Đường dẫn truy cập

Trẻ em vô quốc tịch cam chịu cuộc đời vô vọng, bị phân biệt đối xử


Ảnh tư liệu cho thấy nhân viên cứu trợ người tị nạn Syria đo chiều cao của một em bé tại phòng khám y tế ở Bekaa Valley, Libăng ngày 11/3/2014.
Ảnh tư liệu cho thấy nhân viên cứu trợ người tị nạn Syria đo chiều cao của một em bé tại phòng khám y tế ở Bekaa Valley, Libăng ngày 11/3/2014.

Cơ quan tị nạn LHQ cho hay cuộc vận động toàn cầu trong 10 năm phát động cách đây một năm nhằm chấm dứt tình trạng vô tổ quốc đang đạt được tiến bộ, nhưng chưa đủ. Từ trụ sở UNHCR ở Geneva, thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật cho đài VOA.

Ước chừng 10 triệu người đã bị bỏ quên và không được coi là công dân của bất cứ nước nào. Họ là những người vô quốc tịch, và vì thế mà không được hưởng những quyền lợi kèm theo giấy khai sinh và quốc tịch.

Cơ quan tị nạn LHQ báo cáo cứ 10 phút lại có một đứa trẻ sinh ra mà không mang quốc tịch nước nào.

Trợ lý Cao ủy đặc trách Bảo vệ, ông Volker Turk nói với đài VOA rằng một đứa trẻ vô quốc tịch sẽ lớn lên mà không toàn thành được những ước vọng về một cuộc đời có ý nghĩa. Ông nói tình trạng vô quốc tịch gây tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và làm phương hại đến lòng tự trọng của đứa trẻ.

Ông Turk cho biết: “Chúng bị kẹt trong một thứ như cái vòng lẩn quẩn... bởi vì rõ ràng chúng tự so sánh mình với những đứa trẻ khác. Và chúng không hiểu được, ‘Vì sao người đó giống y như mình lại có quốc tịch, được đi học mà không có vấn đề gì, được hưởng các dịch vụ y tế mà không có vấn đề gì, mà mình lại không được như thế. Khác nhau ở điểm nào?”

UNHCR báo cáo những người trẻ tuổi không có quốc tịch còn bị phân biệt đối xử, kỳ thị và sách nhiễu, và dễ bị lợi dụng hơn.

Một người Rohingya cầu nguyện với những người khác tại nhà thờ Hồi giáo tạm trong trại dành cho những người phải di dời do bạo lực, gần Sittwe.
Một người Rohingya cầu nguyện với những người khác tại nhà thờ Hồi giáo tạm trong trại dành cho những người phải di dời do bạo lực, gần Sittwe.

​Tình trạng vô quốc tịch tồn tại ở mọi châu lục. Người ta thường trở thành vô quốc tịch khi một nước bị giải thể, như trường hợp các nước cộng hòa Xô Viết cũ, hoặc khi một nước mới lập quốc, như Nam Sudan. Phân biệt giới tính cũng đóng một vai trò, nhiều quốc gia không cho phép một người mẹ được truyền lại quốc tịch cho người con.

Ông Volker Turk nói có thể giải quyết tình trạng không có quốc tịch này.

Ông Turk nói tiếp: “Chẳng hạn, ở Bờ Biển Ngà, vấn đề vô quốc tịch trước đây đã được giải quyết thông qua việc phê chuẩn một bộ luật về quốc tịch. Nó cũng chứng tỏ nếu ta có sự quan tâm và ý chí chính trị, thì thực sự ta có thể giải quyết các vấn đề đó qua việc cấp quốc tịch cho những người đã từng cư trú ở quốc gia đó trong một thời gian lâu dài.”

UNHCR kêu gọi tất cả các quốc gia bảo đảm quyền khai sinh phổ cập, cho phép các bà mẹ truyền lại quốc tịch cho con mình, và bãi bỏ các luật lệ không cho trẻ em được hưởng quốc tịch vì lý do sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG