Đường dẫn truy cập

Báo động sớm về sóng thần


Đợt sóng thần quét qua Ấn Độ Dương trong tháng 12 năm ngoái đã xảy ra là do một sự kết hợp hiếm thấy của các điều kiện địa chất. Tốc độ phát triển của đợt sóng thần này đã gây bất ngờ và làm thiệt mạng cho nhiều người ở cách điểm xuất phát của nó nhiều ngàn kilomét. Theo các chuyên gia thì số tử vong này có thể đã tránh được nếu khu vực bị thiên tai được trang bị một hệ thống báo động sớm như hệ thống đã được thiết lập trong khu vực Thái Bình Dương.

Sóng thần là một loạt những đợt sóng biển khổng lồ, thường được gọi là sóng thủy triều, mặc dù thủy triều không có liên quan gì đến các đợt sóng thần. Sóng thần là những đợt sóng di chuyển với tốc độ nhanh không kém một máy bay phản lực. Chúng thường là kết quả của sự xê dịch thình lình của đáy biển gây ra bởi một trận động đất khổng lồ, mặc dù nạn đất chuồi và các núi lửa cũng có thể gây ra sóng thần.

Nhà địa chất học David Applegate nói rằng loại địa chấn gây ra sóng thần được gọi là động đất đẩy.

“Đặc biệt là động đất đẩy rất thường gây ra những đợt sóng thần lớn--như trận động đất xảy ra ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia hồi tháng 12 năm ngoái. Lần đó, một mảng của vỏ trái đất đột ngột trồi lên và đẩy vào một mảng khác. Chuyển động bất thần đó được chuyển qua khối nước biển và tạo ra sóng thần.

Những vụ đáy biển nâng đẩy như thế xảy ra rất thường, nhưng để tạo ra sóng thần, các trận địa chấn đó phải thuộc hạng cực mạnh, có sức mạnh đo được vào loại cấp 7 hay cao hơn trên địa chấn kế Richter. Trận động đất xảy ra trong Ấn Độ Dương hồi tháng 12 năm ngoái đo được cấp 9. Số đo này căn cứ vào sự kết hợp bề dài của vùng đất bị nứt vỡ và cách xê dịch của nó.

Trong trận động đất vừa kể, đường nứt vỡ rất dài, lên đến 800 kilomét, và nó xê dịch rất nhiều vì sức ép của một mặt của đáy biển đối với mặt kia dọc theo đường nứt đã được dồn nén qua nhiều thế kỷ. Nhà địa chất học Applegate nói tiếp:

“Do đó, trong Vịnh Bengal, sức ép này đã dồn nén trong nhiều trăm năm, có thể là đến 700 năm, tính từ khi xảy ra trận động đất lần trước có cùng sức mạnh như thế.

Sự kiện ít khi xảy ra động đất lớn trong Ấn Độ Đương có thể đã gây ra một cảm tưởng an ninh giả tạo, bởi vì khu vực này không có một hệ thống báo động sớm về sóng thần như trong khu vực Thái Bình Dương. Hệ thống báo động sớm trong Thái Bình Dương đã được thiết lập chẳng bao lâu sau khi một đợt sóng khổng lồ quét ngang quần đảo Hawaii trong năm 1946. Trụ sở chính tại Hawaii của hệ thống này được bổ sung bởi các trung tâm báo động ở Nga và Nhật Bản và một mạng lưới khu vực tập trung vào Alaska và vùng duyên hải miền tây Hoa Kỳ.

Hệ thống báo động sớm về sóng thần ở Thái Bình Dương gồm có nhiều chiếc phao được đặt dưới đáy biển để đo sự gia tăng áp lực khi nước biển dâng cao, và nhiều máy đo đặt dọc theo các bờ biển để xác định bề cao và tốc độ của đợt sóng đang di chuyển. Tại Trung tâm Báo động Sóng thần ở Alaska, ông Paul Whitmore nói rằng những máy đo ở trên các bờ biển cung cấp những thông tin rất quan trọng.

“Chúng cho chúng tôi một ý niệm về mức độ nghiêm trọng của một đợt sóng thần. Những gì mà chúng tôi đọc được trên các máy đo này không nhất thiết phải là đợt sóng cao nhất, nhưng chúng tôi có thể đem những kết quả đọc được trên các máy đo này và đặt chúng vào các hình mẫu của sóng thần để xác định xem đợt sóng này sẽ lớn đến mức nào, hoặc có nơi nào khác mà nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn hay không.”

Ông Whitmore nói rằng mạng lưới này có thể đưa ra những báo động về sóng thần trong vòng 10 phút sau khi xảy ra động đất, nhanh hơn nhiều so với thời gian phải mất 1 giờ hay lâu hơn nữa 10 năm trước đây.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ, cơ quan giám sát hệ thống báo động sóng thần trong Thái Bình Dương, nói rằng Trung tâm Thông tin Sóng thần Quốc tế của họ cũng tham gia vào các hoạt động bên ngoài khu vực Thái Bình Dương, bởi vì các nước thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, và Địa Trung Hải đã yêu cầu được giúp đỡ để xây dựng các chương trình báo động sóng thần.

Nhà địa chất học David Applegate thuộc Cơ quan Thăm dò Địa chất của Hoa Kỳ nói rằng đợt sóng thần tháng 12 năm ngoái đã thúc đẩy Hoa Kỳ và các nước khác cũng như nhiều tổ chức mở rộng các hoạt động báo động sóng thần sang các khu vực vừa kể.

“Trong khuôn khổ sáng kiến báo động sóng thần của Tổng thống Hoa kỳ George W Bush, họ sẽ đặt thêm hàng trăm chiếc phao trong khắp Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, và vùng biển Caribê. Sau đó, trong khu vực Ấn Độ Dương, một số nước sẽ cùng hợp tác với nhau thông qua Ủy ban Hải dương học Quốc tế và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ để thiết lập một hệ thống báo động sóng thần ở đó.

Ông Paul Whitmore nói rằng việc báo động sớm có thể giúp ích cho dân chúng ở xa điểm xuất phát của sóng thần từ 30 phút đến 1 giờ, nhưng cũng có một số hạn chế.

“Đại đa số những người bị thiệt mạng trong các đợt sóng thần là những người ở sát bờ biển, và những lệnh báo động của chúng tôi không thể được chuyển đến họ kịp thời. Do đó, điều tốt nhất có thể làm được để cứu mạng sống của con người là giải thích cho dân chúng sống gần bờ biển hiểu rằng nếu họ thấy có một trận đông đất mạnh, thì họ phải lập tức di chuyển sâu vào đất liền hay đến các khu đất cao, chứ đừng chờ cho đến khi có báo động.

Ông Whitmore cũng khuyên mọi người chớ bao giờ ra các bãi biển để chờ xem sóng thần, vì khi nó ập đến thì không có ai có thể nhanh chân chạy thoát nó được.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG