về văn hóa Việt Nam, chỉ những gì tôi đã được đọc, lẽ dĩ nhiên tôi đã sống qua thời chiến tranh Việt Nam, và có đọc báo, và một vài quyển sách về Việt Nam.
Gia đình ông gồm vợ và hai đứa con đã chăm chú theo dõi trọn phần trình diễn nhạc cụ và vũ dân tộc kéo dài một tiếng đồng hồ, tại hội trường Meyer.
Ông nói phần trình diễn thật là tuyệt vời, được hỏi ông thích màn nào nhất trong buổi trình diễn, ông đùa mà rằng ông thích nhất là các cô vũ công xinh đẹp, rồi ông nói:
Tôi thích những nhạc cụ khác nhau, cách trình diễn của các nhạc sĩ, và những âm thanh của các nhạc cụ này. Tôi đã có dịp nghe nhạc Trung Hoa, nhưng tôi thấy nhạc Việt nghe được hôm nay có vẻ du dương hơn, êm tai hơn, nhưng vô cùng khác biệt so với nhạc của phương Tây.
Nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất đối với ông là màn vũ chàm:
Ông nói màn vũ rất hay, và một điều hay khác nữa, theo ông, là chương trình đã tìm cách thể hiện cả những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số, của các miền, chứ không chỉ chú trọng đến các nền văn hóa thuần túy Việt Nam không mà thôi.
Các màn trình diễn với những âm thanh lạ nhưng hết sức lôi cuốn đã gây ấn tượng nơi khán giả, có lúc đã ngồi chật cả hội trường.
Một phụ nữ người Đại Hàn, từng có nhiều kinh nghiệm với các màn vũ truyền thống của các dân tộc Á Châu, tỏ ý hoài nghi về tính chất mà bà gọi là thuần túy Việt trong các điệu vũ bà được thưởng thức trên sân khấu. Tuy vậy, bà nói bà rất thích cái phong thái trình diễn của các nghệ nhân người Việt Nam đã đem chuông đi đánh xứ người.
Quả vậy, những nhạc sĩ, những vũ công Việt Nam đã trình diễn với một trình độ nghệ thuật vững vàng và tự tin, và sự tập trung tuyệt đối của họ trong lúc trình diễn đã gây ấn tượng không ít nơi khán giả, dù nhạc cụ được mang ra trình diễn là đàn bầu, đàn nhị hay đàn trưng, là những nhạc cụ mà nhiều khán giả Mỹ có mặt trong hội trường chưa từng được thấy, và chưa từng được nghe qua.
Buổi trình diễn nhạc và vũ dân tộc khởi sự với màn Múa Cô Gái Việt Nam, trình diễn Hòa Tấu Nhạc Dân Tộc với những nhạc khúc quen thuộc nhưng được phối âm một cách rất mới với các bài Lý Cây Đa và Đi Cấy, những màn độc tấu đàn bầu, Sáo, đàn nhị, độc tấu K’ long put, độc tấu T’rưng, đã kết thúc với màn vũ Hồn Chiêng, với những âm thanh mê hoặc mang nặng tiết điệu của các điệu vũ dân tộc.
Ngoài nhạc và các màn múa, Lễ Hội Văn Hóa Việt Nam cũng là một cơ hội để Việt Nam giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam cho công chúng Mỹ. Một số sản phẩm Việt Nam gồm các sản phẩm thủ công nghệ, đồ gồm, đồ thêu, đồ trang trí vv... đã được trưng bày trong một lều trại lớn dựng lên tại khu công viên quốc gia Hoa Kỳ phía sau các bảo tàng viện Freer và Sackler. Tại đây còn có các quầy của đại diện Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Việt Nam ở New York, và các quầy giới thiệu sản phẩm thương mại và các dịch vụ và tua du lịch.
Chúng tôi đã tiếp xúc với một đại diện của phái đoàn du lịch đến từ Việt Nam tại khu trưng bày này. Ông Trần Phong Bình cho biết tổng cục du lịch Việt Nam đã gửi một phái đoàn 25 người sang Hoa Kỳ lần này để giới thiệu Việt Nam, con người Việt Nam, và sản phẩm du lịch từng vùng, từng địa phương. Nỗ lực này nằm trong một chương trình giới thiệu điểm đến để thu hút khách du lịch Hoa Kỳ đến Việt Nam, theo như kế hoạch năm 2005 của tổng cục du lịch Việt Nam.
Ông Bình nhận xét dường như người Mỹ chưa biết nhiều về Việt Nam, và có lẽ Việt Nam cần gia tăng hoạt động quảng bá nhiều hơn nữa.
Đối với số khán giả người Việt ít ỏi đến xem Lễ Hội Văn Hóa Việt Nam tại thủ đô Washington vào ngày thứ Bảy vừa rồi, thì những sinh hoạt ấy làm gợi nhớ quê hương, như lời bà Cẩm Hà, một người Việt Nam đã sống và làm việc lâu năm tại Hoa Kỳ.
Bà Cẩm Hà cho biết bà lấy làm vui khi thấy giới khán giả Mỹ và ngoại quốc nói chung tỏ ra có thiện cảm với các nghệ sĩ Việt Nam sau khi thưởng thức phần trình diễn nhạc cụ và múa dân tộc.
Được biết vào năm 2006, Viện Smithsonian sẽ có một cuộc triển lãm lưu động về sự hiện diện của người Việt tại Hoa Kỳ, đề cập đến những đóng góp của cộng đồng người Việt vào xã hội Mỹ trong 3 thập niên qua. Và vào năm 2008, sẽ có một Lễ Hội Văn Hóa Sông Mêkong với sự tham dự của nhiều đại diện các nước ven sông Mêkông như: Campuchia , Lào, Thái Lan, tỉnh Yunan của Trung Quốc và Việt Nam.
Thưa quý thính giả, Hoài Hương của ban Việt Ngữ VOA tường trình về Lễ Hội Việt Nam tổ chức tại thủ đô Washington , như một phần trong các lễ lạc đánh dấu 10 năm Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao.