Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên quyết thử nghiệm hạt nhân 'nhắm' vào Mỹ


Hình chụp hồi tháng 12, 2012 cho thấy hỏa tiễn tầm xa Unha-3 của Bắc Triều Tiên được phóng đi từ Tongchang-ri.
Hình chụp hồi tháng 12, 2012 cho thấy hỏa tiễn tầm xa Unha-3 của Bắc Triều Tiên được phóng đi từ Tongchang-ri.
Bắc Triều Tiên đang khuếch đại những lời tuyên bố về việc thực hiện thêm những vụ phóng hỏa tiễn và một vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Ủy hội Phòng vệ Quốc gia Bắc Triều Tiên nói rằng quốc gia cô lập này sẽ thực hiện điều mà họ gọi là “một trận chiến đối đầu toàn diện” bao gồm những vụ phóng vệ tinh và hỏa tiễn tầm xa cùng với một vụ thử nghiệm hạt nhân “ở mức độ cao hơn.” Các giới chức ở Bình Nhưỡng cũng nói rằng những hành động này sẽ nhắm mục tiêu vào kẻ thù của họ là Hoa Kỳ.

Theo suy đoán của một số chuyên gia, cuộc thử nghiệm hạt nhân ở mức độ cao hơn mà Bắc Triều Tiên đề cập tới có phần chắc là một vụ thử nghiệm bom hạt nhân uranium, thay vì bom hạt nhân plutonium mà Bình Nhưỡng đã thử nghiệm vào năm 2006 và năm 2009.

Tuyên bố của Ủy hội Phòng vệ Quốc gia, được phát đi trên đài phát thanh nhà nước ngày hôm nay, hoàn toàn bác bỏ sự lên án mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đưa ra trong một nghị quyết hôm thứ ba. Bình Nhưỡng nói rằng đó là một nghị quyết bất hợp pháp do Hoa Kỳ dựng lên.

Một xướng ngôn viên đã đọc tuyên bố của Ủy hội Phòng vệ Quốc gia và nói rằng “việc giải quyết các vấn đề với Hoa Kỳ phải được thực hiện bằng sức mạnh, chứ không phải bằng ngôn từ, vì Hoa Kỳ xem luật rừng là nguyên tắc để sống còn.”

Các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an đã áp đặt thêm các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên vì vụ phóng hỏa tiễn tầm xa hôm 12 tháng 12.

Nghị quyết này được đưa ra sau nhiều tuần thương thuyết ở hậu trường về vấn đề ngôn từ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, là nước đồng minh quan trọng duy nhất của Bắc Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Cho Tai Young nói rằng tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng là một việc vô cùng đáng tiếc.

Ông Cho nói rằng Bắc Triều Tiên nên chấp nhận những lời cảnh báo liên tục của cộng đồng quốc tế và không nên thực hiện thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào, kể cả những vụ thử nghiệm hạt nhân.

Ðịa điểm thử hạt nhân Punggye-ri ở Bắc Triều Tiên.
Ðịa điểm thử hạt nhân Punggye-ri ở Bắc Triều Tiên.
Ông Glyn Davies, đặc sứ Mỹ về các vấn đề Bắc Triều Tiên, hiện đang có mặt ở Seoul để thảo luận với các giới chức Nam Triều Tiên. Ông phát biểu như sau khi được hỏi về việc các hãng tin đã trích dẫn những tin tức tình báo để nói rằng Bắc Triều Tiên sắp sửa tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân.

Ông Davies nói: "Tôi không phải là người có thể tiên đoán họ có thử nghiệm hay không. Chúng tôi hy vọng là họ không thử nghiệm. Chúng tôi kêu gọi họ đừng làm như vậy. Đó sẽ là một hành vi khiêu khích cao độ. Việc đó sẽ gây phương hại cho những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho những vấn đề tồn tại đã lâu và đã làm cho bán đảo Triều Tiên chưa được tái thống nhất. Tôi nghĩ rằng có một điều rất quan trọng là họ không thử nghiệm."

Ông Daniel Pinkston, một chuyên gia về Đông Bắc Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng Bình Nhưỡng sẽ làm ngơ trước những lời kêu gọi của Hoa Kỳ và các nước khác.

Ông Pinkston nói: "Nhiều người nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ không thử nghiệm vì họ sẽ phải trả giá. Và chắc chắn là có những cái giá phải trả. Bình Nhưỡng hiểu được điều đó. Nhưng đứng trên quan điểm của họ thì một điều tối quan trọng là có sức mạnh và có những khả năng quân sự mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng yếu tố đó có lẽ sẽ áp đảo những sự suy tính về những cái giá phải trả hay những biện pháp chế tài. Và vì vậy tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy có một vụ thử nghiệm hạt nhân."

Bắc Triều Tiên nhất mực cho rằng vụ phóng hôm 12 tháng 12 là một hoạt động có tính chất hòa bình để đưa một vệ tinh quan sát trái đất lên quỹ đạo.

Vụ phóng đã bị cộng đồng quốc tế lên án như một sự vi phạm các biện pháp chế tài trước đó của Liên hiệp quốc, bao gồm việc cấm không cho Bắc Triều Tiên sử dụng kỹ thuật phi đạn đạn đạo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG