Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn hai thành viên của tổ chức Clear Path International có mục đích giúp những người sống sót các tai nạn bom mìn ở Việt Nam


Trong Câu Chuyện Phụ Nữ hôm nay, Minh Phượng giới thiệu tổ chức Clear Path International với các hoạt động giúp những người sống sót trong các tai nạn bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Các tai nạn vì bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam xảy ra rất thường xuyên, khiến gần 40 ngàn người thiệt mạng kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975, và gây thương tật cho cả chục ngàn người khác.

Clear Path International, còn gọi tắt là CPI là một tổ chức phi chính phủ tại Hoa Kỳ đang cố gắng giúp những người sống sót sau các tai nạn đó. Ông Imbert Matthee, người đồng sáng lập tổ chức này cho biết về quá trình thành lập CPI :

"Clear Path International được thành lập vào năm 2000, khởi đầu bằng một dự án dẹp mìn và một chương trình trợ giúp nạn nhân mìn ở miền trung Việt Nam. Một năm sau, chúng tôi bắt đầu một chương trình ở Kampuchia và cuối năm đó chúng tôi bắt đầu một chương trình ở biên giới Thái Lan và Miến Điện. Mục tiêu của CPI là cung cấp các dịch vụ y tế và xã hội cho những người sống sót sau các tai nạn bom mìn ở đông nam châu Á. Kể từ khi đó, chúng tôi đã giúp được hơn 2 ngàn người sống sót sau các tai nạn nổ mìn.

Ông Matthee cho biết CPI có một văn phòng ở Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị ngay sát phía nam khu phi quân sự cũ. Theo ông, trên toàn cõi Việt Nam, có 40 ngàn người sống sót sau các tai nạn bom mìn. Chẳng may tỷ lệ tai nạn vẫn tiếp tục tăng lên, vì kinh tế phát triển, dân số tăng thêm và phải tìm đất sống ở những nơi trước kia không phải là đất trồng trọt. Họ xây thêm đường xá, cất nhà mới, trồng cây mới và vì vậy con số những vụ đụng phải những trái bom mìn chưa nổ tăng thêm rất nhiều. Ngay trong tuần vừa qua, đã có tới 4 tai nạn ở trung bộ Việt Nam. Vì thế mà cho dù CPI có giúp được tất cả các nạn nhân trước kia, thì vẫn có những người trở thành nạn nhân mới.

CPI có nhận được sự hợp tác của chính quyền địa phương hay không?

“Sự hợp tác rất tốt đẹp ngay từ lúc bắt đầu. Chúng tôi hợp tác với họ để chọn một địa điểm cho các dự án gỡ mìn. Trong lãnh vực trọng điểm của chúng tôi là trợ giúp những người sống sót, chính quyền cấp xã đã tích cực giúp chúng tôi nhận diện và tuyển chọn những người thụ hưởng sự trợ giúp, bảo đảm chúng tôi được cấp giấy phép thực hiện công tác, hợp tác với các cơ quan địa phương hay cơ sở y tế để giúp chúng tôi cung cấp các dịch vụ cho những người sống sót. Ở cấp trung ương, chúng tôi cũng được sự hợp tác ở mức độ rất cao. Chúng tôi hiện đang cung cấp thiết bị y tế cho một số bệnh viện ở miền bắc Việt Nam với sự hỗ trợ của PACOM, tức là ủy ban nhân dân phối hợp viện trợ tại Hà Nội.”

Ông Matthee cho biết CPI thực hiện các chuyến đi công tác tại Việt Nam trung bình mỗi năm 3 lần. Chính ông vừa thực hiện một chuyến đi trong tháng 5 đến các nước có các chương trình của CPI là Việt Nam, Kampuchia và Thái Lan.

Muốn được hưởng sự trợ giúp của CPI, các nạn nhân mìn sống sót phải làm thế nào?

"Có 2 cách chúng tôi chọn những người thụ hưởng. Thứ nhất là qua sự nhận diện với sự giúp đỡ của các giới chức địa phương và các cơ quan y tế. Cách thứ hai là vì chúng tôi đã được nhiều người biết đến ở miền trung Việt Nam nên mọi người liên hệ trực tiếp với chúng tôi. Còn một cách thứ ba nữa là xuyên qua một mạng lưới báo cáo mà chúng tôi đã thiết lập với nhà chức trách ở 14 tỉnh dọc theo duyên hải trung bộ Việt Nam. Nếu chúng tôi có thêm nhân viên và ngân sách thì chúng tôi có thể thực hiện chương trình trên toàn quốc để cung cấp các dịch vụ y tế khẩn cấp cho những người sống sót trong các tai nạn bom mìn mới ở khắp Việt Nam, nhưng hiện nay thì chúng tôi chưa có đủ phương tiện để làm điều đó.”

Ông có lời khuyên gì cho những người sống trong những vùng có thể còn bom mìn còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh?

"Tôi muốn nhắn, nhất là các em nhỏ, là nên lánh xa bất cứ thứ gì mà ta nhận thấy là vật không an toàn. Trẻ em thường bị thương vì chơi với những vật chính là các quả bom mìn chưa nổ, nhất là loại bom chùm trông giống như trái banh hay cục đá bị rỉ sét. Đối với người lớn, xin đừng dùng các chất nổ làm phương tiện kiếm sống. Đó là tình trạng thường xảy ra ở miền trung, nơi nhiều người thường đập phá những quả bom mìn để lấy kim khí vụn đem bán. Việc làm này rất nguy hiểm và đã gây thiệt mạng hoặc thương tật cho nhiều người. Tôi đề nghị nên kiếm ăn bằng cách khác chứ đừng đập phá những vật nguy hiểm này. Đối với những người khai khẩn đất hoang để làm ruộng hay xây dựng đường hoặc cất nhà mới, thì nên liên hệ với nhà chức trách hay các tổ chức phi chính phủ để gỡ sạch mìn bẫy trước khi tiến hành việc khai khẩn hay xây dựng. Nói chung là hãy hết sức thận trọng và tránh các rủi ro."

CPI xác định mục tiêu gì cho công tác tại Việt Nam, và cần phải làm gì để đạt được mục tiêu đó?

"Mục tiêu của chúng tôi là quyên góp được đủ tiền để có thể cung cấp đủ các dịch vụ y tế khẩn cấp ở khắp Việt Nam, từ vùng biên giới phía bắc giáp ranh Trung Quốc, tới vùng đồng bằng miền nam, cũng như khu vực phi quân sự ở miền trung Việt Nam, nơi tai nạn xảy ra dài dài, và chúng tôi mong có thể tiếp ứng với các tai nạn đó. Việc đó đòi hỏi sự phối hợp với các văn phòng của chúng tôi ở Đông Hà; có thêm nhân viên để phối hợp với giới hữu trách địa phương để có thể thu thập các báo cáo và dữ liệu chính xác. Chúng tôi cũng muốn cung cấp thêm các dịch vụ y tế và xã hội ở cấp quận cho những người sống sót qua các tai nạn mìn bởi vì các dịch vụ khẩn cấp chỉ đáp ứng những nhu cầu y tế và phục hồi cấp thời, còn các nhu cầu dài hạn vì ảnh hưởng của các tai nạn đối với đời sống xã hội và kinh tế rất nghiêm trọng. Vì vậy, chúng tôi cung cấp sự hỗ trợ về huấn nghệ, tìm công ăn việc làm cho những người sống sót tai nạn mìn và gia đình họ. Các dịch vụ đó hiện nay chỉ mới có ở 3 tỉnh miền trung. Tóm tắt, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là hợp tác với các tổ chức khác để giúp Việt Nam trở thành một nơi an toàn hơn và ngăn ngừa những tai nạn và giảm bớt những đau khổ do các tai nạn đó gây ra.”

CPI không được sự tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ mà chỉ được sự trợ giúp của các cơ quan từ thiện, các tổ chức tôn giáo và cứu trợ và các cá nhân có lòng.

Một trong các cá nhân đó là cô Dana Servheen, tham vấn tiếp thị làm việc tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Cô đã tham gia chuyến đi công tác mới đây của CPI cùng với ông Imbert Matthee. Cô giải thích động cơ khiến cô ủng hộ việc làm của CPI:

"Bom mìn thật là bất công và gây tai hại bất kể người nào. Tôi cảm thấy hậu quả của cuộc chiến tranh Việt - Mỹ còn để lại nơi các quả bom mìn chưa nổ là điều mà mọi người phải nhận thức và nhận lãnh trách nhiệm. Những người bị thiệt hại vì bom mìn này cần được giúp đỡ và hỗ trợ bằng mọi cách.”

Kể lại chuyến đi, cô Dana Servheen cho biết phái đoàn CPI gồm 5 người đã đến Hà Nội, đi thăm các bệnh viện và một trung tâm chỉnh hình, sau đó đáp máy bay đi Huế để họp với nhân viên của văn phòng CPI ở Đông Hà rồi đi thăm nhiều khu ở Quảng Trị, dùng mọi phương tiện chuyên chở vào tận các làng mạc để gặp những người sống sót sau tai nạn bom mìn. Cô bầy tỏ thêm cảm tưởng như sau:

"Tôi rất thích được đi gặp mọi người, tiếp xúc với họ và tìm hiểu các nhu cầu của họ, rồi trở về Mỹ với khái niệm rõ ràng về những gì cần phải làm để giúp họ, về mặt tài chính, trang thiết bị... để họ có thể tiếp tục cuộc sống.”

Cuối cùng, cô Dana có lời nhắn gửi sau đây:

“Tôi muốn khuyến khích mọi người tìm hiểu thêm về những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi có một trang web là www.cpi.org, và nếu ai cần thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ trong phạm vi có thể được.

Quý vị vừa nghe Minh Phượng phỏng vấn hai thành viên trong phái đoàn của tổ chức Clear Path International có mục đích giúp những người sống sót các tai nạn vì bom mìn ở Việt Nam.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG