Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn giáo sư Nguyễn Văn Canh về vụ Trung Quốc bắn chết 9 ngư phủ Việt Nam


Tuy vụ tàu Trung Quốc bắn chết 9 ngư phủ Việt Nam trong khu vực đánh cá chung trong vùng Vịnh Bắc Bộ xảy ra từ hôm mùng 8 tháng Giêng nhưng biến cố này vẫn tiếp tục gây nhiều phản ứng sôi nổi trong các cộng đồng người Việt khắp nơi trên khắp thế giới.

Thông tín viên đài chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với giáo sư Nguyễn Văn Canh thuộc Viện Nghiên Cứu Hoover về Chiến Tranh Cách Mạng và Hòa Bình để tìm hiểu thêm về vấn đề phân định biên giới trên bộ và trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn do Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thực hiện:

Kính chào giáo sư, theo các tin tức trong thời gian gần đây thì tàu của Trung Quốc đã bắn chết 9 ngư phủ Việt Nam và làm bị thương nhiều người khác, đồng thời bắt giam một số ngư dân người Việt. Thưa giáo sư, giáo sư nhận định như thế nào về sự kiện này?

Việc mang quân đội, mang Hải Quân ra để bắn chết ngư phủ Việt Nam cũng như bắt giam các ngư phủ Việt Nam tại Hải Nam là những việc làm hoàn toàn vi phạm tất cả các nguyên tắc của quốc tế công pháp cũng như ngay cả các hiệp ước ký kết giữa Việt Nam và Trung quốc liên quan đến việc phân định vùng Vịnh và hiệp ước đánh cá, và đây là một sự kiện hết sức nghiêm trọng.

Thưa giáo sư, theo sử liệu thì việc phân định biên giới trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã được căn cứ vào các hiệp ước trong thập niên 1880, vậy thì nguyên do nào lại xảy ra những tranh chấp trong thời gian qua, và mới đây nhất là vụ sát hại ngư phủ Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ?

Theo tôi nghĩ thì việc tranh chấp giữa 2 bên trong vùng Vịnh là do sự ép buộc giữa Trung Cộng đối với đảng Cộng Sản Việt Nam, và đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải nhượng bộ để ký cái hiệp định Vùng Vịnh vào năm 2000, căn cứ vào hiệp ước Thiên Tân 1885 và công ước ký kết năm 1887, trong đó có ấn định rỏ các đường ranh trong vùng Vịnh, và cái đường ranh đó đã được bắt đầu từ Mong Cái là điểm ranh giới giữa Việt Nam và Trung Hoa, kéo thẳng một đường trên bản đồ gọi là đường vạch đỏ chạy xuống phía Nam. Nếu mà chúng ta nhìn vào bản đồ thì thấy đường vạch này chạy đến cuối tỉnh Thừa Thiên, đầu tỉnh Quảng Nam, và cái khu vực của tất cả cái vùng Vịnh đó là 127 ngàn cây số vuông, và Việt Nam có khoảng 63%, còn Trung Hoa chỉ có 37% mà thôi.

Thưa giáo sư đó là căn cứ theo các hiệp ước củ, còn theo hiệp ước mới đây, được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2000, thì sự phân định lãnh thổ và lãnh hải giữa đôi bên như thế nào?

Theo hiệp ước mới đây mà nhà cầm quyền Việt Nam ký với Trung Hoa thì đã dành cho Trung Cộng những quyền lợi rất lớn trong vùng Vịnh, trong đó lãnh thổ của Việt Nam từ 63% xuống chỉ còn 54%, nghĩa là 11 ngàn cây số vuông được dâng hiến cho Trung Hoa. Về phần đất thì coi như Việt Nam mất 11 ngàn cây số vuông và có thể hơn nữa, còn về khu vực đánh cá mà chúng ta đang nói ở đây thì Việt Cộng đã dành cho Trung Cộng 2 phần đánh cá mà phần thứ nhất là nam vĩ tuyến 20 tức là phía Nam của đảo Bạch Long Vĩ, và khu vực đó là 35 ngàn cây số vuông, trong thời hạn 12 năm, và rồi sẽ còn gia hạn 3 năm nữa. Ngòai ra còn 1 khu nhỏ nữa gọi là khu quá độ nằm về phía Bắc đảo Bạch Long Vỉ.

Thưa giáo sư, như vậy vụ bắn chết ngư phủ Việt Nam đã xảy ra trong khu vực nào, có được phân định rõ rệt hay không?

Về vụ tranh chấp mới xảy ra, trong đó Hải quân Trung Quốc bắn chết ngư phủ Việt Nam ở Thanh Hóa, thì cái sự phân định cái vùng Vịnh đó rất là rõ rệt. Họ chia ra làm 21 điểm, khi nhìn vào bản đồ thì những người ngư dân ở Thanh Hóa có thể đánh cá ở giữa điểm 11 và điểm 13, hay 14. Họ chỉ đi tới cái giới hạn đó thôi dựa theo sự phân chia vùng Vịnh mới. Có thể là họ đã đi quá sang vùng bên kia hay cũng có thể là không. Tuy nhiên theo báo cáo chính của các ngư dân, qua các tin tức quốc tế, thì họ đã đánh cá trong vùng mà 2 bên đã qui định trong hiệp ước đánh cá chung. Và dù rằng họ có vi phạm như vậy đi chăng nữa thì chỉ có cảnh cáo và đuổi họ ra khỏi mà thôi chứ không thể sử dụng vũ lực được. Việc này là vì do nhà cầm quyền Việt Nam yếu quá, cứ hết nhượng bộ này đến nhượng bộ kia cho nên Trung Cộng họ làm tới, đưa đến việc bắn giết và bắt tàu của Việt Nam cũng như các ngư phủ Việt Nam trong vụ này.

Thưa, như giáo sư vừa nói, nếu có vi phạm thì chỉ cảnh cáo và đuổi đi chứ không thể sử dụng vũ lực, vậy từ trước đến nay, có khi nào xảy ra trường hợp như vậy hay không?

Tôi lấy thí dụ như trong 6 tháng đầu năm 2002, có hàng trăm tàu và hàng ngàn ngư phủ Trung Hoa vào đến tận địa phận Quảng Bình để mà đánh cá, và Việt Nam cũng không có phản ứng gì hơn là chỉ có yêu cầu họ đi ra,

Giáo sư nhận định như thế nào về phản ứng của Việt Nam, sau khi xảy ra biến cố này?

Việc bắn giết người như vậy là một sự việc hết sức nghiêm trọng trên quốc tế mà nhà cầm quyền Việt Nam lúc đầu không nói gì cả, và cho đến hơn 3 ngày sau, tức là vào khoảng ngày 12 khi người Việt hải ngoại lên tiếng thì lúc đó nhà cầm quyền Việt Nam, qua lời phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, mới nói rằng đây là một sự việc nghiêm trọng. Vì phản ứng khắp nơi rất là mạnh mẽ ở hải ngoại cho nên nhà cầm quyền Việt Nam mới đòi Trung Quốc phải có nhiều hành vi, hành động khác đối với việc xâm phạm bằng vũ lực của Trung Hoa Cộng Sản vào lãnh hải Việt Nam.

Thưa giáo sư, giáo sư có nghĩ rằng những phản ứng và đòi hỏi từ phía chính quyền Việt Nam sẽ được Trung Quốc đáp ứng và có thể ngăn chận được những hành động bắn giết tương tự trong tương lai hay không?

Theo tôi, căn cứ trên những phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam từ trước đến nay thì không có điều gì có thể ngăn cản được họ.

Mới đây vào ngày 28 tháng 12 vừa qua, Tân Hoa xả có loan báo rằng Việt Nam và Trung Hoa đã thương thảo với nhau trong vòng đàm phán thứ 11 và đôi bên sẽ xúc tiến về phương diện ngoại giao để hợp tác khai thác vùng biển Đông. Đó là cái điều cho thấy họ sẽ tiến xa hơn nữa để nhượng bộ Trung Cộng, và đồng thời cũng tháng 12 vừa qua thì bạch thư Quốc Phòng cũng có nêu 4 điểm, và trong 3 điểm cuối cùng trong số này là hợp tác với Trung Hoa, và coi như tất cả những gì mà Trung Hoa đòi hỏi thì Việt Nam sẽ nhượng bộ hết cho Trung Hoa, kể cả việc cấm ký hiệp ước quân sự với nước ngoài cũng như cấm việc nước ngoài lập căn cứ trên đất liền của Việt Nam để thỏa mãn các quyền lợi của Trung Hoa. Vậy thì điều này có nghĩa là Việt Nam đã dành cho Trung Hoa hết nhượng bộ nọ đến nhượng bộ kia và vì vậy không có cách nào để có thể giải quyết được những tranh chấp bằng quân sự kể cả việc bắn chết các ngư dân tại Thanh Hóa.

Trong những ngày qua, người Việt, gồm đủ mọi thành phần tại Hoa Kỳ cũng như các nước khác, đã bày tỏ sự phẫn nộ về vấn đề này, ông nghĩ như thế nào về phản ứng của người Việt hải ngoại trước một sự kiện không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những người ở nước ngoài?.

Tôi thấy người Việt hải ngoại có phản ứng như vậy là hữu lý bởi vì họ luôn luôn thiết tha với dân tộc, với quê hương, với đất nước, nhưng thiết tha ở đây không thể được giải thích là thiết tha với đảng Cộng Sản mà họ chỉ thiết tha đối với dân tộc. Bởi vì việc bắt giết dân chúng vô tội, những hành vi xâm lăng một cách trắng trợn như vậy mà nhà cầm quyền Việt Nam không có một phản ứng tích cực nào để cho ngoại bang giết chóc đồng bào của mình thì đây là nổi thương tâm của người Việt hải ngoại, cho nên trong những ngày tới đây người Việt sẽ biểu tình liên tục ở trước sứ quán của Việt Cộng và sứ quán Trung Cộng, nhất là đối với sự việc liên quan đến việc bắn giết đồng bào của mình, tại thủ đô Washington và khắp nơi trên thế giới.

Cám ơn giáo sư đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.

Thưa quí vị, vừa rồi là nhận định của giáo sư Nguyển Văn Canh thuộc Viện Nghiên Cứu Hoover về Chíến Tranh Cách Mạng và Hòa Bình, liên quan đến vụ nổ súng của Hải quân Trung Quốc vào các thuyền đánh cá của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG