Thủ Tướng Phan Văn Khải của Việt Nam sẽ đến thăm thủ đô Washington vào tuần tới. Đây là chuyến công du Hoa Kỳ lần đầu tiên của một nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam cách đây 30 năm. Phái viên Brent Hurd của đài VOA ghi nhận một số phản ứng về chuyến đi lịch sử này và phân tích hệ quả đối với bang giao Việt-Mỹ trong tương lai.
Ông Phạm Nam Thu bỏ chạy khỏi Việt Nam ngay trước khi xe tăng của bộ đội Bắc Việt lăn bánh vào Dinh Độc Lập ở Saigon, thủ đô cũ của Nam Việt Nam. Hiện nay, ông là một chuyên viên ngân hàng ở tiểu bang Massachusetts miền đông Hoa Kỳ và là thành viên của một tổ chức mang tên Đảng Phục Quốc.
Đó là một trong số vài chục tổ chức nhỏ của người Mỹ gốc Việt cực lực chống đối đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Thu cùng với những người khác - trong đó có các cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam - dự định tổ chức các cuộc biểu tình vào lúc Tổng Thống Bush tiếp Thủ Tướng Khải tại Tòa Bạch Ốc.
Chúng tôi rất thất vọng vì cuộc hội kiến này sẽ gửi đi một tín hiệu tiêu cực đến những người đang tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam. Nó đi ngược lại với chính sách mà Tổng Thống Bush đã quảng bá nhằm đưa dân chủ đến khắp nơi trên trái đất. Vietnam vẫn là một trong những chế độ độc tài tệ hại nhất ở châu Á.
Ông Thu nói rằng chuyến đi này hợp pháp hóa chính phủ Việt Nam – một chế độ thường bị Hội Ân Xá quốc tế và tổ chức Human Rights Watch chỉ trích về điều mà họ gọi là thành tích nhân quyền tệ hại.
Nhưng ông Jerome Cohen, một giáo sư luật chuyên về các vấn đề Đông Á ở trường đại học New York lập luận rằng thành tích nhân quyền của Trung Quốc vào cuối thấp niên cũng rất khủng khiếp. Vào lúc đó, chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và giúp mở đường cho các cải cách.
Tại Trung Quốc, cho dù các khuyết điểm vẫn còn lớn đến đâu có liên quan đến tự do chính trị và pháp trị, tình hình chung về nhân quyền hiện còn khá hơn nhiều so với 27 năm trước, chủ yếu vì Trung Quốc đã trở thành một phần của cộng đồng thế giới. Bang giao Trung – Mỹ đã mở rộng. Và trong nhiều phương diện, nhân dân Trung Quốc sống một cuộc sống tốt đẹp hơn và có nhiều sự chọn lựa và nhiều cơ hội hơn.
Giáo sư Cohen cho rằng bang giao cải thiện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đưa đến tình hình nhân quyền tốt đẹp hơn ở Việt Nam. Ông nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ cũng muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam để làm đối trọng cho ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Trần Thái Văn, người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào nghị viện của tiểu bang California, cũng đồng ý như vậy. Nhưng ông nói thêm rằng các cơ may tốt hơn nếu chính phủ Bush thực thi điều ông gọi là một phương pháp thưởng phạt dựa vào cách hành xử trong tương lai.
Hoa Kỳ có thể dùng sức mạnh kinh tế để đạt được những nhượng bộ cụ thể về các lãnh vực nhân quyền và dân chủ. “Phần thưởng” trong trường hợp này là cái tiềm năng kinh tế to lớn và thị trường mà Hoa Kỳ có thể dành cho Việt Nam. Hiện nay, phần viện trợ chỉ là một giọt nhỏ so với những gì Hoa Kỳ có thể làm.
Ông Trần Thái Văn là đại diện của một khối rất đông người Mỹ gốc Việt tại California. Ông nói rằng những người thuộc quận hạt của ông có các cảm nghĩ khác nhau về chuyến viếng thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam. Nhưng ông nói thêm rằng đa số ủng hộ cuộc viếng thăm đó, chừng nào mà Tổng Thống Bush nêu ra những câu hỏi hóc búa.
Cộng đồng Mỹ gốc Việt ở khắp Hoa Kỳ quan tâm hơn về những gì đang xảy ra tại Việt Nam và những gì mà chính phủ Hoa Kỳ, trong khi tiếp xúc với chính quyền Việt Nam trên nước Mỹ vào dịp này, sẽ làm gì để đáp lại những mối quan tâm đó. Đã có không biết bao nhiêu nhân vật bất đồng chính kiến bị bỏ tù vì phát biểu đòi dân chủ tại Việt Nam. Chuyến viếng thăm này là một dịp bằng vàng để Hoa Kỳ và Việt Nam giải quyết các vấn đề đã kéo dài lâu nay.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chuyến viếng thăm này là bước cuối cùng trong một tiến trình hòa dịu trong quan hệ giữa hai nước cựu thù. Cuộc xung đột quân sự được Hoa Kỳ gọi là “chiến tranh Việt Nam” và Việt Nam gọi là “chiến tranh chống Mỹ” đã kéo dài hơn một chục năm gây thiệt mạng cho khoảng một triệu rưỡi người Việt và gần 60 ngàn người Mỹ. Washington và Hà Nội đã tái lập bang giao cách đây 10 năm, và cựu Tổng Thống Bill Clinton đã đi thăm Việt Nam vào năm 2000. Năm 2001, Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ thương mại với Việt Nam.
Ông Chuck Hagel từng là một trung sĩ quân lực Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam và đã bị thương vì mìn. Sau này, ông trở thành một thành viên quan trọng trong ủy ban đối ngoại của thượng viện Hoa Kỳ. Nghị sĩ Hagel, thuộc đảng cộng hòa và là đại diện của tiểu bang Nebraska, có mối quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng bất cứ người nào từng phục vụ tại một nước ngoài, và nhất là đã tham gia vào một cuộc chiến tranh, sau khi đã có thể tách mình ra khỏi những hãi hùng và đau khổ thời chiến, thì chung cuộc đều có ý muốn nhìn thấy sự thay đổi tại quốc gia đó. Và họ đều muốn thấy phát triển và tự do đến với nhân dân nước đó. Bất kể những khuyết điểm do chính thể cộng sản, Việt Nam đã đạt được tiến bộ. Điều đó không khác với những gì ta đã thấy ở Trung Quốc và các nước cộng sản khác. Người ta nhận thấy một hiện tượng phi lý ở đó. Trên nguyên tắc, đó là một chính thể cộng sản độc tài. Nhưng về nhiều phương diện thì đấy lại là một hệ thống thị trường tự do. Hai thứ tương phản nhau. Và cái phải mai một là chính thể cộng sản.
Bang giao Việt-Mỹ nói chung đang cải thiện, nhưng cũng có những căng thẳng đột xuất. Chẳng hạn như vào năm 2002, chính phủ Việt Nam có phản ứng tự vệ trước bất cứ gợi ý nào cho rằng thành tích nhân quyền của họ có thể được cải thiện, và nói rằng Hoa Kỳ kích động các cuộc bạo loạn bên trong lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức Human Rights Watch nói rằng thành tích của Việt Nam về việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, nhất là đối với những người sắc tộc thiểu số theo đạo Tin Lành, vẫn tiếp tục trở nên ngày càng tệ hại. Chính phủ Việt Nam biện luận rằng họ vẫn thực thi hiến pháp của họ là bảo đảm quyền tự do tôn giáo.
Hoa Kỳ đang xúc tiến các cuộc đàm phán với Việt Nam về việc xếp loại Việt Nam vào hàng các nước vi phạm quyền tự do tôn giáo tệ hại nhất thế giới. Nhiều nhà phân tích thời cuộc và người Mỹ gốc Việt đang tự hỏi liệu thời gian mà Tổng Thống Bush tiếp xúc với Thủ Tướng Phan văn Khải có tạo được sự khác biệt nào trong các vấn đề đó hay không. Tuy nhiều người chờ đợi là chuyến viếng thăm này sẽ khơi ra nhiều tranh luận và gợi lại những ám ảnh về cuộc chiến, có thể nó sẽ đưa nhân dân Vietnam và Hoa Kỳ lại gần với nhau trên một bình diện mà cách đây 3 thập niên ít ai có thể nghĩ đến.