Đường dẫn truy cập

Nền kinh tế phát triển bền vững có thể giảm thiểu số người nghèo ở Việt Nam


Nền kinh tế phát triển bền vững có thể giảm thiểu số người nghèo ở Việt Nam, nhưng những người thuộc các sắc dân thiểu số và các nhóm người khác vẫn còn gặp nhiều khốn đốn cho dù Việt Nam đạt được tiến bộ tổng quát.

Tường thuật của hãng thông tấn Pháp trích lời, giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam, ông Klaus Rohland, nói rằng trong tổng số hơn 80 triệu dân ở Việt Nam hiện nay có khoảng 20 triệu người vẫn còn lâm vào cảnh nghèo túng.

Ông Rohland nhận định rằng sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam có phần chắc sẽ giảm bớt nghèo túng cho những người đã nằm kề mức nghèo túng, nhưng còn có những nhóm người khác mà tăng trưởng kinh tế sẽ không tự động đưa họ thoát khỏi đói nghèo, đó là những người thuộc các sắc dân thiểu số, những người mà sinh kế lệ thuộc vào đất rừng, và những người ở nông thôn nhưng không có đất canh tác.

Ông Rohland nói thêm rằng còn có những nhóm người khác mà tình trạng khốn đốn sẽ gia tăng trong lúc đất nước gia tốc công cuộc phát triển, trong số này có những người từ thôn quê đến mưu sinh ở thành thị, những công nhân không thuộc nghiệp đoàn ở các xí nghiệp tư, những nông dân bị mất đất đai và những người trẻ bị nhiễm HIV/AIDS.

Ông Rohland cho biết như thế sau khi Ngân hàng Thế giới và Quĩ Tiền tệ Quốc tế công bố bản Báo cáo Giám sát Toàn cầu năm 2005 về tiến độ thực hiện các chương trình nhằm đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ. Đây là 8 mục tiêu cần đạt được vào năm 2015 mà các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua hồi năm 2000 tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.

Báo cáo giám sát cho biết để có thể đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong vòng 5 năm tới đây thế giới cần phải tăng gấp đôi số viện trợ phát triển quan phương dành cho những quốc gia nghèo nhất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG