Đường dẫn truy cập

Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ để trở thành quốc gia tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhiều nhất thế giới


Một bản phúc trình mới đây của một tổ chức bảo vệ môi trường ở Washington cho biết Trung quốc đã qua mặt Hoa kỳ để trở thành quốc gia tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhiều nhất thế giới. Tuy mức tiêu thụ đầu người của Trung quốc vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia phát triển, như Nhật bản và Hoa kỳ, nhưng sự gia tăng nhanh chóng của số lượng hàng hóa tiêu thụ tại Trung quốc đang tạo nhiều tác động quan trọng trên khắp thế giới. Một số chi tiết về việc này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu:

Sau hơn 20 năm tiến hành chương trình cải cách kinh tế theo đường hướng thị trường tự do, Trung quốc giờ đây đã qua mặt Hoa kỳ để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về phương diện tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp cơ bản. Theo bản phúc trình do Viện Chính sách Địa cầu công bố hôm thứ tư: quốc gia đông dân nhất thế giới này vừa đạt được một dấu mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, và sự trỗi dậy của kinh tế Trung quốc đang tạo ra những tác động toàn cầu chẳng những về mặt kinh tế và môi trường mà còn ảnh hưởng đến các chính sách ngoại giao và quốc phòng.

Kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách Địa cầu, một tổ chức bảo vệ môi trường trụ sở đặt tại Washington, cho thấy: Trung quốc đã vượt xa Hoa kỳ về số lượng tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp như TV, tủ lạnh và điện thoại di động cùng với các nông sản như ngũ cốc và thịt. Mặt hàng chính duy nhất mà lượng tiêu thụ của Trung quốc còn kém Hoa kỳ là xăng dầu. Theo các số liệu của phúc trình vừa kể, số lượng lương thực tiêu thụ ở Trung quốc trong năm 2004 đã lên tới mức 382 triệu tấn trong khi con số này của Hoa kỳ là 278 triệu tấn. Sản lượng các loại thịt ở Trung quốc cũng đã tăng gấp 7 lần trong 25 năm qua và lên tới 64 triệu tấn trong năm 2004, cao gần gấp đôi số lượng thịt tiêu thụ ở nước Mỹ. Số heo được nuôi ở Trung quốc hiện nay chiếm phân nửa số heo trên trái đất.

Trong những năm của thập niên 1950 và 1960, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, giới hữu trách Trung quốc xem sản lượng thép là tiêu chí chủ yếu để đo lường mức độ phát triển của một nước. Dựa theo một chính sách hoang đường, thường được gọi là "bước nhảy vọt vĩ đại", chính quyền Cộng sản ở Bắc kinh thời đó đã huy động toàn lực dân chúng để luyện thép và kết quả là có hàng triệu người bị chết đói vì ruộng đồng bị bỏ hoang và những nông cụ bằng sắt bị tịch thu để đưa vào các lò luyện thép. Ngày nay, trong lúc nhiều người ở Trung quốc đang lo ngại về nạn mập phì vì ăn quá nhiều, sản lượng thép ở Trung quốc lại gia tăng nhanh chóng với sản lượng trong năm 2004 lên tới 258 triệu tấn, cao hơn gấp đôi con số của nước Mỹ và tương đương với số lượng thép tiêu thụ ở Hoa kỳ và Nhật bản gộp lại. Bên cạnh thép, Trung quốc cũng còn dẫn đầu về số tiêu thụ các loại kim thuộc khác như nhôm và đồng. Chẳng những Trung quốc đã vượt qua nước Mỹ về mức tiêu thụ các nguyên vật liệu đó mà mức chênh lệch giữa đôi bên cũng đang trên đà gia tăng nhanh chóng.

Trong khi đó, xét về lượng tiêu thụ xăng dầu thì Hoa kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới và cao gấp ba lần Trung quốc. Năm 2004, mỗi ngày nước Mỹ tiêu thụ 20 triệu 400 ngàn thùng dầu; ở Trung quốc, con số này là 6 triệu 500 ngàn thùng. Tuy nhiên, trong lúc lượng tiêu thụ của Mỹ chỉ tăng 15% từ năm 1994 đến năm 2004, lượng tiêu thụ của Trung quốc đã tăng hơn gấp đôi và đã vượt qua Nhật bản để trở thành quốc gia tiêu thụ xăng dầu nhiều vào hàng thứ nhì trên thế giới. Ngoài ra, số lượng than đá xử dụng ở Trung quốc cũng cao hơn Hoa kỳ khoảng 40%, và theo các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, không bao lâu nữa thì Trung quốc cũng sẽ trở thành quốc gia thải thán khí nhiều nhất thế giới. Một số nhà quan sát cho rằng: điều này đang tạo ra một vấn nạn cho các nhà hoạt động môi trường.

Theo Nghị định thư Kyoto về khí hậu địa cầu, hai nước đông dân nhất nhì thế giới là Trung quốc và Ấn độ không bị hạn chế về số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Lâu nay, các nhà hoạt động môi trường đã tỏ ra ngần ngại không muốn vận động để đòi Trung quốc và Ấn độ giảm thiểu số lượng khí thải vì mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người của 2 nước này chỉ bằng 1 phần 6 của Hoa kỳ. Tuy nhiên, vì dân số đông và mức tiêu thụ gia tăng nhanh chóng, hai nước này cũng góp phần đáng kể vào tổng số các loại khí thải đang tích tụ trong khí quyển và làm cho thời tiết trái đất bị thay đổi.

Theo bản phúc trình của Viện Chính sách Địa cầu: trong số các mặt hàng tiêu thụ chủ yếu, Trung quốc chỉ còn kém Hoa kỳ về số lượng xe hơi; và không bao lâu nữa, quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ qua mặt nước Mỹ về số máy điện toán cá nhân, với tỉ lệ tăng trưởng hơn 40% mỗi năm. Số điện thoại di động được xử dụng ở Trung quốc cũng gia tăng cực kỳ nhanh chóng. Năm 1996, Trung quốc chỉ có 7 triệu máy điện thoại di động trong lúc Hoa kỳ có hơn 20 triệu. Đến năm 2003, số điện thoại di động ở Trung quốc đã lên tới gần 270 triệu chiếc trong lúc Hoa kỳ chỉ có khoảng 160 triệu.

Ông Đường Mẫn, kinh tế gia trưởng của ngân hàng phát triển Á châu ở Bắc kinh, nói rằng giới trung lưu đang hình thành ở Trung quốc đã giúp cho mức tiêu thụ tăng trưởng với một tốc độ khá nhanh chóng.

Theo lời ông Đường Mẫn, mãi lực của người dân Trung quốc đang gia tăng rất nhanh vì số thu nhập đầu người đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm qua.

Ông Lester Brown, Chủ tịch Viện Chính sách Địa cầu, nhận xét rằng: Trung quốc giờ đây đã không còn là một nước đang phát triển nữa mà đã sắp sửa trở thành một siêu cường kinh tế và là một nước mà ông gọi là "đang viết nên lịch sử kinh tế thế giới". Theo ông Brown, với địa vị của quốc gia có số dự trữ ngoại tệ nhiều nhất thế giới và là nước chủ nợ lớn nhất của Hoa kỳ, Trung quốc giờ đây không thể được coi như một quốc gia đang phát triển theo ý nghĩa thông thường.

Ông Lester Brown cho biết: Trung quốc hiện đang nhập khẩu nhiều loại sản phẩm như ngũ cốc, đậu nành, quặng sắt, nhôm, đồng, platinum, phốt phát, potash, dầu lửa, khí đốt, gỗ và bông vải với những số lượng khổng lồ. Điều này khiến cho giá hàng hóa trên thị trường thế giới và chi phí vận tải đường biển gia tăng nhanh chóng. Ông Brown cho biết thêm rằng: nhu cầu to lớn của Trung quốc đối với các loại nguyên vật liệu và năng lượng cũng đang ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại và an ninh của quốc gia Cộng sản này.

Chính phủ ở Bắc kinh đang ra sức thiết lập những mối quan hệ chiến lược với nhiều nước giàu tài nguyên thiên nhiên như Brazil, Kazakhstan, Nga, Indonesia và Australia để bảo đảm nguồn cung cấp dài hạn các loại sản phẩm như dầu lửa, khí đốt, quặng sắt, bauxite, và gỗ. Một số các nhà quan sát cũng cho rằng: vì muốn có ổn định để phát triển kinh tế, giới lãnh đạo Trung quốc hiện nay cũng tỏ ra hòa hoãn hơn trong cung cách xử lý các mối quan hệ vốn có nhiều căng thẳng với Hoa kỳ, Nhật bản và với một số quốc gia trong vùng Đông Nam Á.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG