Hôm Chủ Nhật vừa qua, một buổi sinh hoạt ra mắt sách của giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người từng bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ trong nhiều năm vì đã tranh đấu cho lý tưởng tự do dân chủ, đã được tổ chức tại trường Đại Học George Mason trong vùng phụ cận thủ đô Washington. Quyển sách mang tựa đề Hành Trình Dân Tộc Trong Thời Đại Toàn Cầu Hóa đã được giới thiệu đến những người tham dự qua chính tác giả và những ý kiến đóng góp của của một số diễn giả hằng quan tâm đến vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Sau đây là một số chi tiết trong buổi sinh hoạt này do Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ghi nhận:
Theo lời giới thiệu của Ban Tổ Chức thì tác phẩm Hành Trình Dân Tộc Trong Thời Đại Toàn Cầu Hóa là 1 đóng góp khiêm nhường của giáo sư Đoàn Viết Hoạt vào công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ tại Việt Nam của toàn thể người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại.
Trong phần đầu của quyển sách dày 435 trang này, ông Đoàn Viết Hoạt viết rằng 1000 năm trước đây, cha ông chúng ta đã bước ra khỏi bóng tối của huyền sử và vũng lầy của thời kỳ nô lệ để tuyên xưng Nam Đế và dựng lên một Nam Quốc Đại Việt độc lập tự chủ. Ngày nay Hoàng Thành Thăng Long, cố đô Đại Việt năm 1000 đã hiện lên tại Hà Nội như là 1 chứng tích sừng sững của bề dày ngàn năm lịch sử dân tộc. Cố đô Đại Việt đã hiện lên chỉ vài năm trước ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tức là năm 2010, như 1 thông điệp của tiền nhân gửi cho mỗi con dân nước Việt dù đang lưu lạc tha hương hay ngay tại quê nhà. Thông điệp đó trao gửi 1 mong ước của tiền nhân, đó là con cháu Việt Tộc 2000 hãy cùng nhau xây dựng 1 Đại Việt Mới hưng thịnh và kỳ vĩ hơn Đại Việt Lý, Trần.
Trong phần nói chuyện với cử tọa, giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhắc lại giai đoạn lịch sử này có liên quan đến giai đoạn hiện nay của dân tộc như sau:
Chúng tôi nhìn lại lịch sử thì thời kỳ thế kỷ thứ 10, chúng ta đã có 1 giai đoạn lịch sử như thế. Chúng ta phải thoát khỏi sự đô hộ của Trung Hoa hơn 1000 năm, vừa phải tìm ra con đường để phục hưng dân tộc, và cha ông chúng ta đã thành công. Nhờ đó chúng ta đã có được 1 thời kỳ hưng thịnh Lý Trần suốt 400 năm. Và kể cả khi suy thoái và quân Minh sang, chúng ta vẫn giải thoát rất nhanh chóng. 2010 sắp đến là kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng ta, những người quốc gia chân chính phải lấy lại chính nghĩa dân tộc khỏi tay những người Cộng sản. Đó là ý nghĩa chân chính nhất mà chúng tôi đã cố gắng thực hiện và sẵn sàng hy sinh, kể cả thân xác chúng tôi, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Theo lời giáo sư Đoàn Viết Hoạt thì nguyên nhân chính dẫn đến ngày 30 tháng 4 là Việt Nam đã bị sa vào vòng tương tranh giữa tư bản và cộng sản, và những xung đột đó đã bị quốc tế hóa:
Quá trình đụng chạm với Tây Phương cũng là quá trình đụng chạm và tương tranh giữa tư bản và cộng sản. Điều đó đã lộ rất rỏ sau Đệ Nhị Thế Chiến, và suốt từ Đệ Nhị Thế Chiến cho đến 30 tháng 4 năm 1975 Việt Nam đã bị sa vào trận chiến đó. Một mặt phải giải thoát khỏi sự đô họ của người Pháp, một mặt lại phải làm sao để dân tộc khỏi bị lâm vào vòng tương tranh và bị quốc tế hóa, đặc biệt là quốc tế hóa cộng sản. Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản đã quốc tế hóa cuộc kháng chiến để giành độc lập của dân tộỳc, và đó là 1 sai lầm rất nghiêm trọng. Đó là nguyên nhân chính dẫn dân tộc đến ngày 30 tháng 4 và tới hôm nay.
Theo giáo sư Đoàn Viết Hoạt thì với bối cảnh lịch sử như vậy, ông tin rằng dân chủ chỉ có thể thực hiện được khi nguồn gốc sức sống tiềm tàng của dân tộc được phục hưng và dân tộc Việt Nam tìm được thế đứng trong thời đại của thế kỷ 21, thời đại toàn cầu hóa. Và ông đã coi ngày 30 tháng 4 là sự khởi đầu cuộc hành trình đó 1 cách cụ thể. Tuy nhiên cũng theo ông thì cuộc hành trình phục hưng đó, đúng ra, đã được tiền nhân chúng ta khởi sự từ đầu thế kỷ 20:
Phong trào dân tộỳc đã bắt đầu từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Phong trào dân tộc đi tìm con đường giải thoát ra khỏi đế quốc Pháp và mở đường cho dân tộc phục hưng đã bắt đầu từ lúc đó. Chính ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản đã làm lệch con đường đó, đưa dân tộc chúng ta vào 1 thời kỳ bi thảm, tương tranh giữa người Việt với người Việt nhân danh quốc tế. Và chúng tôi coi 30 tháng 4 là giai đoạn, là cơ hội để dân tộc chúng ta lấy lại cái tinh thần trước khi có đảng Cộng Sản. Đó là tinh thần dân tộc trong thời đại mới, giai đoạn chuẩn bị để dân tộc chúng ta có 1 thời kỳ phục hưng của thế kỷ 21 như là thời kỳ phục hưng của thế kỷ thứ 10.
Cũng theo giáo sư Đoàn Viết Hoạt thì dân chủ phải gắn liền với dân tộc chứ không phải theo mô hình Tây phương, và trong thời đại của thế kỷ 21, dân chủ là xu thế chung của thời đại mà không một hình thức độc tài nào có thể cưỡng lại được:
Độc tài Cộng Sản là 1 hình thức độc tài hữu hiệu nhất trong bao nhiêu thế kỷ nhưng đã tan vỡ. Sự tan vỡ của độc tài Cộng Sản không phải vì áp lực quân sự từ ngoài vào mà chính là vì chế độ đó đi ngược lại với xu thế chung của thời đại. Do đó nếu dân tộc chúng ta hòa nhập được với xu thế chung của thời đại thì không những sẽ đạt được dân chủ mà còn có thể phát triển, và không những chế độ Cộng Sản sụp đổ mà không có 1 chế độ độc tài toàn trị nào có thể tồn tại được.
Trong phần cuối của tác phẩm Hành Trình Dân Tộc Trong Thời Đại Toàn Cầu Hóa , giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói rằng Việt Nam cần có 1 đường lối mới để thoát ra khỏi cảnh bế tắc cùng cực hiện nay. Hai mục tiêu cụ thể của đường lối này là xây dựng dân chủ và phát triển kinh tế. Tuy nhiên theo ông thì xây dựng dân chủ là mục tiêu trọng tâm vì tự do dân chủ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Trong những học thuyết về dân chủ hóa có rất nhiều sự tranh luận rằng phát triển kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ nhưng càng ngày người ta càng thấy rằng phát triển kinh tế không thôi là không đủ và không nhất thiết dẫn đến dân chủ. Do đó phải có những khía cạnh khác, và đó là lý do tại sao chúng ta đòi hỏi phải có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do lập hội. Những điều đó không liên hệ đến kinh tế nhiều nhưng đó là những yếu tố rất cần thiết để dân chủ hóa.
Một trong những điểm chính trong quyển sách của giáo sư Đoàn Viết Hoạt là Việt Nam đang ở trong tình trạng không thể không thay đổi chính trị vì có nhiều áp lực. Ông giải thích:
Thật ra thì đảng Cộng Sản đã bị áp lực sau sự sụp đổ của Liên Xô cho nên không thể không thay đổi về kinh tế, thương mại. Hiện nay họ đang bị áp lực để phải thay đổi về mặt văn hóa giáo dục, thông tin, vì vấn đề phát triển kinh tế thị trường tự do đòi hỏi 1 nền giáo dục mới, đòi hỏi thông tin đầy đủ, nhanh chóng, đòi hỏi kiến thức cập nhật của thời đại. Đây là áp lực tự bản thân nó do sự phát triển đòi hỏi, nhưng mà hiện nay tất cả những áp lực đó chưa trở thành những áp lực thật sự vì vẫn còn tự phát cho nên điều mà chúng ta cần làm là biến những nhu cầu có tính cách tự phát tự nhiên đó trở thành chủ động và trở thành sức mạnh để quần chúng đặt nhà cầm quyền, tức là đảng Cộng sản vào 1 sự lựa chọn: hoặc phải tự do hóa toàn diện đời sống của quốc dân và xã hội để có thể hội nhập với thế giới, hoặc sẽ bị lật đổ thông qua những biến động chính trị, xã hội . Và tôi tin rằng nếu chúng ta thúc đẩy theo hướng đó thì chúng ta sẽ đặt đảng Cộng sản vào cái thế không thể không thay đổi về mặt văn hóa, thông tin, giáo dục để cuối cùng không thể không thay đổi về mặt chính trị.
Buổi ra mắt sách đã chấm dứt sau khi diễn giả và các tham dự viên trao đổi ý kiến về những vấn đề liên quan đến nội dung của tác phẩm Hành Trình Dân Tộc Trong Thời Đại Toàn Cầu Hóa, cũng như quan điểm của tác giả và các thuyết trình viên trong buổi sinh hoạt chính trị này.