Đường dẫn truy cập

Trung Quốc rút giàn khoan, thả ngư dân Việt Nam


Tàu cảnh sát biển Trung Quốc phía trước giàn khoan dầu Hải Dương ở Biển Ðông, ngày 13/6/2014. Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận giàn khoan Hải Dương 981 ngày 15/7 đã hoàn tất công tác thăm dò ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa ‘đúng kế hoạch.’
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc phía trước giàn khoan dầu Hải Dương ở Biển Ðông, ngày 13/6/2014. Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận giàn khoan Hải Dương 981 ngày 15/7 đã hoàn tất công tác thăm dò ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa ‘đúng kế hoạch.’

Trung Quốc rút giàn khoan gây tranh cãi ra khỏi khu vực Việt Nam có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và thả 13 ngư dân Việt bị bắt giữ ở đảo Hải Nam về nước giữa những chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế lên án các hành động gây hấn của Bắc Kinh trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay xác nhận giàn khoan Hải Dương 981 ngày 15/7 đã hoàn tất công tác thăm dò ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa ‘đúng kế hoạch.’

Tập đoàn dầu khí quốc gia CNOOC của Trung Quốc loan báo rút giàn khoan về Hải Nam sau khi đã thăm dò ‘suôn sẻ’ và tìm thấy các dấu hiệu dầu khí tại vùng biển có tranh chấp. Các bước kế tiếp sẽ là phân tích những dữ kiện địa chất và đánh giá các lớp dầu khí.

Chắc chắn là khó mà có hòa bình lâu dài với Trung Quốc được, bởi vì họ khoan được 1 mũi chỗ này rồi, họ sẽ khoan mũi thứ 2 ở chỗ khác. Không phải yên đâu, rồi họ sẽ làm những việc khác nữa...
Nhà nghiên cứu Biển Ðông Dương Danh Dy.

Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam cho biết giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ đô la đang được di chuyển về tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Diễn tiến này xảy ra giữa lúc truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin 13 ngư dân Quảng Bình, Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ lần lượt hôm 23/6 và 3/7 đã được phóng thích.

Khi đưa giàn khoan Hải Dương vào khu vực Hoàng Sa hồi đầu tháng 5 năm nay, Trung Quốc thông báo kế hoạch thăm dò của Hải Dương sẽ kéo dài tới giữa tháng 8.

Chưa rõ lý do vì sao giàn khoan chấm dứt thăm dò sớm trước 1 tháng theo hoạch định giữa lúc các áp lực quốc tế đả kích Trung Quốc không ngừng gia tăng và cơn bão Rammasun đang tiến thẳng vào Biển Đông sau khi tàn phá Philippines gây thiệt mạng ít nhất 10 người.

please wait

No media source currently available

0:00 0:06:53 0:00
Tải xuống
Giáo sư Carl Thayer (trái) tại Hội nghị Biển Ðông USCIS
Giáo sư Carl Thayer (trái) tại Hội nghị Biển Ðông USCIS

Về quyết định của Trung Quốc rút giàn khoan sớm hơn dự kiến, nhà phân tích quốc tế chuyên nghiên cứu về an ninh Đông Nam Á và Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer từng công tác tại Học viện Quốc phòng Australia, nhận định:

“Bởi vì mùa mưa bão và để tránh một hành động mở ngõ. Quyết định của Trung Quốc rút giàn khoan sớm có động cơ chính trị nhằm ngăn Việt Nam tiến hành vụ kiện ra trước tòa án trọng tài Liên hiệp quốc chống lại Bắc Kinh, ngăn Hà Nội xúc tiến các bước hợp tác an ninh với Mỹ. Hơn nữa, Diễn đàn ASEAN thường niên sắp diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ đã tỏ dấu cho thấy sẽ có sách lược ngoại giao gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ luật lệ quốc tế và ngừng các hành động khiêu khích. Vì vậy, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi không khí vụ này, từ đối đầu trên biển chuyển sang hạ giảm căng thẳng. Tôi nghĩ sắp tới Bắc Kinh sẽ đẩy Việt Nam vào bàn thương lượng cấp cao để nói với thế giới rằng hãy thôi can thiệp vào vấn đề song phương giữa hai nước.”

Trung Quốc đang tìm cách thay đổi không khí vụ này, từ đối đầu trên biển chuyển sang hạ giảm căng thẳng. Tôi nghĩ sắp tới Bắc Kinh sẽ đẩy Việt Nam vào bàn thương lượng cấp cao để nói với thế giới rằng hãy thôi can thiệp vào vấn đề giữa hai nước...
Giáo sư Carl Thayer.

Trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ, Giáo sư Thayer nhấn mạnh rằng giàn khoan, chứ không phải chiến thuật bành trướng dành chủ quyền của Trung Quốc, ‘dịch chuyển’ và khuyến cáo rằng Bắc Kinh sẽ không ngừng các hành động lấn lướt đòi chủ quyền.

Tuy nhiên, ông dự đoán với các động thái mới nhất này Trung Quốc sẽ thành công trong việc ngăn ý định của Việt Nam bắt tay với Philippines kiện tụng bản đồ ‘đường lưỡi bò’ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Giáo sư Thayer nói tiếp:

“Các lãnh đạo của Hà Nội, rõ nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nói sẽ kiện Trung Quốc nhưng chờ thời điểm thích hợp. Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-la vừa qua tuyên bố việc kiện sẽ là phương án cuối cùng. Không có lý do để đâm đơn kiện nếu Trung Quốc lại mở lối các cuộc thảo luận với Việt Nam. Hà Nội có đưa vụ việc ra tòa Bắc Kinh cũng không tham gia. Vậy thì Việt Nam nếu có kiện chỉ thành công trong việc chứng minh với thế giới là họ muốn một cuộc dàn xếp quốc tế bằng các phương tiện pháp lý. Tuy nhiên, Việt Nam lưỡng lự không muốn làm điều đó vì cân nhắc lợi-hại giữa việc kiện với việc ngồi lại đàm phán với Trung Quốc để hàn gắn lại mối bang giao và vì Trung Quốc áp lực bất kỳ nước nào ủng hộ hành động kiện tụng của Philippines. Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam sẽ chọn giải pháp thương lượng với Bắc Kinh.”

Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Hà Nội từng nhiều năm làm việc ở Trung Quốc đồng ý với nhận định này.

Nhà nghiên cứu Biển Đông, Dương Danh Dy, nói với VOA Việt ngữ:

“Theo tôi, khả năng kiện Trung Quốc thì ít. Khả năng hai bên tìm cách để hòa bình với nhau thì nhiều hơn. Nói thế thôi chứ chắc chắn là khó mà có hòa bình lâu dài với Trung Quốc được, bởi vì họ khoan được 1 mũi chỗ này rồi, họ sẽ khoan mũi thứ 2 ở chỗ khác. Không phải yên đâu, rồi họ sẽ làm những việc khác nữa.”

Khi còn tại chức, nói chuyện với một số anh em ngoại giao, nhiều lúc họ bảo ‘Sao mà chúng mày thế này thế kia, đối với Trung Quốc có vẻ nhượng bộ thế?’ Tôi bảo ‘Xin mời ông làm 3 ngày láng giềng với Trung Quốc trên đất liền như chúng tôi thì các ông sẽ biết chơi với Trung Quốc mệt và khó chịu như thế nào'...
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu.

Ông Dy nói dù không thể bỏ qua các động thái xâm lược của Bắc Kinh, nhưng Việt Nam vẫn phải tìm giải pháp hòa bình, bắt tay đối thoại với Trung Quốc để có thể ‘chung sống lâu dài’ với nước bạn láng giềng Trung Quốc. Ông Dy nói:

“Trung Quốc và Việt Nam đã từng đánh nhau vỡ đầu, vỡ tai nhưng rồi vẫn phải ngồi với nhau. Làm láng giềng trên bộ với anh này khó lắm. Khi còn tại chức, tôi nói chuyện với một số anh em ngoại giao, nhiều lúc họ bảo ‘Sao mà chúng mày thế này thế kia, đối với Trung Quốc có vẻ nhượng bộ thế?’ Tôi bảo ‘Xin mời ông làm 3 ngày láng giềng với Trung Quốc trên đất liền như chúng tôi thì các ông sẽ biết chơi với Trung Quốc mệt và khó chịu như thế nào.’”

Các chuyên gia phân tích cho rằng cứ ngồi xuống đàm phán với Trung Quốc sau các động thái xâm lấn dù biết trước rằng Bắc Kinh sẽ không ngừng lấn lướt sẽ đẩy Việt Nam vào vị thế tiếp tục bị tổn hại giữa bối cảnh quan hệ với nước láng giềng ‘4 tốt’ không dễ được ‘hòa thuận’.

Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu nhận xét:

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 19/6/2014.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 19/6/2014.

“Chắc chắn là như vậy. Theo tôi dự đoán, trong một thời gian khá dài sắp tới, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, ai nghĩ đến chuyện sẽ hòa thuận, tốt đẹp, hòa hợp như xưa thì không có chuyện đó đâu.”

Tuy nhiên, vị cựu ngoại giao của Hà Nội nhấn mạnh Việt Nam chỉ thỏa hiệp vì hòa bình chứ không nhượng bộ chủ quyền:

“Những cái về chủ quyền, độc lập dân tộc thì không bao giờ Việt Nam nhượng bộ. Đứng về phương diện độc lập, chủ quyền thì không bao giờ có sự thỏa hiệp, nhượng bộ. Còn trong cuộc đấu tranh để đi đến bình thường hóa bằng biện pháp giải quyết hòa bình để sống hòa bình với nhau thì phải có nhượng bộ chứ. Nói chung trong trường hợp đó, nước nhỏ hơn, yếu hơn phải có những sự thỏa hiệp, những sự nhượng bộ.”

Trong khi đó, trên thực địa, phóng viên Reuters có mặt tại hiện trường hôm 15/7 tường thuật rằng tàu Việt Nam vẫn bị các tàu Trung Quốc truy đuổi ra khỏi khu vực gần vị trí giàn khoan ở Biển Đông trong các cuộc rượt bắt hằng ngày theo kiểu ‘mèo đuổi chuột’.

Truyền hình vệ tinh VOA Asia 15/7/2014
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG