Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama tuyên bố sẽ ‘tiêu diệt’ nhóm Nhà nước Hồi giáo


Tổng thống Barack Obama phát biểu trước toàn quốc tại Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Washington, thứ Tư ngày 10 tháng 9, 2014.
Tổng thống Barack Obama phát biểu trước toàn quốc tại Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Washington, thứ Tư ngày 10 tháng 9, 2014.

TÒA BẠCH ỐC—Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất mở rộng đáng kể nỗ lực quân sự chống lại những kẻ chủ chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo, cam kết "nỗ lực không ngừng" để quét sạch những kẻ khủng bố khỏi "bất cứ nơi nào chúng tồn tại."

Ông Obama đề ra chiến lược mới trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp toàn quốc từ Tòa Bạch Ốc tối ngày thứ Tư, giữa lúc Mỹ và các nước đồng minh đối mặt với mối đe dọa chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ngày càng lớn ở Iraq, Syria và những nơi khác của khu vực Trung Đông và Bắc Phi đầy biến động.

Kế hoạch của ông Obama bao gồm huấn luyện và vũ trang lực lượng an ninh Iraq cũng như những chiến binh phe đối lập Syria được chọn lọc để giúp cả hai nhóm này chiến đấu chống lại những chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo, còn gọi là ISIS hoặc ISIL.

Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lại những chiến binh nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ khác với hai cuộc chiến tranh gần đây của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

"Sẽ không có sự tham gia của quân đội Mỹ chiến đấu ở nước ngoài. Chiến dịch chống khủng bố này sẽ được tiến hành thông qua một nỗ lực ổn định, không ngơi nghỉ để diệt trừ ISIL ở bất cứ nơi nào chúng tồn tại bằng cách sử dụng không lực của chúng ta và sự hỗ trợ của chúng ta cho các lực lượng đối tác trên bộ."

"Chiến lược này, diệt trừ những kẻ khủng bố đe dọa chúng ta trong khi hỗ trợ các đối tác ở tiền tuyến, là chiến lược mà chúng ta đã theo đuổi thành công ở Yemen và Somalia trong nhiều năm qua," ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ cũng nói đến khả năng mở rộng các cuộc không kích của Mỹ nhắm vào những thành trì của nhóm chủ chiến khắp biên giới Iraq vào tận Syria và chỉ ra rằng các đồng minh ở châu Âu, ở Trung Đông và ở những nơi khác sẵn sàng tham gia chiến dịch chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.

"Với một chính phủ Iraq mới thành lập, và sau khi tham vấn với các đồng minh nước ngoài và Quốc hội trong nước, tôi có thể loan báo rằng Mỹ sẽ dẫn đầu một liên minh rộng khắp để đẩy lùi mối đe dọa khủng bố này," ông Obama nói.

Mỹ cũng sẽ gửi thêm 475 quân nhân đến Iraq trong vai trò phi tác chiến để hỗ trợ lực lượng Iraq và Kurdistan, ông nói.

Liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ tăng cường hoạt động chống khủng bố để ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài đổ về nhóm Nhà nước Hồi giáo, và gia tăng viện trợ nhân đạo cho những người phải tản cư vì những kẻ chủ chiến.

Trước đó trong ngày thứ Tư, Tòa Bạch Ốc tuyên bố sẽ cung cấp 25 triệu USD viện trợ quân sự tức thì cho tân chính phủ Iraq trong một nỗ lực nhằm chiến đấu chống lại nhóm cực đoan người Sunni, đã kiểm soát những vạt lớn lãnh thổ ở phía bắc và phía tây Iraq.

Theo các nguồn tin, Ả-rập Saudi đã cam kết tham gia trọn vẹn nỗ lực này, và quân đội Mỹ sẽ huấn luyện những chiến binh của phe đối lập Syria trên lãnh thổ của Ả-rập Saudi.

Nỗ lực này phụ thuộc vào Quốc hội Mỹ có phê chuẩn 500 triệu USD cấp cho việc huấn luyện và vũ trang quân nổi dậy hay không.

Quyết định của Ả-rập Saudi được đưa ra sau khi ông Obama điện đàm với Quốc vương Abdullah, người đã hối thúc chính phủ Mỹ làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc xung đột ở Syria, trước đó trong ngày thứ Tư.

Ngoại trưởng John Kerry, hiện đang ở Baghdad, sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo khu vực trong những ngày tới.

Phản ứng về bài phát biểu của tổng thống bắt đầu gần như ngay lập tức.

"Tiêu diệt ISIS chính là vì lợi ích quốc gia của Mỹ... Chúng ta không thể ngồi yên. Tổng thống đã trình bày lý lẽ rất xác đáng," nghị sĩ đảng Dân chủ Eliot Engel cho VOA biết sau bài diễn văn.

"Tôi nghĩ rằng tổng thống đã làm rất tốt. Tôi ủng hộ ông ấy. Tối nay ông ấy đã lập luận rất thuyết phục."

Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói ông ủng hộ ý tưởng huấn luyện những chiến binh Iraq và Syria, nhưng ông "lo ngại rằng những biện pháp này có thể phải mất nhiều năm để thực thi đầy đủ vào thời điểm mà đà tiến chiếm lãnh thổ của ISIL cần phải bị chặn đứng và đảo ngược ngay lập tức."

Dù ông Obama trình bày "lý lẽ xác đáng để hành động," vẫn còn những nghi vấn về "cách thức mà tổng thống định sẽ hành động," nghị sĩ đảng Cộng hòa John Boehner nói.

Các cuộc thăm dò dư luận trong tuần này cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ hành động chống lại những kẻ chủ chiến.

Luật của Quốc hội

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ đã chuẩn bị dự luật sẽ cho phép quân đội Mỹ vũ trang và huấn luyện quân nổi dậy Syria thân phương Tây trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, theo những trợ lý thuộc đảng Dân chủ ở Thượng viện.

Lãnh đạo khối đa số Thượng viện Harry Reid cho biết ông ủng hộ trao cho Tổng thống Obama thẩm quyền tăng cường lực lượng khu vực trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

"Tôi thấy rõ là chúng ta cần phải huấn luyện và vũ trang quân nổi dậy Syria và các nhóm khác ở Trung Đông cần được giúp đỡ,'' ông Reid cho biết hôm thứ Ba.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đột ngột hủy bỏ một cuộc bỏ phiếu dự trù diễn ra vào thứ Năm về một dự luật chi tiêu ngắn hạn để cân nhắc yêu cầu được đưa ra vào phút chót của Tòa Bạch Ốc, rằng điều khoản về huấn luyện cần được nêu ra trong dự luật. Họ sẽ thảo luận về vấn đề này trong một cuộc họp khẩn vào sáng thứ Năm.

Tòa Bạch Ốc yêu cầu có "thẩm quyền huấn luyện và trang bị cho những thành phần trong phe đối lập Syria được chọn lọc phù hợp để giúp bảo vệ người dân Syria khỏi những cuộc tấn công của nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông và chế độ Syria," cũng như bình ổn những khu vực ở Syria nằm dưới quyền kiểm soát của phiến quân.

Phiến quân Syria thân phương Tây đã chiến đấu chống lại cả nhóm Nhà nước Hồi giáo và lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ông Obama đã nói với những quan chức chính phủ chủ chốt rằng ông tin mình có quyền ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công quân sự gia tăng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Tuy nhiên, ông nói với bốn nhà lập pháp hàng đầu tại một cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc hồi đầu tuần này rằng, ông sẽ hoan nghênh một cuộc bỏ phiếu chuẩn thuận để cho thấy đất nước thống nhất trong cuộc chiến chống lại những kẻ chủ chiến.

Sự ủng hộ đối với kế hoạch của tổng thống dường như đang gia tăng và các nhà lập pháp có thể biểu quyết về dự luật này trong những ngày tới.

Trong những giờ trước khi ông Obama ra phát biểu, Bộ Tài chính cho biết chiến lược của ông Obama sẽ bao gồm những nỗ lực được tăng cường nhằm làm suy yếu tài chính của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

David Cohen, Thứ trưởng Bộ Tài chính đặc trách khủng bố và tình báo tài chính, viết trong một bài blog rằng Mỹ sẽ làm việc với các nước khác, đặc biệt là các nước vùng Vịnh, để cắt đứt mạng lưới tài trợ bên ngoài và khả năng tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu của nhóm này.

Ông Obama đã triệu tập các thành viên của nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông hôm thứ Tư, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Tướng Martin Dempsey, Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, cũng như các quan chức tình báo cao cấp, Tòa Bạch Ốc cho biết.

Liên minh quốc tế

Tại Baghdad, Ngoại trưởng John Kerry cho biết ông cảm thấy được khích lệ về việc tân Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thành lập một chính phủ đa thành phần mới, cũng như về sự giúp đỡ của Iraq trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ông Kerry đã hội kiến ông Abadi vào đầu chuyến công du kéo dài một tuần ở khu vực này. Ông đang tìm kiếm sự ủng hộ mới cho chiến dịch chống lại những kẻ chủ chiến mà ông mô tả là "hiện thân của cái ác."

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết gần 40 quốc gia đang đóng góp viện trợ quân sự và nhân đạo trong cuộc chiến chống lại những phần tử nổi dậy và giúp đỡ những người bị mắc kẹt trong vòng tiến chiếm của nhóm chủ chiến ở tây bắc Iraq và đông Syria.

Pháp hôm thứ Tư nói họ sẽ tham gia không kích ở Iraq nếu cần thiết. Chính phủ Đức thông báo đã gửi súng ống, đạn dược, vũ khí chống tăng và xe bọc thép cho các lực lượng Kurdistan ở Iraq, một động thái đi ngược lại chính sách của Berlin từ chối gửi vũ khí đến vùng xung đột.

VOA Express

XS
SM
MD
LG