Hôm thứ hai, 21 tháng 2 tại giảng đường đại học Johns Hopkin ở thủ đô Washington, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, nhà tranh đấu không ngưng nghỉ cho dân chủ tại Việt Nam đã nói chuyện về đề tài: Một Lộ Trình Dân chủ cho Việt Nam trước một cử tọa gồm những người trong giới trí thức, học giả, truyền thông và các sinh viên ban cao học về bang giao quốc tế và khoa học chính trị. Lan Phương của Ban Việt Ngữ đã có mặt tại buổi nói chuyện này và gửi đến quí thính giả một số những chi tiết được ghi nhận như sau:
Mở đầu bài nói chuyện, giáo sư Hoạt bày tỏ niềm tin tưởng rằng nếu tất cả chúng ta, những người Việt trong nước, người Việt hải ngoại và quốc tế nhất quyết theo đuổi cuộc tranh đấu thì một ngày không xa, bầu khí khí dân chủ như buổi nói chuyện này sẽ được thấy tại Việt Nam, bởi lẽ tự do, dân chủ cùng với kinh tế thị trường và một xã hội dân sự cởi mở là traò lưu của thời đại chúng ta . Nhưng ông cũng nhấn mạnh đến một sự kiện đơn giản khác nữa là: Việt Nam bây giờ đã khá hơn là nhờ được tự do hơn trước. Tự do chính là yếu tố thúc đẩy tiến bộ và phát triển.
Giáo sư Hoạt cho rằng Việt Nam sẽ tiến bộ với tốc độ nhanh chóng hơn, quân bình hơn và phát triển bền vững hơn nếu người dân được tự do hơn trong tất cả mọi khía cạnh trong đời sống xã hội, không chỉ giới hạn trong lãnh vực kinh tế, và chính phủ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước nhân dân.
Theo ông, giới lãnh đạo tại Việt Nam vẫn tin rằng tự do là điều mà chính phủ ban cho nhân dân của họ thay vì tự do là một quyền tự nhiên của con người. Ông nêu lên chức vụ nhiều quyền lực nhất tại Việt Nam là tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, một chức vụ không hề được ghi trong hiến pháp, và như vậy tổng bí thư đảng còn cao hơn hiến pháp, nằm ngoài hiến pháp, do đó không bị luật pháp ràng buộc. Từ điểm này ông đưa tới sự phân biệt giữa pháp quyền và pháp trị.
Giáo sư Hoạt nói rằng sử dụng luật pháp, hay mượn luật pháp để cai trị, vẫn chỉ là một hình thức độc tài . Dân chủ đòi hỏi người dân lẫn người trị dân, kể cả cấp lãnh đạo cao nhất nước, phải thượng tôn luật pháp. Không một người nào, không một đảng chính trị nào, có thể đứng trên và đứng ngoài hiến pháp. Điều này sẽ giúp tiến đến dân chủ.
Những cuộc khảo cứu về dân chủ nêu lên cho thấy là trong mấy thập niên gần đây, dân chủ hóa là một hiện tượng nổi bật tại các quốc gia đang phát triển. Bắt đầu từ thập niên 1970, con số những quốc gia có một mức độ dân chủ nào đó đã tăng từ 30% lên đến hơn 60%. Dân chủ hóa đã trở thành một trong những thành quả ngoạn mục nhất của thế kỷ thứ 20, cùng với tự do mậu dịch và kinh tế thị trường.
Và mặc dù có nhiều hình thức cai trị dân chủ khác nhau, và những đường lối tiếp cận dân chủ khác nhau, dường như tất cả các nhà lý thuyết về dân chủ đều đồng ý với nhau là: dân chủ không chỉ là một xu thế của thời đại chúng ta , mà nó còn là một phần nội tại của sự phát triển lâu bền của một quốc gia.
Dân chủ hóa đã trở thành một lãnh vực khảo cứu và giảng dạy của ngành khoa học xã hội. Nhiều lý thuyết gia đã chú trọng vào khía cạnh chuyển tiếp trong tiến trình dân chủ hóa, cố gắng tìm hiểu những liên hệ như thế nào giữa các khía cạnh kinh tế, giáo dục, văn hóa của công cuộc phát triển với dân chủ.
Các nhà khảo cứu chú trọng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế và dân chủ. Nhiều nhà khảo cứu tin rằng mức độ phát tirển kinh tế đương nhiên đưa đến phát triển dân chủ., với sự xuất hiện của giai cấp trung lưu, trình độ học thức cao hơn, mức sống cao hơn v..v...Tuy nhiên nhiều nhà khảo cứu khác chuyên chú về các quốc gia đang phát tirển cho rằng phát triển kinh tế tự nó không đương nhên đưa đến dân chủ. Sở dĩ như vậy là vì tại các quôc gia đang phát triển, các giá trị vả thái độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành lối suy tưởng và lối sống của cá nhân, cũng như mối quan hệ giữa người dân với chính quyền.
Chắc chắn sự phát triển kinh tế mang lại những thay đổi trong giá trị và thái độ của con người, tuy nhiên nếu không theo đường hướng phát triển toàn diện thì những thay đổi này thường chỉ đến rất chậm và giới hạn trong một thành phần dân chúng giàu có hơn và học thức hơn mà thôi. Nhiều nhà khảo cứu nêu lên vai trò quan trọng của điều được gọi là tập quán công dân trong các nền dân chủ đang phát triển. Thái độ của nhân dân đối với chính phủ là yếu tố quyết định, không những bản chất, mà còn về tốc độ cho công cuộc chuyển đổi từ chế độ toàn trị sang dân chủ.
Theo giáo sư Hoạt, dân chủ hóa là một tiến trình liên quan đến nhiều yếu tố. Phát tirển kinh tế với hệ thống kinh tế thị trường là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Tình trạng tại Trung Quốc và Việt Nam đã chứng minh như thế. Để có dân chủ ở một quốc gia như Việt Nam, chúng ta không thể ngồi chờ đến lúc có mức độ phát triển kinh tế cao hơn. Dân chủ là một giá trị của một xã hội văn minh, là một lối sống trong thời đại chúng mà bất cứ ai cũng đều có quyền được hưởng. Nhân dân Việt Nam xứng đáng được sống trong một xãï hội dân chủ và thịnh vượng sau hơn một nửa thế kỷ tranh đấu cho độc lập, tự do và phú cường. Dân chủ là một đòi hỏi của thời đại chúng ta.
Vậy thì làm thế nào để có dân chủ cho Việt Nam và bao giờ thì Việt Nam mới có dân chủ ? Căn cứ trên những gì đang diễn ra tại Việt Nam và kinh nghiệm bản thân, Giáo sư hoạt đề nghị một kế hoạch toàn diện:
Phải tự do hóa mọi lãnh vực đời sống của các công dân, và dân chủ hóa chính quyền. Kế hoạch này đề ra 2 công tác lớn: tự do hóa toàn thể mọi lãnh vực trong sời sống của nhân dân, đồng thời dân chủ hóa chính quyền. Kế hoạch này công nhận và cung ứng cơ hội cho sự tham gia của toàn dân vào việc chuyển đổi sang dân chủ: công nhân, nông dân, trí thức, giới cầm bút, chính trị gia, thuộc đủ mọi lãnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, nhân văn, truyền thông, và chính trị. Kế hoạch cũng dự kiến sự tham gia và tương tác giữa nhân dân trong nước và ngoài nước trong tiến trình dân chủ hóa. Kế hoạch hành động được đề nghị cũng nhắm tạo sức mạnh cho nhân dân và đồng thời cải tổ, khai phóng hệ thống chính phủ.
Để đạt được điều này, ông đề nghị một diễn trình gồm 3 bước phát triển, trong đó 2 bước đầu chú trọng đến vấn đề tự do hóa các hoạt động kinh tế và văn hóa, trtong khi dân chủ hóa chính phủ là điều diễn ra trong bước thứ ba. 3 điều này trong diễn trình tự do hóa và dân chủ hóa không xảy ra độc lập với nhau mà là tương tác mật thiết với nhau. Chúng ta không thể chờ để hoàn tất c ông cuộc chuyển đổi kinh tế rồi mới thúc đẩy thay đoỉ tự do hóa các hoạt động văn hóa và xã hội.
Tự do hóa kinh tế sẽ tạo nên đòi hỏi và tạo những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thông tin, văn hóa, giáo dục tự do hơn, và rồi sẽ đưa đến đòi hỏi phải gia tăng công cuộc dân chủ hóa chính quyền. Nền kinh tế càng hướng đến thị trường bao nhiêu thì mức độ tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp do nhà nước sở hữu càng được khởi động và được luật pháp bảo vệ và môi trường cùng những điều kiện tốt đẹp hơn cho việc tự do hóa những hoạt động văn hóa, giáo dục, và xã hội sẽ xuất hiện. Sự tương tác này sẽ chuyển đổi xã hội, và tạo nên những giá trị mới và thái độ mới cho một quần chúng tự do hơn, dân chủ hơn và hiểu biết hơn về bổn phận và quyền hạn của họ. Đối mặt với những điều kiện và môi trường kinh tế, văn hóa mới này, giới lãnh đạo đảng sẽ phải đưa ra một chọn lựa có tính cách quyết định: chấp nhận dân chủ hoặc đối đầu với người dân, một khối dân chúng vẫn tiến bước không có gì ngăn cản được họ.
Giáo sự Hoạt tin đây là chọn lựa tốt nhất Việt Nam vì nó có thể thực hiện được và có lợi cho tất cả mọi người. Giới lãnh đạo Việt Nam đã chấp nhận cải tổ kinh tế. Do đó Việt Nam đã đạt được mức phát triển knh tế to lớn, và mức sống của người dân cũng đã dược cải thiện đáng kể. Giờ đây thì Việt Nam phải tiến sang giai đoan thứ nhì, tự do hóa các hoạt động thông tin, văn hóa và giáo dục và phải hành động nhanh chóng để hội nhập vào cộng đồng khu vực và toàn cầu. Tự do cạnh tranh và tự do mậu dịch tạo nên một thách thức lớn cho Việt Nam mà chính sách toàn trị, khép kín, bảo thủ về kinh tế, giáo dục, văn hóa không thể đối phó được.
Người dân, nhất là giới trẻ, cần phải được tiếp cận với những kiến thức và thông tin cập nhật nhất trên thế giới.
Giáo sư Hoạt bày tỏ sự vui mừng khi thấy chính phủ Việt Nam dự tính cho mở các đại học tư . Ông khuyến nghị giới lãnh đạo Việt Nam hãy có những viễn kiến mà tiến hành nhanh hơn trong việc tạo cơ hội cho giới trẻ được tiếp cận với một nền giáo dục và văn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông, tự do tư tường và các đại học tự trị là những yếu tố then chốt cho việc hiện đại hóa và phát triển cho Việt Nam ngày nay.
Sau bài nói chuyện là phần hỏi đáp giữa cử tọa và giáo sự Hoạt. Tưởng cũng nên nhắc lại là sau năm 1975, giáo sư Hoạt đã bị bắt giam nhiều năm tại Việt Nam vì những hoạt động tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Năm 1998 ông được trả tự do và trục xuất sang Hoa Kỳ. Hiện ông là học giả thường trú và đồng giám đốc chương trình Xã Hội Dân Sự Đông Nam Á tại trường luật Columbus thuộc đại học Công Giáo ở thủ đô Washington.