Trong Câu Chuyện Phụ Nữ hôm nay, mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn bà Lore Harp McGovern, người đứng ra tổ chức hội nghị các nhà nữ kinh doanh Việt-Mỹ vừa diễn ra tại Hà Nội trong tháng trước.
Bà Lore Harp McGovern bắt đầu mở một trong nhiều công ty máy điện toán cá nhân đầu tiên vào năm 1976, và trong 10 năm vừa qua, đã dành thời giờ cho địa hạt đầu tư và bắt đầu các công ty trong lãnh vực kỹ thuật với cơ sở tại vùng San Francisco.
Bà cho biết bà cũng là một trong các sáng lập viên của Committee 200, một tổ chức tư nhân thành lập vào năm 1982, chủ yếu là để quy tụ các nhà nữ kinh doanh nổi tiếng để tạo một diễn đàn cho họ thông tin liên lạc với nhau, và có phương tiện thảo luận các vấn đề kinh doanh và lập một mạng lưới cho phụ nữ mà vào khoảng thời gian đó chưa có nhiều.
VOA: Xin bà cho biết duyên do nào đã giúp bà liên hệ được với các nhà nữ kinh doanh Việt Nam?
"Tôi đã đi Việt Nam tất cả 8 hay 9 lần, vừa về công việc làm ăn, vừa để đi chơi. Tôi đã nhìn thấy cái năng lực vô cùng to lớn của người phụ nữ Việt Nam. Thoạt đầu, tôi kinh ngạc trước cảnh người phụ nữ làm việc ngoài đồng áng. Họ ra đồng làm việc từ 6 giờ sáng và đến 9 giờ tối vẫn còn chưa xong việc. Tôi đã thấy các công ty do phụ nữ điều hành. Tôi đã gặp thêm các phụ nữ ở các hội ngh, và năm ngoái tôi được mời nói chuyện trước khoảng 120 nhà nữ kinh doanh trong Hội đồng nữ doanh gia Việt Nam, còn gọi là VWEC, thuộc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam. Tôi đã nói về các vấn đề có liên quan đến phụ nữ làm thương mại tại Hoa Kỳ, phụ nữ trong các lãnh vực học thuật, phụ nữ trong chính trường, và đã phát hiện ra rằng có rất nhiều điểm tương đồng giữa những gì chúng ta đang trải qua ở đây với những gì phụ nữ đang trải qua ở Việt Nam. Tôi đã gặp các thành viên của VWEC, tôi cũng đã được tiếp kiến phó chủ tịch nhà nước Việt Nam, bà Trương Mỹ Hoa và thảo luận việc tổ chức một hội nghị để đưa các nhà nữ kinh doanh Mỹ đến Việt Nam gặp các đối tác và thiết lập nguồn, sản xuất và khả năng lập các quan hệ liên doanh.
Mặt khác, đó là dịp để thảo luận các cách thức khác nhau trong công cuộc kinh doanh, các khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán để mọi người nhận thức được rõ những điểm đó hầu tiến hành công cuộc thương thảo và làm ăn với nhau. Cuối cùng là để gặp gỡ với tư cách bạn gái. Và thế là chúng tôi bắt đầu bàn việc tổ chức hội nghị. Tôi có một nhóm rất tuyệt vời tại Việt Nam, trong đó có tiến sĩ Phạm thị Thu Hằng, đã tiến hành công việc rất tốt đẹp về phía Việt Nam, cùng với bà Trần thị Thủy, chủ tịch VWEC và phó chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, đã lo phần hậu cần về phía Việt Nam, tìm địa điểm, mời các tham dự viên, còn chúng tôi lo phần đưa các tham dự viên từ Hoa Kỳ sang dự hội nghị. Ngoài ra, tôi đã liên hệ với sứ quán Hoa Kỳ và mời họ đến dự buổi khai mạc; bà Trương Mỹ Hoa, phó chủ tịch nước Việt Nam cũng nhận lời tham dự và đã chủ tọa một dạ tiệc tại một nhà hàng ở Hà Nội. Chúng tôi cũng được dự một buổi tiếp tân của phó thủ tướng Vũ Khoan. Và các giới chức Việt Nam đều nồng nhiệt tán thành hội nghị."
VOA: Vậy bà có thể cho biết các kết quả chung của hội nghị này?
"Tôi nghĩ rằng một trong các mục đích của chúng tôi là chỉ bảo cho các tham dự viên Mỹ về các khả năng tại Việt Nam, về khung cảnh kinh doanh chung, vì thế chúng tôi đã nhờ một thuyết trình viên của Baker McKenzie nói về các vấn đề pháp lý, chúng tôi mời một người nói về hiệp định thương mại song phương. Chúng tôi bàn về nhiều vấn đề liên quan đến những gì có thể làm và chưa thể làm ở Việt Nam. Mặt khác, hội nghị cũng có mục đích giúp các thành viên Việt Nam. Chúng tôi mời một chuyên viên về đầu tư nói chuyện về cách tiếp cận vốn đầu tư ở Việt Nam, và chúng tôi nhận thấy rằng đối với công ty do phụ nữ hay nam giới điều hành cũng vậy, rất khó tiếp cận nguồn vốn để tiếp tục phát triển hay mở cơ sở kinh doanh mới, cũng tương tự như bên Mỹ này.
Một mục đích khác của chúng tôi là đưa những người trong cùng một lãnh vực kinh doanh đến gặp nhau. Tỷ như một trong các tham dự viên hội nghị là chủ một công ty du lịch rất lớn trong vùng Silicon Valley đã gặp các công ty du lịch ở Việt Nam và đang tìm cách hợp tác với các đối tác Việt Nam để có thể phối hợp các tua du lịch tại Việt Nam và ngược lại ở bên Mỹ cho những người Việt đến Hoa Kỳ. Một tham dự viên khác điều hành một công ty đồ chơi trẻ em bằng gỗ có chất lượng rất cao, muốn đi tìm những người có thể làm các sản phẩm bằng gỗ. Tôi không biết đã có hợp đồng nào được ký hay chưa, nhưng rất nhiều cuộc đối thoại đã diễn ra, và tôi cho rằng đây là điều rất hữu ích mà hội nghị mang lại."
VOA: Theo bà, triển vọng kinh doanh của các công ty nước ngoài ở Việt Nam ra sao, bà có thể cho biết những điểm thuận lợi và không thuận lợi?
"Theo tôi, môi trường thuận lợi là Việt Nam có một lực lượng lao động rất sung mãn và được đào tạo tốt. Số người biết đọc biết viết rất cao. Chất lượng sản phẩm tuyệt hảo. Đó là những điểm rất thuận lợi. Một trong những mặt ít thuận lợi hơn mà tôi nghĩ là đang có chiều hướng thay đổi là một số mặt về cơ chế cho đầu tư nước ngoài. Công ty được phân chia thành 2 hay 3 loại, chẳng hạn như công ty nội địa và công ty nước ngoài, v...v.. . Nhưng chúng tôi được các luật sư cố vấn cho biết sắp có một bộ luật chung cho các công ty để đỡ phải qua các thủ tục hành chính rườm rà. Tôi cũng thấy đang có sự thay đổi về quyền sở hữu công ty. Nói chung, tôi thấy đang có tiến bộ tạo thuận lợi cho nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Một điểm thiếu thuận lợi nữa là vấn đề tham nhũng mà theo tôi hiểu phía Việt Nam cũng đang cố gắng giải quyết và tôi cho rằng nếu có tiến bộ thì sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa các công ty nước ngoài và đối tác Việt Nam."
Bà McGovern cho biết thành phần tham dự viên hội nghị về phía Mỹ hoàn toàn là người Mỹ vì bà cho rằng các nữ doanh gia Mỹ gốc Việt đã có các quan hệ làm ăn riêng tại Việt Nam. Mục đích của bà là giới thiệu với các nữ doanh gia Mỹ chưa từng đến Việt Nam biết về các cơ hội to lớn qua đó lập các quan hệ, gieo mầm và góp phần đem lại tiến bộ cho cả Việt Nam lẫn các công ty Mỹ. Thành phần các tham dự viên thuộc các lãnh vực bán lẻ, ngân hàng và sản xuất, trong số đó có một số người điều hành các công ty trị giá cả tỷ đôla, có người đã lập cơ sở tại Việt Nam, và họ đã chia sẻ kinh nghiệm làm ăn tại Việt Nam khác với làm ăn ở các quốc gia Đông Nam Á khác ra sao.
Bà McGovern chủ trương không để vấn đề chính trị xen vào chuyện làm ăn vì theo bà chính thể của một quốc gia là do nhân dân nước đó quyết định. Bà đến Việt Nam lần đầu vào năm 1993, trước khi thiết lập bang giao. Bà đã trở lại nhiều lần và vào năm 1998 đã đi thăm rất nhiều nơi từ nam chí bắc ở Việt Nam. Bà có nhận xét chung về đất nước và con người Việt Nam như sau:
"Đối với tôi, Việt Nam là một đất nước thật là xinh đẹp và huyền bí, người Việt rất dễ thương, thức ăn Việt rất ngon, và điều làm tôi kinh ngạc là thái độ thực tiễn hướng về tương lai. Biết bao người trẻ tuổi nô nức học hỏi – về việc này thì chúng tôi đã cấp học bổng cho 2 sinh viên trường Kinh doanh ở Hà Nội. Tôi được chứng kiến sự sốt sắng của giới trẻ muốn mở công ty, muốn tham gia vào công cuộc phát triển đất nước. Thực là một quốc gia đáng yêu. Và điều tôi rất thích là tiếng Việt theo mẫu tự Latinh, vì thế tôi có thể nhớ tên người, tên đường, mặc dù tôi có thể đọc trại đi...”
VOA: Qua nhiều lần đi thăm Việt Nam, bà có ý kiến thế nào về những đổi thay ở đó ?
"Ồ, những thay đổi, đó là điều tôi nhận ra mỗi lần tôi trở lại Việt Nam. Lần đầu tôi đến vào năm 1998, vịnh Hạ Long còn là một dải bờ biển êm ả với một ngôi làng nhỏ bé. Tôi đến đấy bằng máy bay trực thăng của Nga và lúc hạ cánh, thật là một khung cảnh tuyệt vời. Bây giờ, lúc tôi trở lại cách đây 3 năm, một khu giải trí mênh mông đang được xây dựng, hình như do Trung Quốc.. . Đó là một thay đổi. Đường phố nhiều xe hơi hơn, và nếu chỉ nhìn theo khía cạnh kinh tế và xét về tỷ lệ tăng trưởng 7% mỗi năm, thì có thể so sánh sự phát triển của Việt Nam với Trung Quốc. Sự thay đổi bao giờ cũng rất khó. Có người thích giữ nguyên trạng vì họ cảm thấy thoải mái hơn. Với sự thay đổi và thị trường mở cửa, sẽ có nhiều người làm ăn phát đạt hơn... Một điểm nữa kèm theo với sự tiến bộ là các vấn đề về ô nhiễm môi sinh, việc phá bỏ những kiến trúc cổ để thay thế bằng những cao ốc khổng lồ. Đó là điều đã xảy ra tại Bắc Kinh, Thượng Hải, và tôi cũng cảm thấy lo ngại cho Việt Nam. Nhưng tiến bộ kỹ thuật là điều không thể tránh khỏi trong thế giới ngày nay, và tôi chỉ hy vọng là các thay đổi được sự quản lý tốt."
Đó là nhận định của bà Lore Harp McGovern, chủ tịch công ty LHM Ventures có trụ sở tại vùng San Francisco, và là người đứng ra tổ chức hội nghị các nữ doanh gia Việt Mỹ tại Hà Nội từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 4 vừa qua.