Các nước ven bờ Ấn độ dương đang thiết lập những hệ thống báo động sớm về sóng thần hầu tránh được những thiệt hại về nhân mạng quá lớn lao như đã xảy ra trong thiên tai sóng thần ngày 26 tháng 12 năm ngoái. LHQ đang điều hợp các nỗ lực nhằm thiết lập một mạng lưới báo động như thế cho khu vực Ấn Độ Dương trong năm tới.
Tiếng loa phóng thanh và những tiếng kêu la hốt hoảng thường là những lời báo động duy nhất mà người ta nhận được hồi tháng chạp năm ngoái khi sóng thần chôn vùi các cộng đồng và cướp đi hàng trăm ngàn mạng sống dọc theo các bờ biển trong khu vực Ấn Độ Dương.
Những ngọn sóng khổng lồ gây ra bởi một trận động đất cấp 9 ngoài khơi tỉnh Aceh của Indonesia chỉ trong vòng 30 phút đã ập vào địa phương này. 2 tiếng đồng hồ sau đo, sóng thần vượt ngang Ấn Độ Dương, tàn phá các cộng đồng cư dân ở Sri Lanka.
Tính chung, có trên 200 ngàn người thiệt mạng hay mất tích trong thiên tai sóng thần tại 12 nước.
Gần như ngay sau đó, cư dân trong các vùng duyên hải Ấn Độ Dương đã thắc mắc vì sao họ không được báo động sớm hơn. Ở Thái lan, giám đốc Cơ quan khí tượng quốc gia bị bãi chức, và chính phủ tức tốc tham gia cùng các nước trong khu vực quyết tâm xây dựng 1 hệ thống báo động sóng thần.
Mới đây, tại Paris, các giới chức thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ--tức UNESCO--đã thảo luận về những chi tiết của một hệ thống như thế với các đại diện của tất cả các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương.
Ông Salvano Briceno là chủ nhiệm đơn vị phòng chống thiên tai của LHQ. Ông nói:
“Cho tới nay mọi bên đã thỏa thuận với nhau rằng hệ thống báo động mới không phải chỉ là một trung tâm duy nhất, mà là một mạng lưới gồm nhiều trung tâm, vì tính chất phức tạp của những hệ thống báo động sớm.”
Giới hữu trách hy vọng là mạng lưới báo động sớm này sẽ có cơ sở ở tất cả 27 nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương.
Ông Briceno cho biết đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho việc báo động sớm về sóng thần, nhưng ông nói còn nhiều vấn đề khác cần phải giải quyết.
“Các hệ thống báo động sớm không thể chỉ dừng lại ở khâu kỹ thuật, mà nên góp phần huy động quần chúng và phát huy mọi khả năng phòng chống thiên tai của mỗi nước.”
Thái Lan đang ra sức hoạt động để làm tròn nghĩa vụ của mình. Tháng 5 năm nay, chính phủ Thái lan đã đưa vào hoạt động trung tâm báo động thiên tai quốc gia trị giá 2 triệu rưỡi đôla ở phía bắc thủ đô Bangkok. Trung tâm này được nối kết với Trung tâm báo động sóng thần trong Thái Bình Dương ở Hawaii, với Cơ quan Khí tượng của Nhật bản, và với Cơ quan Thăm dò Địa chất của Hoa Kỳ.
Trung tâm mới ở Thái Lan là một trong số nhiều trung tâm cùng loại trong khu vực cùng nhau hợp tác hoạt động như một mạng lưới báo động sóng thần tạm thời trong Ấn Độ Dương, cho đến khi một mạng lưới hoàn chỉnh được dự tính xây dựng đi vào hoạt động.
Chỉ trong vòng vài phút sau khi Trung tâm ở Hawaii phát ra báo động, giới hữu trách ở Bangkok có thể báo động cho dân chúng địa phương bằng cách gửi điện văn đến các điện thoại di động, điện thoại thường, máy fax, và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trung tâm được đặt ở phía bắc Bangkok này cũng được nối kết trực tiếp với các còi báo động trên đảo Phuket, địa phương bị thiệt hại rất nặng trong đợt sóng thần tháng 12 năm ngoái. Tại Phuket, nhân viên cảnh sát và hải quân luôn luôn ở tư thế sẵn sàng để di tản dân chúng và du khách.
Ông Samith Damasarot, một chuyên gia khí tượng làm cố vấn cho chính phủ, nói rằng Trung tâm báo động thiên tai của Thái lan hy vọng sẽ nâng cao được khả năng của mình.
“Chúng tôi hài lòng với khả năng thi hành nhiệm vụ của chúng tôi hiện nay, nhưng chúng tôi phải cải thiện trung tâm của chúng tôi. Chúng tôi phải nâng cấp trung tâm của chúng tôi để biến nó thành một trung tâm báo động khu vực--đó là mục tiêu của chúng tôi trong tương lai. Ngay lúc này chúng tôi có thể đưa ra lệnh báo động 20 phút sau khi sóng thần xuất hiện, nhưng chúng tôi sẽ rút ngắn thời gian này xuống còn dưới 10 phút, để dân chúng có đủ thời gian chạy lánh nạn.”
Về phần mình, chính phủ Thái Lan tuyên bố muốn đưa tất cả các hệ thống báo động quốc gia vào hoạt động trong một mạng lưới duy nhất trước tháng 7 năm 2006, với phí tổn lên tới 50 triệu đôla.
Nhưng đại diện khu vực của UNESCO ở Indonesia, ông Stephen Hill, nói rằng hy vọng đó có phần hơi lạc quan. Ông Hill khẳng định:
“Đây là một dự án lâu dài. Theo một vài ước tính thì một hệ thống cơ bản có lẽ sẽ được hoàn tất trước khoảng giữa năm tới. Nhưng thật sự cần phải có nhiều thời gian hơn mới thiết lập được một hệ thống như thế và huấn luyện nhân viên sau đó nữa.”
Giữa chính phủ các nước cũng có một số bất đồng về việc nên xây dựng trung tâm báo động chính ở nước nào và xây dựng như thế nào. Cuộc tranh luận về vấn đề này đã làm chậm việc thực hiện dự án đó.
Indonesia là nước bị sóng thầm tàn phá nghiêm trọng nhất hồi cuối năm ngoái. Có tất cả trên 160 ngàn người Indonesia bị thiệt mạng, hầu hết trong tỉnh Aceh.
Ông Hill nói rằng một hệ thống báo động hữu hiệu sẽ góp phần rất lớn trong việc làm giảm bớt những lo ngại của dân chúng. Ông Hill đề nghị:
“Ở Aceh, dân chúng cần được chuẩn bị sẵn sàng, hoặc cảm thấy được chuẩn bị sẵn sàng, để họ thêm tin tưởng. Tôi muốn nói là hiện nay dân chúng thật sự rất sợ hãi, và quý vị có thể thấy rõ điều này: Họ thật sự sợ hãi. Do đó, những chuyện gần như chẳng có gì cũng có thể làm cho họ kinh hoảng một cách dễ dàng.”
Ông Hill nói rằng Indonesia rất dễ bị động đất và sóng thần gây thiệt hại nặng bởi vì nước này nằm gần những đường nứt lớn trong cả Ấn Đỗ Dương lẫn Thái Bình Dương.
Vì những đường nứt này, nên chuyện sẽ xảy ra một trận động đất hay một đợt sóng thần khác trong khu vực này hầu như là điều chắc chắn, chỉ còn vấn đề thời gian lúc nào mà thôi.
Hệ thống báo động sóng thần đang được phát triển hiện nay sẽ cung cấp một mạng lưới liên lạc cực kỳ thiết yếu. Điều đáng tiếc là đã không có một mạng lưới như vậy khi sóng thần ập đến khu vực này 6 tháng trước đây.