Đường dẫn truy cập

Ukraine cho khu vực đòi ly khai ở miền đông quyền tự trị


Đại biểu quốc hội Ukraina hát quốc ca sau khi phê chuẩn một thỏa thuận liên kết mang tính bước ngoặt với EU, và thông qua các dự luật để dành quyền tự trị cho các khu vực đòi ly khai ở miền đông.
Đại biểu quốc hội Ukraina hát quốc ca sau khi phê chuẩn một thỏa thuận liên kết mang tính bước ngoặt với EU, và thông qua các dự luật để dành quyền tự trị cho các khu vực đòi ly khai ở miền đông.

Quốc hội Ukraine đã thông qua các dự luật để dành quyền tự trị cho các khu vực đòi ly khai ở miền đông và ân xá cho hầu hết những người dính líu tới những cuộc giao tranh hồi gần đây với các lực lượng chính phủ.

Hai luật mới, do Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề nghị, có mục đích chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 tháng làm cho đất nước bị chia rẽ.

Các nhà lập pháp Ukraine cũng phê chuẩn một hiệp định để gia tăng các mối quan hệ chính trị và kinh tế với Liên hiệp Châu Âu.

Việc cựu Tổng thống Viktor Yanukovych được Điện Kremlin hậu thuẫn bác bỏ hiệp định đó với E.U. đã làm bùng ra những vụ phản kháng dẫn tới chỗ ông bị lật đổ, Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine và hỗ trợ cho các phiến quân đòi ly khai ở miền đông.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cho biết cuộc ngưng bắn giữa chính phủ Kyiv với các phe do Nga hỗ trợ “đang mỗi ngày một căng thẳng hơn.”

Các giới chức ở thành phố Donetsk ở miền đông Ukraine cho biết một vụ pháo kích hôm chủ nhật đã giết chết 6 người và làm bị thương 15 người. Các giám sát viên ngưng bắn của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu cho biết những quả đạn đã rơi xuống cách họ chỉ có khoảng 200 mét khi họ đến kiểm tra một ngôi chợ ở Donetsk.

Người đứng đầu phái bộ giám sát của OSCE ở Ukraine, ông Alexander Hug, cho biết như sau.

"Việc xác định những quả đạn đại pháo từ đâu bắn tới là một việc rất phức tạp và hầu như không thể thực hiện. Nhưng chúng tôi có thể nêu ra trong báo cáo của mình là những quả đạn đó được bắn tới từ hướng nào. Nếu không xác nhận được điều đó thì chúng tôi chỉ nói tới loại vũ khí đã được sử dụng và do đó chúng tôi không suy đoán là ai đã thực hiện vụ tấn công bằng đại pháo hoặc những loại vũ khí tầm xa."

Tại Washington hôm thứ hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf lên án vụ pháo kích và kêu gọi hai bên “quay lại từ bờ vực.” Bà Harf cũng lên án những vụ vi phạm nhân quyền mà bà cho là Nga đã phạm ở bán đảo Crimea.

"Chúng tôi cũng rất quan tâm về những báo cáo trên diện rộng là công dân Ukraine ở Cromea bị buộc phải từ bỏ hộ chiếu Ukraine để lấy hộ chiếu Nga, và những báo cáo về những vụ vi phạm nhân quyền thường xuyên nhắm vào người Ukraine sắc tộc Tartar và những nhóm thiểu số khác cùng với những nhân vật hoạt động thân Ukraine, như giết hại, bắt đi mất tích, giam cầm và đột kích vào nhà cửa và những cơ sở kinh doanh của tư nhân."

Các giới chức Ukraine và các phiến quân đòi ly khai thân Nga đổ lỗi cho nhau về những vụ bạo động.

Moskova phủ nhận tố cáo của liên minh Nato cho rằng binh sĩ Nga đang có mặt ở Ukraine.

Tổng thống Poroshenko đã ký hiệp định với Liên hiệp Châu Âu nhưng đồng ý là sẽ hoãn việc thực thi hiệp định này cho tới cuối năm sau.

Quyết định này là một sự nhượng bộ đối với Nga, là nước đã dọa áp dụng những hành động trả đũa về mặt thương mại, gây tổn hại cho nền kinh tế của Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ tiếp kiến ông Poroshenko tại Tòa Bạch Ốc vào ngày thứ 5 tuần này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG