Đường dẫn truy cập

Trung Quốc lại gây áp lực đòi đàm phán chính trị với Ðài Loan


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Ðài Loan rằng hai bên rốt cuộc phải thảo luận về các bất đồng chính trị cũ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Ðài Loan rằng hai bên rốt cuộc phải thảo luận về các bất đồng chính trị cũ.
Trung Quốc và Ðài Loan đã gác lại các sự thù nghịch chính trị trong 5 năm qua để đạt được một loạt các thỏa thuận thương mại và đầu tư, cải thiện bang giao toàn diện. Nay chủ tịch Trung Quốc đã thực hiện một cố gắng mới để mở các cuộc đàm phán chính trị nhạy cảm với Ðài Loan. Nhưng tại Ðài Bắc, một khối lãnh đạo bị suy yếu về chính trị có thể sẽ không có khả năng đạt được thành quả. Từ Ðài Bắc, thông tín viên VOA Ralph Jennings gửi về bài tường thuật sau đây.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với Ðài Loan tự trị từ hơn 6 thập niên, và trong tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với đảo quốc này rằng hai bên rốt cuộc phải thảo luận về các bất đồng chính trị cũ. Ông Tập đưa ra nhận định với một đặc sứ của Ðài Loan tại một hội nghị thượng đỉnh kinh tế khu vực ở Indonesia.

Ông Leonard Chu, một giáo sư danh dự chuyên về thông tin liên lạc và Trung Quốc tại trường Ðại học Chính trị Quốc gia ở Ðài Bắc, nói rằng áp lực từ phía Trung Quốc là điều phải được trông đợi, cũng như sự phản kháng từ phía Ðài Loan.

“Ngay từ lúc ông Ðặng Tiểu Bình còn sống, ông ấy đã nói rằng chúng ta muốn Ðài Loan trở lại và sẽ có lúc chúng ta phải ngồi xuống và nói chuyện và chúng ta không thể chỉ nói chuyện về các vấn đề kinh tế. Trước sau gì chúng ta cũng phải thảo luận các vấn đề chính trị. Ông Tập muốn thúc đẩy chiều hướng đó là điều chắc chắn, và Ðài Loan thì muốn trì hoãn.”

Trung Quốc và Ðài Loan đã nằm dưới các chính quyền riêng rẽ kể từ sau cuộc nội chiến Trung Quốc hồi thập niên 1940, khi phe Cộng sảnh đánh bại phe Quốc dân đảng. Quốc Dân Ðảng đã dời chính quyền qua Ðài Loan, cách bờ biển 160 kilomet. Trung Quốc coi Ðài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để tái thống nhất hai bên.

Nhưng lời đe doạ quân sự cuối cùng được đưa ra vào năm 2005, và 3 năm sau hai bên đã gác lại các bất đồng để ký một các hiệp định kinh tế, thương mại và đầu tư giúp nâng cao nền kinh tế Ðài Loan. Năm ngoái, 2,6 triệu du khách Trung Quốc đã đi thăm Ðài Loan, chiếm 35 phần trăm số du khách quốc tế.

Thỏa thuận mới nhất sẽ mở ra 64 khu vực dịch vụ ở Ðài Loan và 80 khu vực ở Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đang khó chịu vì cơ quan lập pháp ở Ðài Loan đã khựng lại về các chi tiết.

Nhiều người lâu nay vẫn coi thiện chí của Trung Quốc đối với các thỏa thuận kinh tế là một cuộc tấn công bằng bùa phép nhằm làm mê hoặc công chúng của đảo quốc này phải chấp nhận sự tái thống nhất chính trị chung cuộc.

Nhận định trong tháng này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc cuối cùng giải quyết các bất đồng chính trị dường như hậu thuẫn cho sự kiện ấy. Trung Quốc muốn các cuộc đàm phán bao gồm một hiệp định hòa bình, sự thừa nhận của Ðài Loan rằng hai bên cùng thuộc về một quốc gia và sự kiểm soát nhiều hơn của Trung Quốc đối với quan hệ đối ngoại của hòn đảo.

Ông Lai I-chung là phó chủ tịch của Tổ chức Nghiên cứu về Ðài Loan.

“Thái độ chính thức của Ðài Loan về quan hệ với bên ngoài sẽ nằm dưới sự theo dõi của Trung Quốc và bất cứ điều gì Ðài Loan muốn làm một cách độc lập với các thế lực bên ngoài có thể phải hội ý với Trung Quốc trước đã.”

Công chúng Ðài Loan ủng hộ các thỏa thuận có liên quan đển kinh doanh với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Các hiệp định đã giúp đem lại giao thương hai chiều với kim ngạch 121 tỷ đôla hồi năm ngoái.

Nhưng nhiều người Ðài Loan vẫn nghi ngại về các thỏa thuận chính trị có thể ảnh hưởng đến nền tự trị của hòn đảo. Tổng thống Ðài Loan Mã Anh Cửu đã gặp trở ngại vì tỷ lệ ủng hộ thấp dưới 20 phần trăm trong phần lớn năm nay. Ông không thể ra tranh cử nữa vào năm 2016 vì hạn chế về nhiệm kỳ, nhưng để giuýp cho uy thế của Quốc Dân đảng cầm quyền, ông dự kiến muốn mở rộng sự ủng hộ của dân chúng trước khi bàn về chính sự với Trung Quốc.

Ông Alexander Huang, giáo sư về nghiên cứu sách lược của trường Ðại học Tam Cương ở Ðài Loan, nói rằng ông Mã phải thận trọng nếu gặp đối tác Bắc Kinh.

“Ðiểm ủng hộ ông ngay lúc này đang ở mức khá thấp, vì thế ta không thể nói là ông không có được sự ủy nhiệm của dân chúng, nhưng ông sẽ phải cực kỳ thận trọng nếu ông định làm việc ấy. Tôi nghĩ dân chúng sẽ muốn nhìn thấy liệu trong cuộc gặp gỡ ông Mã Anh Cửu có bị đối xử ở thế thấp hơn hay không.”

Tổng thống Ðài Loan đã từ chối không đưa ra một thời biểu cho các cuộc đàm phán chính trị, và vị đặc sứ đã gặp ông Tập Cận Bình tại cuộc họp hợp tác khu vực không đưa ra thêm lời cam kết. Nhưng trước việc Trung Quốc có thể cắt bớt hỗ trợ kinh tế bằng cách giữ im lặng quá lâu, Tổng thống Ðài Loan nay đang cân nhắc liệu có đi thăm Trung Quốc và nhà lãnh đạo nước này lần đầu tiên vào năm tới hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG