Đường dẫn truy cập

Ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử và được tô màu cho thấy một tế bào chết (màu đỏ) bị nhiễm các hạt virus SARS-COV-2 (màu vàng), còn gọi là virus corona chủng mới, được phân lập từ mẫu bệnh nhân. (National Institute of Allergy and Infectious Diseases, NIH/Handout via REUTERS)
Ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử và được tô màu cho thấy một tế bào chết (màu đỏ) bị nhiễm các hạt virus SARS-COV-2 (màu vàng), còn gọi là virus corona chủng mới, được phân lập từ mẫu bệnh nhân. (National Institute of Allergy and Infectious Diseases, NIH/Handout via REUTERS)

Viêm phổi cấp virus corona

Chủng virus corona mới có tên Covid-19, được phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Hồ Bắc miền trung Trung Quốc, khiến hàng ngàn người ở châu Á và các nơi khác nhiễm bệnh.

04:16 4.2.2020

Các nhà đầu tư đã mất trắng 393 tỷ đô la khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc vào ngày 3/2, bán tháo đồng nhân dân tệ và bán phá giá cổ phiếu, giữa lúc nỗi sợ virus corona lan rộng và tác động kinh tế của nó đã dẫn đến hậu quả nặng nề trên trong ngày đầu tiên giao dịch tại Trung Quốc kể từ Tết Nguyên Đán.

Theo Reuters, chỉ số tổng hợp Thượng Hải sụt giảm gần 8%, mức giảm trong ngày lớn nhất trong hơn bốn năm qua. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua mốc 7 đô la và cổ phiếu giao dịch ở Thượng Hải giảm đến mức đáy.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chỉ số chứng khoán tại Hàng Châu, Trung Quốc, vào ngày 3/2/2020.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chỉ số chứng khoán tại Hàng Châu, Trung Quốc, vào ngày 3/2/2020.

Tình trạng này diễn ra bất chấp ngân hàng trung ương vừa thực hiện đợt bơm tiền lớn nhất kể từ năm 2004 vào hệ thống tài chính của Trung Quốc, và có những động thái điều chỉnh rõ ràng nhằm kiềm chế việc bán tháo.

Tổng số ca tử vong ở Trung Quốc do virus corona gây ra đã tăng lên 361 vào ngày 2/2, so với 17 ca vào ngày 23/1, thời điểm diễn ra phiên giao dịch cuối cùng của thị trường Trung Quốc trước Tết.

Loại virus mới gây báo động vì nó lây lan nhanh chóng, người ta chưa biết rõ về nó và phản ứng quyết liệt của giới hữu trách có khả năng gây tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế.

Hơn 2.500 cổ phiếu giảm kịch sàn 10%. Shanghai Composite vào thời điểm đóng phiên giao dịch giảm 7,7% xuống 2.746,6, mức thấp nhất kể từ tháng 8 và mức phục hồi khiêm tốn nhất từ phiên giao dịch sớm, khi đã bị giảm xuống gần 9%.

Trước tình trạng bán tháo cổ phiếu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 173,81 tỷ USD) vào các thị trường tiền điện tử thông qua các thỏa thuận mua lại trái phiếu đảo ngược, một động thái lớn nhất kể từ năm 2004, theo các nhà phân tích của DBS.

Ngân hàng này cũng bất ngờ cắt giảm lãi suất cho các cơ sở tài trợ ngắn hạn đó xuống 10 điểm cơ bản.

Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cũng hành động để hạn chế bán tháo và kêu gọi các nhà quản lý quỹ tương hỗ không bán cổ phiếu trừ khi họ phải hoàn trả cho nhà đầu tư, các nguồn tin nói với Reuters.

“Đây là một thông điệp rõ ràng rằng họ muốn thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng và giữ cho thị trường được trấn an”, ông Mayank Mishra, một chiến lược gia vĩ mô tại Standard Chartered Bank ở Singapore, nói về động thái của PBOC.

“Họ đang quản lý tốt tình hình. Thời điểm cắt giảm lãi suất repo nhanh hơn một chút so với dự đoán của một số người. Họ muốn gửi một thông điệp rõ ràng”.

Bắc Kinh cũng cho biết sẽ giúp các công ty sản xuất hàng hóa quan trọng tiếp tục hoạt động càng sớm càng tốt, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.

Các thành phố như Vũ Hán, nơi xuất phát của virus corona, vẫn bị phong toả và Trung Quốc phải đối mặt với sự cô lập quốc tế.

Các nhà phân tích bắt đầu nghi ngờ tác động của dịch sẽ lớn hơn đợt dịch Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) năm 2002-2003.

Sự sụt giảm chứng khoán xảy ra trên khắp châu Á, đặc biệt là ở Hong Kong khiến chỉ số Hang Seng giảm 18% trong bốn tháng.

04:18 4.2.2020

Giữa lúc dịch coronavirus chủng mới (nCoV) đang lây sang nhiều người hơn ở Trung Quốc và Việt Nam, việc tỉnh Quảng Ninh cho nhập cảnh và cách ly hàng trăm người đến từ Trung Quốc ở Móng Cái đang gây ra sự bất bình trong dư luận Việt.

Cùng lúc, nhiều người cũng lên án giới buôn dược phẩm ở Hà Nội khi họ dừng bán khẩu trang để phản ứng lại biện pháp xử phạt của chính quyền đối với hành vi nâng giá mặt hàng đang khan hiếm trong đợt dịch.

Theo các báo Việt Nam hôm 2/2, trong đó có Thanh Niên và Tuổi Tẻ, chính quyền thành phố Móng Cái cho nhập cảnh nhiều người đến từ Trung Quốc.

Tuổi Trẻ viết rằng “100% người Việt Nam” nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái “phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình cách ly ngay từ khu vực cửa khẩu” để quản lý và theo dõi, giám sát sức khỏe trong 14 ngày.

Trong khi đó, Thanh Niên cho biết tính đến chiều tối 2/2, Móng Cái đã thực hiện cách ly “105 người nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam” tại các khách sạn trên địa bàn.

Các bản tin cho biết thêm chính quyền địa phương “vận động” các khách sạn bố trí nơi ăn, nghỉ “miễn phí” các đối tượng tạm trú trong thời gian cách ly.

Ngoài ra, tin cho hay, địa phương này “đã hoàn thành việc xây dựng bệnh viện dã chiến” với quy mô 500 giường.

Trước tin tức này, công luận Việt Nam trong đó có một số nhà hoạt động như các ông Nguyễn Quang A, Vũ Quốc Ngữ, Lê Dũng Vova lên tiếng chỉ trích động thái hiện thời của nhà chức trách, cho rằng cách làm như vậy là không chuyên nghiệp.

Facebooker có lượng người theo dõi đông đảo Lê Dũng Vova nhận định với VOA rằng “nhiều khả năng” là chính quyền “ép” các khách sạn phải tiếp nhận những người nhập cảnh. Ông nói việc sử dụng khách sạn để cách ly là không phù hợp.

Ngoài ra, theo ông, “bệnh viện dã chiến” mà chính quyền và báo chí đề cập đến thực ra là các lều bạt “như để làm đám cưới hoặc lễ hội”. Ông tỏ ý nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp này:

“Để làm một khu cách ly đảm bảo đủ các yêu cầu để toàn bộ du khách ra một khu riêng có hạ tầng đầy đủ thì Việt Nam hiện chưa làm được. Cho nên thông tin trên báo chí thì chúng tôi rất lo ngại vì không có kênh nào giám sát độc lập, chỉ nghe địa phương báo lại, và chúng ta không có điều kiện để xác minh được”.

Với 21 năm kinh nghiệm làm nhà thầu xây dựng và từng là tư vấn quản lý cho hãng Delta, Mỹ, ông Dũng đưa ra ý kiến rằng cách ly đúng nghĩa phải là một khu vực riêng, biệt lập, có đầy đủ trang thiết bị chuyên môn.

Vì vậy, theo ông Dũng, sử dụng các cơ sở lưu trú thông thường sẽ không có tác dụng ngăn chặn bệnh dịch, chưa kể còn gây ra gánh nặng chi phí và có nguy cơ lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên ở các khác sạn đó và cộng đồng nói chung. Ông nói:

“Những chủ tư nhân đó họ sẽ phải chịu những thiệt hại trước hết là về sự an toàn con người của họ, chủ và nhân viên các khách sạn đó và gia đình họ. Thứ hai là tiền bạc, công sức để sau này phải xử lý, tẩy dịch rồi rất nhiều thứ nữa. Còn hệ lụy sau này khách khác ở những vùng khác, khách quốc tế đến đó cũng sợ, chưa chắc đã đến các khách sạn đó. Những thiệt hại đó rất nhiều”.

Cùng với nhiều người, Facebooker Lê Dũng Vova nhắc lại lời yêu cầu nhà nước đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Ông viết trên trang cá nhân rằng nếu Việt Nam tiếp tục mở cửa khẩu để dịch lây lan rộng, tất yếu các nước “sẽ lo sợ và cô lập Việt Nam”.

Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ chịu “thiệt hại kinh tế khôn lường”, ông viết, đồng thời đưa ra tiên liệu là “Nếu mở cửa khẩu 1 tuần nữa thì thôi, hết thuốc chữa và khỏi cần nói gì thêm nữa!”

Theo quan sát của VOA, trong thông báo mới nhất của chính phủ Việt Nam qua trang Facebook chính thức vào tối 3/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo rằng các cơ quan liên quan phải cách ly tất cả những người nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua.

Chỉ thị nhấn mạnh là các trường hợp nghi nhiễm nCoV sẽ “lập tức” bị cách ly “tuyệt đối” tại các cơ sở y tế. Đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, họ “phải được coi như trường hợp mắc bệnh” và tiến hành khoanh vùng cách ly ngay, chỉ thị viết.

Việt Nam cũng đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động tập thể, tập trung đông người, các lễ hội, theo trang Thông tin Chính phủ.

Các nhà thuốc ở khu Hapulico, Hà Nội, ngừng bán khẩu trang hôm 3/2/2020
Các nhà thuốc ở khu Hapulico, Hà Nội, ngừng bán khẩu trang hôm 3/2/2020

Giữa lúc dịch bệnh gây lo lắng trong xã hội, giới buôn dược phẩm tập trung ở khu chung cư Hapulico, Hà Nội, được xem là chợ thuốc lớn nhất miền bắc Việt Nam, mới đây đồng loạt ngừng bán khẩu trang, sau khi bị nhà chức trách xử phạt vì tăng giá bán khẩu trang gấp nhiều lần.

Hành động kể trên của giới buôn làm bùng lên những lời lên án kịch liệt từ nhiều người, coi đó là sự “lợi dụng khủng hoảng để trục lợi”, “vô đạo đức”, “vô lương tâm”.

Theo mô tả của báo chí trong nước, sự việc bắt đầu từ ngày 31/1, khi hàng trăm người phải chen lấn, tranh nhau mua khẩu trang, được xem là “đã bị tiểu thương đẩy giá lên rất cao so với thông thường”. Tiếp đến, nhà chức trách xử phạt 5 quầy thuốc vì tăng giá khẩu trang “lên cao gấp hàng chục lần”. Sang ngày 3/2, nhiều quầy thuốc đồng loạt treo biển hiệu với nội dung “không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi".

Facebooker có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, doanh nhân Việt kiều Trần Quốc Quân, nhà báo tự do Lê Dũng Vova, nhà báo chính thống Mạnh Quân… bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân rằng hành vi của giới buôn tại chợ thuốc Hapulico “không chỉ sai về lí mà cả về tình”.

Ông Trần Quốc Quân, sinh sống ở Ba Lan, viết thêm rằng ở các nước dân chủ, có nền kinh tế thị trường đầy đủ - chứ không phải định hướng Xã hội chủ nghĩa - có luật rất nghiêm khắc chống độc quyền và đầu cơ.

Nhà báo kinh tế Mạnh Quân thuộc báo mạng Dân Trí khẳng định trong một bài viết trên trang cá nhân là các nhà thuốc đã sai. “Nếu đầu cơ vào những thời điểm thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh... thì nó rất nguy hiểm vì nó làm đảo lộn nền kinh tế, gây thiếu hụt giả tạo... và khiến hàng hóa đắt đỏ một cách không thể chịu đựng được”, ông phân tích.

Góp tiếng nói về vấn đề này, ông Lê Dũng Vova nhấn mạnh với VOA rằng khi người dân đang cần khẩu trang nói riêng và thuốc nói chung để chống dịch mà các nhà thuốc “gom hàng để trong kho, báo là hết rồi”, đó là sự phạm tội cả theo luật hành chính lẫn “luật lương tâm và đạo đức”.

“Kinh doanh không có đạo đức thì dẹp tiệm chỉ là sớm hay muộn”, ông nói.

Mặc dù vậy, cũng có một số tiếng nói cho rằng diễn biến của coronavirus ở Việt Nam chưa đến mức là một cuộc khủng hoảng, vì vậy, cách can thiệp của nhà chức trách vào chợ thuốc Hapulico là “phản nguyên tắc thị trường”. Nhưng những ý kiến dạng này chiếm thiểu số ít ỏi.

04:19 4.2.2020

Các quan chức y tế bang California hôm 2/2 xác nhận có 11 ca nhiễm loại virus corona mới, đang lây lan nhanh ở Hoa Kỳ, trong đó có 1 trường hợp ở quận hạt Santa Clara và 2 trường hợp khác ở quận hạt San Benito, theo Reuters.

Tại cuộc họp báo, các giới chức y tế của quận hạt Santa Clara cho biết một phụ nữ và một gia đình cô sống cùng trong quận hạt đang bị cách ly, và bản thân cô cũng đang cách ly trong căn nhà của họ, vì người phụ nữ này không bệnh nặng đến nỗi phải yêu cầu nhập viện.

Hai trường hợp khác là một cặp vợ chồng ở quận hạt San Benito, theo thông báo của cơ quan Y tế Công cộng quận hạt San Benito vào cuối ngày 2/2.

Người phụ nữ ở Santa Clara gần đây đã đi đến Vũ Hán, Trung Quốc, nơi xuất phát bệnh dịch do virus corona gây ra.

Theo các giới chức y tế, đây là trường hợp thứ hai ở Santa Clara được ghi nhận, và trường hợp này không liên quan gì đến ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Santa Clara.

Hai trường hợp khác liên quan đến một cặp vợ chồng. Người chồng gần đây đã đi du lịch đến Vũ Hán và có lẽ đã truyền bệnh cho vợ mình, cơ quan Y tế Công cộng quận hạt San Benito cho biết trong một thông báo vào cuối ngày 2/2. Theo các giới chức, không ai trong 2 bệnh nhân này phải nhập viện.

Các giới chức y tế Hoa Kỳ nói rủi ro của dịch do virus corona đối với Hoa Kỳ hiện vẫn còn thấp.

04:20 4.2.2020

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 3/2 nói rằng không cần phải có các biện pháp can thiệp “gây xáo trộn không cần thiết về du lịch quốc tế và thương mại” trong khi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona, hiện tại đã giết chết 361 người tại Trung Quốc, theo Reuters.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng và nhất quán”, ông Tedros nói với ban điều hành của WHO, nhắc lại thông điệp từ tuần trước, khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế.

Trung Quốc đang đối mặt với sự cô lập quốc tế ngày càng tăng do những hạn chế về chuyến bay đến/đi từ nước này, và lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc.

Ông Tedros cho biết đã có 17.238 ca nhiễm được xác nhận ở Trung Quốc, trong đó có 361 trường hợp tử vong; 151 ca nhiễm tại 23 quốc gia và 1 trường hợp tử vong được ghi nhận từ Philippines vào ngày 2/2.

“Nếu không có chiến lược này và không có Trung Quốc, số lượng các ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc sẽ cao hơn rất nhiều”, ông nói thêm.

Nhắc đến sự lây lan của virus ở nước ngoài, ông Tedros cho rằng mức độ hiện nay là “tối thiểu và chậm”, trong khi cảnh báo rằng nó có thể trở nên tồi tệ hơn.

Ông Tedros đã có cuộc hội đàm tại Bắc Kinh một tuần trước với Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc.

Trong khi đó, đại biểu của Trung Quốc đã “chiếm diễn đàn” Ban điều hành của WHO và tố cáo các biện pháp của một số quốc gia như từ chối không cho những người mang hộ chiếu được cấp ở tỉnh Hồ Bắc - trung tâm của dịch bệnh tại Trung Quốc – được nhập cảnh, bác thị thực và hủy các chuyến bay.

“Tất cả các biện pháp này đều chống lại khuyến nghị của WHO một cách nghiêm trọng”, Đại sứ Trung Quốc, Lý Tùng, về giải trừ quân bị tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, nói.

Đại diện thường trực của Trung Quốc trong Ban điều hành đã không thể tham dự cuộc họp sau khi chuyến bay của bà từ Bắc Kinh bị hủy bỏ, theo lời các nhà ngoại giao Trung Quốc nói với phóng viên hôm thứ Sáu.

Đại sứ Hoa Kỳ Andrew Bremberg nói rằng cần phải tập trung chú ý đến dịch bệnh đã lan ra hơn hai chục quốc gia.

“Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ, cầu nguyện, cảm thông và đánh giá cao người dân Trung Quốc và đặc biệt là những người phụ trách ứng phó về y tế ở tuyến đầu, những người đang bảo vệ không chỉ đối với cộng đồng của họ mà cho cả thế giới”, ông Bremberg nói.

“Chúng tôi đang tìm hiểu thêm về virus mỗi ngày và thực hiện các biện pháp y tế công cộng phù hợp, tuân thủ các khuyến nghị của WHO, để giảm thiểu sự lây lan dựa trên bằng chứng tốt nhất hiện có. Hoa Kỳ cam kết hợp tác với tất cả các đối tác để giải quyết nạn dịch này”, Reuters dẫn lời ông Bremberg nói thêm.

Tải thêm

XS
SM
MD
LG