Đường dẫn truy cập

Bộ Lao động Mỹ nêu tên Việt Nam trong báo cáo về cưỡng bức lao động, lao động trẻ em


Lao động trẻ em và cưỡng bức lao động là những trọng tâm mà Hoa Kỳ luôn quan tâm và nỗ lực chấm dứt.
Lao động trẻ em và cưỡng bức lao động là những trọng tâm mà Hoa Kỳ luôn quan tâm và nỗ lực chấm dứt.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia châu Á bị đề cập đến trong một báo cáo mới công bố của Bộ Lao động Hoa Kỳ về tình trạng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em.

Báo cáo có tên “Danh sách hàng hóa do lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức sản xuất” do Văn phòng Quốc tế vụ (ILAB) của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 28/9 , đề cập đến những quốc gia bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đánh bắt thuỷ hải sản, trong đó có Việt Nam.

“Hoa Kỳ có trách nhiệm chấm dứt tình trạng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức nghiêm trọng”, Bộ trưởng Lao động Marty Walsh nói trong báo cáo. Chính vì vậy, sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ/Uyghur (UFLPA), Bộ này đã phát triển một chiến lược hành động nhằm “đảm bảo các doanh nghiệp và người tiêu dùng Hoa Kỳ không vô tình hỗ trợ cho các hành vi vi phạm quyền con người và quyền lao động”.

Trong báo cáo dài 116 trang của ILAB năm nay, Việt Nam bị liệt kê có các ngành nghề đang tồn tại tình trạng lao động trẻ em, bao gồm sản xuất gạch, hạt điều, cà phê, đánh bắt cá, giày dép, đồ nội thất, da, hạt tiêu, gạo, cao su, mía, chè, dệt may, gỗ, thuốc lá. Riêng ngành dệt may được xem là ngành tồn tại cả hai tình trạng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em.

“Hoa Kỳ có hai lĩnh vực họ rất quan tâm khi làm đối tác với Việt Nam, thứ nhất là quyền tự do tôn giáo, thứ hai là quyền của người lao động”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển (BPSOS) tại Hoa Kỳ nói với VOA.

Riêng về quyền của người lao động, theo TS. Nguyễn Đình Thắng, tình trạng cưỡng bức lao động và lao động trẻ em là hai trọng tâm mà Hoa Kỳ luôn “để mắt” đến thì Việt Nam “vấp vào cả hai”.

Đề cập đến việc Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em (CRC) tiến hành rà soát về việc thực thi quyền trẻ em của Việt Nam vào giữa tháng trước, TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết uỷ ban này đã nêu ra hai vấn đề liên quan đến tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam.

“Thứ nhất, luật Việt Nam định nghĩa vị thành niên là 16 tuổi là ngưỡng, trong khi luật quốc tế và những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết đều là 18 tuổi, thành ra 16, 17 tuổi theo định nghĩa quốc tế tuổi đó vẫn bị xem là lao động trẻ em. Thành ra, uỷ ban (của Liên Hiệp Quốc) khuyến cáo Việt Nam là phải thay đổi luật toàn bộ”.

Giám đốc BPSOS cho biết vấn đề thứ hai mà CRC nêu lên là Việt Nam chưa có giải trình về việc “điều tra và khởi tố thủ phạm” về lao động trẻ em.

“Thành ra cái đó nó không có ý nghĩa ngăn ngừa bởi vì những thủ phạm vẫn phây phây và họ lại tiếp tục khai thác sức lao động của trẻ em”.

Ngoài Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Bangladesh, Myanmar, Campuchia… đều bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt trong ngành đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản.

Về tình trạng cưỡng bức lao động, mặc dù Trung Quốc là nước bị “điểm mặt” trong báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ (vì hành động cưỡng bức người thiểu số Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo mà nước này gọi là “huấn nghiệp”), Việt Nam cũng bị liệt kê có tình trạng cưỡng bức lao động trong ngành dệt may.

Giải thích thêm về một số hình thức bị xem là “Cưỡng bức lao động” đã và đang diễn ra tại Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Thắng nói:

“Chẳng hạn trong một số trại gọi là ‘cải huấn’, hoặc cũng có một số trại giam sử dụng tù nhân hoặc những người trong trại cải huấn để lao động, tạo ra nguồn thu nhập cho cơ quan quản lý cho các trại giam hay trại cải huấn thì đó là vấn đề mà Hoa Kỳ rất quan tâm. Việt Nam có báo cáo với Hoa Kỳ rằng đã ngưng hình thức cưỡng bức lao động trong các trại cải huấn nhưng điều đó cần phải phối kiểm”.

“Hình thức lao động cưỡng bức tiếp theo là gửi những phụ nữ, công nhân đi lao động ở các quốc gia khác trong chương trình ‘Xuất khẩu lao động’ của nhà nước Việt Nam. Trong thời gian vừa rồi, Việt Nam bị xếp hạng 3 chính vì có rất nhiều nạn nhân của tình trạng cưỡng bức lao động, tức là họ không muốn, họ bị lường gạt, họ không chạy thoát được, họ không tình nguyện ở lại… và không làm được gì hết mà nhà nước hoàn toàn không giải cứu họ, chưa kể có hai giới chức ngoại giao ở Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út) còn can dự vào việc bốc người – là những nạn nhân đã được giải cứu – đưa họ ra rồi lại bán họ vào tình trạng cưỡng bức lao động”, TS. Nguyễn Đình Thắng, người nắm bắt thông tin chi tiết về những trường hợp bị cưỡng bức lao động ở Ả Rập Xê Út, cho biết thêm.

Báo cáo năm nay được Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố “vào thời điểm vô cùng quan trọng”, theo lời của bà Thea Mei Lee, lãnh đạo phụ trách các vấn đề lao động quốc tế của Bộ Lao động Hoa Kỳ, giữa lúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề. Vì vậy, ILAB tập trung vào việc truy tìm dấu vết của tình trạng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức “ngay ở đầu vào”, thay vì chỉ xem xét các sản phẩm bị nghi ngờ, nhằm “làm cho mọi người nhận thức rõ hơn về toàn bộ chuỗi cung ứng”, từ đó kêu gọi các chính phủ, tổ chức quốc tế và người tiêu dùng góp phần ngăn chặn và chấm dứt tệ trạng này từ gốc rễ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG