Đường dẫn truy cập

Ukraina hoạch định việc rút quân đội khỏi Crimea


Các công nhân lắp biển chữ mới 'Hội đồng Nhà nước Cộng hoà Crimea' tại toà nhà quốc hội ở Simferopol, 19/3/2014.
Các công nhân lắp biển chữ mới 'Hội đồng Nhà nước Cộng hoà Crimea' tại toà nhà quốc hội ở Simferopol, 19/3/2014.
Ukraina nói rằng họ đã có kế hoạch di tản tất cả các nhân viên quân sự của họ ra khỏi bán đảo Crimea. Được loan báo hôm thứ Tư, đây là hành động từ bỏ quyền kiểm soát quân sự lãnh thổ khi các dân quân thân Nga được vũ trang hùng hậu đã chiếm giữ một căn cứ quan trọng ở Crimea.

Khi loan báo việc triệt thoái này, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina, ông Andriy Parubiy, nói rằng chính phủ Kyiv sẽ mưu tìm sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc trong việc biến bán đảo này trở thành một vùng phi quân sự. Ông cũng nói rằng Ukraina sẽ duy trì các cuộc thao dượt quân sự với các đồng minh của mình. Ông không cho biết thêm chi tiêt.

Ông Parubiy đã nói như vậy nhiều giờ sau khi các dân quân thân Nga chiếm giữ các trụ sở hải quân ở cảng Sevastopol của Crimea, và một ngày sau khi chính phủ Moscow ký một hiệp định với chính quyền địa phương biến Crimea thành một phần của nước Nga.

Những người được chứng kiến nói rằng ít nhất đã có 200 người trong lực lượng tự vệ không mang vũ khí tiến vào căn cứ Sevastopol hôm thứ Tư và treo cờ Nga lên. Các nhân viên quân sự Ukraina đã không kháng cự lại và được trông thấy rời khỏi cơ sở này.

Các hãng tin Nga trích thuật các nguồn tin tại văn phòng công tố viên Sevastopol nói rằng chỉ huy trưởng hải quân Ukraina, Segei Gaiduk, đã bị “tạm giam” sau khi rời khỏi trụ sở hải quân.

Sau đó trong ngày thứ Tư, có tin cho biết một căn cứ hải quân thứ nhì cũng đã bị chiếm bởi quân đội Nga.

Hôm thứ Tư, Phó Thủ tướng Ukraina và bộ trưởng quốc phòng đã du hành từ Kyiv tới Crimea với nỗ lực giải tỏa căng thẳng, nhưng đã bị từ chối không cho vào lãnh thổ này. Các quan sát viên quốc tế cũng đã không được vào bán đảo vừa kể.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng du hành tới vúng này hôm thứ Tư. Ông sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Vào ngày thứ Năm, ông dự kiến sẽ gặp Quyền Tổng thống và Thủ tướng Ukraina tại Kyiv.

Trong khi đó, hôm thứ Tư, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nói với các thông tín viên tại Vilnius, Lithuania rằng Nga sẽ phải đối diện với “tình trạng cô lập chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng” chừng nào họ còn tiếp tục điều ông gọi là “con đường đen tối.”

Ông Biden đang tìm cách bảo đảm với các quốc gia đông Âu – trong đó có các quốc gia trong liên minh NATO thuộc vùng Baltic là Lithuania, Latvia, và Estonia—về sự tiếp tục ủng hộ của Hoa Kỳ cho các đồng minh của họ trong vùng này.

Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, và một nhóm các nhà phân tích luật pháp quốc tế nói rằng cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai của Crimea hôm Chủ Nhật được các cử tri chấp thuận với đa số áp đảo là bất hợp pháp và vi phạm hiến pháp của Ukraina.

Về phần mình, hôm thứ Ba, Tổng thống Putin đã nói với quốc hội Nga rằng, bán đảo Crimea đã luôn luôn là một phần “không thể chuyển nhượng” của nước Nga.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG