Ngày 30 tháng 5 hàng năm là Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong tại Hoa Kỳ, một dịp để người dân Mỹ nhớ ơn và vinh danh những người đã hy sinh cho đất nước trong những cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã trải qua, trong đó có chiến tranh Việt Nam.
Trong số những địa điểm được nhiều người đến viếng thăm nhất trong dịp này tại vùng thủ đô Washington có Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington và Bức Tường Tưởng Niệm các chiến binh Mỹ bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam. Sau đây là một số chi tiết về ngày Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Tưởng Niệm này, do Trần Nam ghi nhận qua các tài liệu và báo chí tại Hoa Kỳ:
Mỗi năm cứ vào những ngày cuối cùng của mùa Xuân, và khi nghe tiếng máy xe mô tô ầm ĩ trên nhiều ngả đường tiến về thủ đô Washington thì người ta biết đó là thời gian sắp đến ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Lễ Chiến Sĩ Trận Vong năm nay là vào ngày thứ Hai 30 tháng 5, vì vậy người Mỹ có đến 3 ngày nghỉ liên tiếp. Nhiều người thường hay nhân dịp này để thực hiện những chuyến đi xa, thăm viếng thân nhân, bạn bè và các thắng cảnh quốc gia.
Theo thống kê của một Hiệp Hội Xe Hơi Hoa Kỳ thì ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong là thời gian có rất nhiều người di chuyển, chỉ sau lễ Độc Lập mồng 4 tháng 7, và Lễ Tạ Ơn vào cuối tháng 11.
Tuy nhiên Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, không chỉ là dịp có được những ngày nghỉ lâu hơn vào cuối tuần và đánh dấu sự khởi đầu của mùa Hè tại Hoa Kỳ mà còn mang rất nhiều ý nghĩa.
Đối với nhiều người Mỹ, nhất là hàng trăm ngàn cựu chiến binh thì đây là 1 ngày quan trọng để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong khi phục vụ đất nước.Theo tài liệu của Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ thì vào năm 1868, tức là 3 năm sau khi chấm dứt cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ, một tổ chức cựu chiến binh Mỹ đã quyết định dành ra một ngày được gọi là Ngày Trang Trí để làm đẹp những ngôi mộ tử sĩ bằng đủ các loại hoa. Lúc bấy giờ nhiều tử sĩ trong cuộc nội chiến này đã được chôn cất rải rác tại 2 miền Nam Bắc nhưng không có ai chăm sóc mộ phần của họ, mà nhiều nhất là tại miền Nam. Thiếu Tướng John A. Logan lúc bấy giờ đã quyết định lấy ngày 30 tháng 5 là Ngày Trang Trí Các Mộ Tử Sĩ, mà sau này trở thành Ngày Chiến Sĩ Trận Vong.
Người ta tin rằng lý do để chọn thời điểm này cho Ngày Trang Trí Mộ Tử Sĩ là vì thời gian này là mùa Xuân, mùa hoa nở khắp nơi tại Hoa Kỳ.
Lúc ban đầu nhiều thành phố tại miền Bắc và miền Nam đã tổ chức những ngày lễ này một cách riêng rẽ, và hầu hết đều tự nhận mình là địa phương đã tổ chức Ngày Trang Trí Mộ Tử Sĩ đầu tiên từ năm 1866, tức là trước ngày Tướng Logan tuyên bố đến 2 năm.
Mãi đến cuối thế kỷ thứ 19, các buổi lễ Chiến Sĩ Trận Vong mới được tổ chức vào ngày 30 tháng 5 trên toàn quốc, sau khi các cơ quan Lập Pháp Tiểu Bang thông qua các bản tuyên bố chỉ định ngày này là Ngày Chiến Sĩ Trận vong, đồng thời Lục Quân và Hải Quân lúc đó chấp thuận các luật lệ chính thức cử hành ngày lễ này tại các cơ sở của mình.
Tuy nhiên phải chờ cho đến sau Thế Chiến Thứ Nhất, thì ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong mới được chấp thuận không những chỉ để vinh danh các tử sĩ trong cuộc nội chiến tại nước Mỹ mà còn bao gồm tất cả những ai đã hy sinh trong các cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã tham dự trên thế giới. Năm 1971, ngày Chiến Sĩ Trận Vong đã được tuyên bố là một ngày quốc lễ bằng một Đạo Luật của Quốc Hội Liên Bang, và ngày lễ này cũng đã được chỉ định vào ngày thứ Hai trong tuần lễ cuối cùng của tháng 5 mặc dù 1 số Tiểu Bang ở miền Nam vẫn còn cử hành ngày lễ này vào những thời điểm khác nhau theo truyền thống trước đây của họ tại địa phươngỳ.
Thông thường tại thủ đô Washington, ngoài một cuộc diễn hành với sự tham dự của nhiều cơ quan, đoàn thể dân sự và các cựu chiến binh, ngày Chiến Sĩ Trận Vong được đánh dấu bằng một buổi lễ trang trọng tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington để tri ân các chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc, trong đó có lễ đặt vòng hoa tại Ngôi Mộ Chiến Sĩ Vô Danh. Nghĩa Trang này là nơi mà mỗi năm có gần 4 triệu người đến thăm viếng với nhiều lý do khác nhau. Đối với một số du khách thì đó là một dịp để đi dạo trong một khung cảnh u nhàn giữa những mộ bia có ghi chép tên tuổi của những người đã nằm xuống theo dòng lịch sử của Hoa Kỳ. Còn đối với nhiều người khác thì đó là một dịp để tưởng nhớ và vinh danh những anh hùng đã hy sinh mạng sống cho đất nước, trong khi những người khác đến nơi này là để nói lời vĩnh biệt và tiễn đưa một người thân yêu trong gia đình hoặc bạn bè đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Ngoài Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, còn có 1 nơi khác mà các du khách cũng như thân nhân của các tử sĩ thường hay đến viếng thăm trong dịp Lễ Chiến Sĩ Trận Vong là Khu Tưởng Niệm các Cựu Chiến Binh Việt Nam tại trung tâm thủ đô Washington. Khu Tưởng Niệm này đã được xây dựng trong những khu Vườn rộng rãi bên cạnh con đường Constitution từ tháng 3 năm 1982 với sự đóng góp của nhiều công ty, nghiệp đoàn, các hội cựu chiến binh, các tổ chức dân sự cũng như cá nhân những người Mỹ để tưởng nhớ và vinh danh các nam nữ quân nhân Hoa Kỳ đã phục vụ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong khu vực này người ta thấy có Tượng Đài gồm 3 nam quân nhân với một Cột Cờ, Tượng Đài Nữ Quân Nhân với 3 nữ quân nhân và 1 thương binh, và Bức Tường lớn bằng đá hoa cương có khắc tên của hơn 58000 quân nhân Mỹ tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Bức Tường Tử Sĩ là nơi có nhiều người đến viếng thăm nhất trong khu công viên này. Nhiều người đã đứng rất lâu để tìm kiếm tên tuổi của những người thân yêu, của bạn bè. Người ta cũng thấy các cựu chiến binh ngồi trên xe lăn được người nhà đưa đến đây để tìm kiếm những cái tên quen thuộc, để hoài niệm những đồng đội cũ trên chiến trường xưa, hoặc đặt những bó hoa tưới dưới chân của một góc tường có ghi tên tuổi của những người mà họ chưa hề quen biết.
Người đã họa kiểu cho bức tường nổi tiếng này là một nữ sinh viên kiến trúc người Mỹ gốc Hoa của Trường Đại Học Yale ở Hoa Kỳ, cô Maya Ying Lin. Cô Lin sinh năm 1959 tại thành phố Athens, Tiểu Bang Ohio trong một gia đình mà cha mẹ là người Trung Quốc sang tị nạn tại Hoa Kỳ vào năm 1949 khi quân đội Cộng Sản của Mao Trạch Đông đánh chiếm toàn bộ Hoa Lục.
Trong số hơn 1000 đồ án được đệ trình, kiểu mẫu của cô đã được chọn bởi một ban giám khảo gồm nhiều kiến trúc sư trong các ngành thiết kế và xây cất cũng như các nhà điêu khắc.
Theo lời cô Maya Ying Lin thì cô muốn tạo 1 công viên trong 1 công viên, tức là tạo được 1 nơi yên tĩnh riêng biệt nhưng vẫn có được sự hài hòa trong quang cảnh chung của khu công viên rộng lớn trên đường Constitution. Bức Tường này có một bề mặt bóng loáng như gương bằng đá hoa cương đen, phản chiếu những hình ảnh của cây cối chung quanh, những sân cỏ, những tượng đài và các du khách. Bức tường có vẻ như được trải rộng về phía Đông với Đài Tưởng Niệm Washington và về phía Tây với Đài Tưởng Niệm Lincohn, và vì vậy Bức Tường Tử Sĩ Chiến Tranh Việt Nam đã được đưa vào bối cảnh của lịch sử Hoa Kỳ.
Loại đá được dùng để xây bức tường này là loại đá hoa cương đen được mang về từ thành phố Bangalore ở Ấn Độ. Trên thế giới chỉ có 3 nơi có nhiều loại đá hoa cương đen và lớn như vậy là Ấn Độ, Thụy Điển và Nam Phi.
Trên Bức Tường Tử Sĩ không có ghi tên tuổi của một nhân viên dân sự nào, và cũng không phải các quân nhân nào bị thiệt mạng cũng được khắc tên trên bức tường đó.
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam và sau khi chiến tranh kết thúc, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã lập một danh sách những người bị thiệt mạng trong các khu vực chiến trận theo các tiêu chuẩn được qui định trong Sắc Lệnh của Tổng Thống Hoa Kỳ vào năm 1965, theo đó thì Việt Nam, Lào, Campuchia và những vùng duyên hải của Việt Nam là khu vực chiến trận. Chỉ khi nào 1 cá nhân bị thiệt mạng hoặc bị mất tích được Bộ Quốc Phòng xem là do chiến tranh Việt Nam, dựa theo các tiêu chuẩn đã được qui định, thì tên của cá nhân đó mới được khắc trên bức tường này.
Với sự thêm tên mới đây nhất của 10 người nữa trong năm 2004, bức tường này có tất cả 58 ngàn 245 tên của các quân nhân nam nữ, trong số đó có khoảng 1 ngàn 200 người nằm trong danh sách quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cuộc chiến này đã được 2 nước cựu thù gác lại một bên để hướng về tương lai với những hợp tác càng ngày càng gia tăng trong các lãnh vực ngoại giao, kinh tế và còn có thể là quân sự.
Tuy nhiên những thay đổi đó vẫn không làm cho người dân Mỹ, nhất là các cựu chiến binh, và ngay cả cộng đồng người Việt tại thủ đô Washington cũng như vùng phụ cận, quên được những hy sinh xương máu mà các chiến binh Hoa Kỳ đã đổ ra trên chiến trường Việt Nam để phục vụ cho các mục tiêu tự do dân chủ mà cho đến bây giờ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi tại Trung Đông.