Đường dẫn truy cập

Trung Quốc bênh vực thành tích nhân quyền trong lúc gia tăng đàn áp


Trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước, một số người hy vọng ông sẽ có thái độ cởi mở hơn, nhưng hy vọng đó đã tan biến vì chiến dịch đàn áp các nhà tranh đấu nhân quyền vẫn tiếp diễn.
Trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước, một số người hy vọng ông sẽ có thái độ cởi mở hơn, nhưng hy vọng đó đã tan biến vì chiến dịch đàn áp các nhà tranh đấu nhân quyền vẫn tiếp diễn.
Một cơ quan hàng đầu của Liên hiệp quốc đang xem xét thành tích nhân quyền của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền. Hồi đầu năm nay khi ông Tập Cận Bình lên nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước, một số người hy vọng ông sẽ có thái độ cởi mở hơn, nhưng hy vọng đó đã tan biến vì chiến dịch đàn áp các nhà tranh đấu nhân quyền và các luật sư vẫn tiếp tục gia tăng cường độ. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc đang trông đợi một cuộc thảo luận thẳng thắn về thành tích nhân quyền của Trung Quốc, với điều kiện là những sự chỉ trích phải có tính chất xây dựng.

Tại Geneve, Trung Quốc sẽ trình bày những sự thật về các nỗ lực và những tiến bộ trong lãnh vực nhân quyền. Chúng tôi mong nhận được những sự chỉ trích có tính chất xây dựng. Trung Quốc sẽ chấp nhận sự chỉ trích xây dựng và sẽ ra sức cải thiện nhân quyền, nhưng chúng tôi không chấp nhận những sự chỉ trích với thiên kiến và ác ý.

Đây là lần thứ nhì Trung Quốc trải qua cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và cuộc kiểm điểm này diễn ra chưa đầy một năm sau khi Bắc Kinh trải qua cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo 10 năm mới có một lần.

Khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức Chủ tịch nước hồi tháng 3, một số người hy vọng ông sẽ có chủ trương ôn hòa hơn và có thái độ cởi mở hơn, giống như thân phụ ông là ông Tập Trọng Huân, một trong những nhà lãnh đạo của Trung Quốc trước đây.

Tuy nhiên, luật sư nhân quyền Mạc Thiếu Bình cho biết chính phủ đã đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau. Ông Mạc nói rằng mặc dù ông Tập Cận Bình đã cam kết là sẽ thực thi hiến pháp và luật pháp một cách nghiêm chỉnh, nhưng những hành động của chính phủ hồi gần đây cho thấy những xu thế rất đáng lo ngại.

"Các trường đại học đã ấn định 7 vấn đề không được mang ra giảng dạy, trong đó có quyền dân sự, sự độc lập của tư pháp, tự do diễn đạt, những sự sai lầm của đảng, và những đề tài khác. Các cơ quan truyền thông nhà nước cũng không ngớt chỉ trích chủ thuyết cai trị bằng hiến pháp mà họ nói là sản phẩm của các xã hội tư bản."

Ông Giang Thiên Dũng, một luật sư nhân quyền ở Bắc Kinh, nói rằng chính phủ đang sử dụng thêm những biện pháp hà khắc để đối phó với xã hội dân sự.

"Trong tư cách là một luật sư, tôi thấy rõ những gì đang xảy ra. Tình hình bây giờ không còn giống như lúc trước! Trước đây, chúng tôi chỉ bị sách nhiễu hay bị theo dõi. Nhưng bây giờ chúng tôi bị đánh đập hoặc bị bỏ tù. Đó là một sự khác biệt rất rõ ràng."

Các nhà quan sát cho biết không phải chỉ có giới luật sư nhân quyền mới bị đàn áp.

Chính phủ ở Bắc Kinh mới đây đã phát động một chiến dịch rất hung hăng trên mạng internet. Dân chúng Trung Quốc giờ đây có thể bị bỏ tù nếu họ phổ biến trên internet những lời bình có tính chất vu khống và lời bình đó được xem hơn 5.000 lần hoặc được đăng lại hơn 500 lần. Chính phủ nói rằng chiến dịch này có mục đích loại trừ những tin đồn thất thiệt và ngăn chận ảnh hưởng tiêu cực của những thông tin như vậy, nhưng những người chỉ trích nói rằng đây là một mưu toan nhằm bóp nghẹt tiếng nói bất đồng.

Những người hô hào cho sự tham gia của công chúng vào tiến trình kiểm điểm thành tích nhân quyền của Trung Quốc cũng bị lọt vào tầm ngắm của nhà cầm quyền.

Hồi cuối tháng 9, nhà tranh đấu nổi tiếng Tào Thuận Lợi đã bị công an tại phi trường Bắc Kinh bắt đi biệt tích trong lúc bà chuẩn bị đáp máy bay đến Geneve để tham dự một khóa học về nhân quyền. Bà Tào cùng với một số nhà tranh đấu khác đã tìm cách gây sức ép đòi chính phủ để cho dân chúng được tham gia nhiều hơn vào cuộc kiểm điểm của Liên hiệp quốc.

Những người bạn của bà Tào nói rằng chính quyền còn có hành vi đi ngược với luật pháp Trung Quốc khi họ không thông báo cho gia đình bà biết bà bị bắt về tội gì và đang bị giam ở đâu.

Luật sư Giang Thiên Dũng nói rằng bám víu quyền lực là mục tiêu rốt ráo của chiến dịch đàn áp này.

"Tất cả những việc này đều liên hệ tới việc Đảng Cộng Sản không muốn chia sẻ quyền hành với người dân. Họ vẫn muốn độc quyền. Tôi tin là họ đang cảm thấy rất sợ hãi, bởi vì một khi đã thức tỉnh, thì người dân sẽ bắt đầu đòi được hưởng những quyền mà mọi người ở các nước khác trên thế giới đang được hưởng."

Các nhân vật tranh đấu ở Trung Quốc cho biết họ cũng bị đàn áp vì những nỗ lực đòi các giới chức chính phủ công khai tài sản.

Trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chủ trương kê khai tài sản của quan chức chính phủ là một chủ trương nhận được nhiều sự ủng hộ, ngay cả trong giới cán bộ đảng viên của Đảng Cộng Sản. Tại thành phố Quảng Châu, các quan chức từng cam kết là họ sẽ tham gia việc kê khai tài sản. Nhưng giờ đây, một số học giả ở Trung Quốc cho biết họ không muốn bàn tới vấn đề này vì e rằng họ sẽ bị trả đũa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG