Theo tin của hãng thông tấn AFP, một học viện khảo cứu công cộng của Pháp cho hay các nhà khảo cứu Pháp đã khởi sự một cuộc kiểm kê những chủng loài động vật tại Việt Nam và một chương trình tạo sinh các loài vật có nguy cơ diệt chủng, để bảo đảm sự sống còn của các loài vật này.
Một trong các chủng loài có nguy cơ là loài trâu hay saola sống ở trong rừng có tên khoa học là Psedoryx nghetinhhensis. Đó là con vật tiêu biểu của Việt Nam này cân nặng khoảng 100 kilogram mà tạp chí Nature đã công bố việc phát hiện vào năm 1995.
Tại một cuộc triển lãm về khảo cứu của châu Âu trong 3 ngày diễn ra tại Paris hồi cuối tuần qua, Trung Tâm Hợp Tác quốc tế và Khảo Cứu Nông Nghiệp để phát triển của Pháp nhận định rằng việc bảo vệ loài saola này là điều cấp thiết, và đã đi đến quyết định giải pháp là tạo sinh.
Ngay lúc này, các phôi 6 ngày đã được phát triển nhờ một kỹ thuật tạo sinh có liên quan đến việc chuyển các nhân tế bào. Một số đã được làm đông lạnh sẵn sàng để cấy vào các con mẹ.
Chương trình vừa kể nằm trong dự án 3 năm có tên là Biodiva của Pháp đã ký vào năm 2003 được bộ ngoại giao Pháp tài trợ nhằm thực hiện một cuộc kiểm kê và bảo vệ nhiều chủng loài động vật sống ở trong những vùng rừng núi hẻo lánh tại Việt Nam như bò rừng, tê giác gốc Java, hay một loài hươu khổng lồ gọi là muntjac.