Đường dẫn truy cập

Một số chi tiết về trung tâm dạy Tiếng Việt tại Viện Ngoại Vụ Hoa Kỳ


Trong khi tại Việt Nam nhiều người đã cố gắng học một ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, như là 1 trong những phương tiện để thăng tiến nghề nghiệp hoặc chuẩn bị cho việc du học ở nước ngoài thì tại Hoa Kỳ cũng có một số người theo học tiếng Việt, cũng với những mục đích tương tự. Ngoài một số trường Đại Học mà tiếng Việt được tính như là một môn học ngoại ngữ cho các sinh viên, chính phủ Hoa Kỳ còn có những lớp dạy tiếng Việt cho những người làm việc trong ngành ngoại giao. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về một trung tâm dạy tiếng Việt của chính phủ, do Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của Đài VOA ghi nhận qua buổi phỏng vấn bà Trần Thị Thức, một trong những người đang giảng dạy các lớp học tiếng Việt cho người Mỹ tại Viện Ngoại Vụ Hoa Kỳ:

Theo tài liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì Viện Ngoại Vụ là 1 định chế đào tạo chính yếu của chính phủ Liên Bang dành cho các giới chức điều hành và nhân viên làm việc tại các cơ sở Ngoại Giao của Mỹ, nhằm giúp các nhà ngoại giao cũng như các chuyên gia khác có thêm phương tiện để thăng tiến các quyền lợi ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài và tại Washington.

Cũng theo tài liệu kể trên thì Trung Tâm Đào Tạo của Viện Ngoại Vụ cung cấp hơn 450 lớp học, trong đó có khoảng 70 lớp dạy tiếng nước ngoài, kể cả tiếng Việt, cho hơn 50 ngàn học viên mỗi năm, gồm những người từ Bộ Ngoại Giao và hơn 40 cơ quan khác của chính phủ Hoa Kỳ và các ngành trong quân đội.

Bà Trần Thị Thức, một trong số những người đang giảng dậy các lớp tiếng Việt tại trung tâm dậy ngoại ngữ cho biết thêm như sau:

Thật ra đây là một trường ngoại ngữ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và trường đó là dạy đến 62 thứ tiếng. Trường này thuộc Viện Ngoại Vụ nhưng bây giờ họ gọi là International Foreign Affairs, hay là Shultz Center, tức là tên của ông Ngoại Trưởng Shultz, trong đó có dạy các ngôn ngữ tại những nước có Tòa Đại Sứ Mỹ. Tuy con số này có đến một trăm mấy chục nước nhưng có những nước nằm trong khối nói chung 1 thứ tiếng cho nên trường có dậy các ngôn ngữ cho khối nói tiếng Pháp, khối nói tiếng Ả Rập, khối nói tiếng Nga, tiếng Tàu. Ban của tiếng Việt nằm trong khối Á Châu Thái Bình Dương Asia Pacific.

Thưa chị thành phần học viên tại các lớp ngoại ngữ của Trường này là gồm những ai?

Các chương trình dậy ngôn ngữ này là dành cho các nhà ngoại giao nếu họ đi làm tại các tòa Tổng Lãnh Sự hoặc các Tòa Đại Sứ ở các nước thì họ phải học các ngôn ngữ của các quốc gia bản địa để họ sang đó làm việc cho được tốt.

Thưa tại các lớp mà Chị đang giảng dậy, hiện có bao nhiêu người học tiếng Việt?

Dạ thưa anh tôi chỉ là 1 trong số 10 giảng viên đang dậy tại đó thôi. Hiện nay đang có 19 sinh viên đang học tiếng Việt. Quí vị đó sẽ đi làm việc tại Tòa Đại Sứ ở Hà Nội hay là Tòa Tổng Lãnh Sự ở Saigon, và cũng có vài sinh viên từ Bộ Quốc Phòng gửi qua học.

Thưa chị, các học viên trong các lớp tiếng Việt phải theo học trong bao lâu, và thời gian học của mỗi người có khác nhau hay không?

Thưa anh có khác, tùy theo cái vị trí và chức vụ mà quí vị đó sẽ làm việc tại Tòa Tổng Lãnh Sự hay Tòa Đại Sứ, trong đó có những người sẽ là Phó Lãnh Sự, nghĩa là họ sẽ lo về vấn đề thị thực, vấn đề phỏng vấn để cấp thị thực, tức là Visa, có những vị sẽ là Tùy Viên về Văn Hóa, hay là Tùy Viên về Chính Trị. Tuy năm nay không có nhưng mà quí vị nào sẽ là Tổng Lãnh Sự hay là Phó Đại Sứ thì họ phải học nhiều và thời gian lâu hơn là quí vị Phó Lãnh Sự.

Chị có thể cho biết một cách cụ thể, chẳng hạn như 1 người ở 1 chức vụ nào đó thì phải học trong bao nhiêu tuần lễ hoặc bao nhiêu tháng?

Thưa anh, cái đó là tùy theo Bộ Ngoại Giao cho phép họ được học trong bao lâu. Ví dụ như họ làm Phó Lãnh Sự thì họ có thể phải học từ 23 đến 30 tuần lễ, và nếu làm Tùy Viên thì phải học đến 44 tuần. Sau mỗi khóa học thì họ đều phải thi, gọi là kỳ thi tốt nghiệp, cũng rất là gắt gao.

Trong thời gian qua, khi giảng dậy tại đó, Chị thấy những người Mỹ trong các lớp tiếng Việt học hành như thế nào?

Thưa anh phải công nhận rằng học viên nào cũng học rất chăm vì đó là điều có liên quan đến việc làm và tương lai của họ ở những vị trí mà họ sẽ đảm nhận.

Thưa Chị, theo nhận xét của Chị thì đối với các học viên người Mỹ trong các lớp hiện nay, họ có gặp khó khăn nào trong việc học tiếng Việt hay không?

Tôi nghĩ tiếng Việt của mình hơi khó là phải phân biệt dấu và giọng. Tuy nhiên tôi thấy sinh viên rất là cố gắng để làm thế nào phát âm cho được đúng. Đôi khi các sinh viên lúc mới học thì cũng hơi lúng túng về việc phát âm với sự phân biệt các dấu giọng nhưng cuối cùng thì tôi nghĩ quí vị ấy sẽ thành công vì họ rất chăm học, nỗ lực và họ cũng thông minh lắm.

Thưa chị, chắc là trường này đã có khá lâu trước khi chị đến dạy tiếng Việt tại đây?

Dạ thưa có lâu rồi, tôi nghe nói Viện Ngoại Vụ đã có đến 50 năm rồi, trong đó còn dậy tất cả những môn khác như các trường dậy những khóa học chuyên môn với những buổi hội thảo của các Đại Sứ liên quan đến những phần vụ chuyên môn của họ như hành chánh tổng quát. Tôi chỉ biết nhiều hơn về ngành ngoại ngữ , tuy nhiên theo tôi biết thì các sinh viên khi học ngoại ngữ xong, đáp ứng được các yêu cầu của họ thì họ phải học về chuyên môn cho những chức vụ của họ trong ngành ngoại giao.

Xin cám ơn Chị đã cho biết một số chi tiết về vấn đề dạy ngoại ngữ tại Viện Ngoại Vụ Hoa Kỳ.

Thưa quí thính giả sau tháng Tư năm 1975, khi những người Việt hiện diện lần đầu tiên trong các trại tị nạn tại Hoa Kỳ, người ta thấy một số người Mỹ nói tiếng Việt rất thông thạo làm việc trong các cơ quan hướng dẫn và định cư những người tị nạn. Hầu hết số người Mỹ này là những người đã phục vụ tại Việt Nam trong các ban cố vấn hoặc các cơ quan tình báo trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Lúc bấy giờ nhiều nghĩ rằng sự thông thạo tiếng Việt của những người Mỹ này sẽ không còn có đất dụng võ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tuy nhiên 30 năm sau, các thế hệ con em của họ lại tiếp tục học tiếng Việt, nhưng lần này không phải để phục vụ cho chiến tranh mà là để phát triển sự hiểu biết giữa 2 dân tộc, và các lớp học tiếng Việt đã tạo điều kiện thuận tiện để người Mỹ có thể thăng tiến các mối quan hệ trong các lãnh vực ngoại giao, kinh tế và văn hóa với Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG