Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama chuẩn bị công du Châu Á


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chuẩn bị thực hiện chuyến công du Châu Á giữa lúc mối quan tâm đang gia tăng trong khu vực này về những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Những hành động hồi gần đây của Nga ở Ukraine đã làm gia tăng mối quan tâm đó vì Trung Quốc có thể xem Crimea là một khuôn mẫu để giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Ukraine dường như không dính líu gì tới những sự việc diễn ra ở khu vực Châu Á Thái bình dương, nhưng yếu tố Ukraine rõ ràng là đang làm cho các giới chức Mỹ cảm thấy lo ngại trong lúc Tổng thống Barack Obama chuẩn bị đi thăm các nước Châu Á trong tuần này.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về vấn đề an ninh ở Indonesia hồi tháng trước, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái bình dương của Mỹ, đã nói tới việc tất cả các nước trong vùng cần làm việc chung với nhau để Châu Á không xảy ra một tình huống giống như Crimea.

Trước đó trong tháng tư, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái bình dương, ông Daniel Russel, nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng các biện pháp chế tài mà Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu áp dụng đối với Nga sẽ làm nhụt chí của những người ở Trung Quốc muốn dùng Crimea như một mô thức.

Ông cũng nói rằng những chế tài này gây sức ép để Trung Quốc chứng tỏ là họ có quyết tâm theo đuổi những giải pháp hòa bình cho các vụ tranh chấp trong khu vực.

Trong hai năm qua, Trung Quốc đã không ngớt gây áp lực lên Nhật Bản trong vụ tranh chấp về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Đông Trung Hoa. Bắc Kinh đã đưa tàu tuần tra và máy bay không người lái tới vùng biển có tranh chấp để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền. Cuối năm ngoái, họ cũng đơn phương loan báo một vùng nhận dạng phòng không bao phủ những hòn đảo đang có tranh chấp.

Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chính trị học của Đại học Báp Tít ở Hồng Kông, nói rằng có một việc rất rõ ràng là Bắc Kinh muốn thay đổi hiện trạng. Nhưng ông nói thêm rằng có một sự khác biệt lớn giữa những vụ tranh chấp của Trung Quốc ở Châu Á với những gì đã xảy ra hồi gần đây ở bán đảo Crimea.

"Có một điểm là Nhật Bản là đồng minh của Mỹ. Có một hiệp ước an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản buộc Mỹ phải can thiệp. Trung Quốc biết rõ điều đó và ngày hôm nay họ còn biết rõ hơn nữa bởi vì chính phủ của Tổng thống Obama đã đưa ra một số tín hiệu rất rõ ràng, mỗi ngày một rõ ràng hơn, để Trung Quốc biết là Hoa Kỳ sẽ can dự vào bất kỳ một cuộc xung đột vũ trang nào xung quanh quần đảo Senkaku."
Một nhóm các đảo tranh chấp được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc.
Một nhóm các đảo tranh chấp được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc.

Mặc dù vậy, giáo sư Cabestan nói rằng khó lòng tiên đoán Trung Quốc có nhận được cảm hứng hay không từ những gì mà Nga đã làm ở Crimea.

Các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn trong vụ tranh chấp về những hòn đảo không người ở ở Biển Đông Trung Hoa mà họ gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Nhật Bản kiểm soát những hòn đảo này và những mưu toan đặt chân lên đảo của các nhân vật tranh đấu người Trung Quốc trong quá khứ không kéo dài được lâu.

Ông Tạ Đào, giáo sư chính trị học của Học viện Ngoại giao ở Bắc Kinh, nói rằng nếu chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn cho những cố gắng của các ngư dân hoặc những người khác để đặt chân lên những hòn đảo đang có tranh chấp trong một thời gian rồi sau đó tuyên bố có chủ quyền, sự hậu thuẫn đó có thể có phản tác dụng.

"Mọi người ai nấy đều biết là những hòn đảo đó không thể duy trì sự định cư dài hạn của con người và nếu quí vị làm như thế thì điều đó sẽ là một cái bẫy do chính phủ Trung Quốc lập ra và chỉ làm phát sinh những sự chỉ trích và lên án của quốc tế mà thôi."

Hoa Kỳ cho biết họ không ngã về bên nào trong các vụ tranh chấp, bất luận là ở Biển Đông Trung Hoa hay biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Tuy nhiên, nỗ lực của Washington nhằm tái cân bằng vị thế ở khu vực này qua việc tăng cường các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị và an ninh đã gây ra những mối lo ngại ở Trung Quốc.

Một số người Trung Quốc xem chiến lược của Mỹ, được gọi là “xoay trục Châu Á”, là một mưu toan nhằm kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ cũng cho rằng những hành động của Washington làm cho các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực trở nên táo bạo hơn và làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn nữa.

Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Obama lên đường đi Châu Á, Nhật Bản đã loan báo quyết định nới rộng sự hiện diện quân sự bằng cách bố trí binh sĩ và ra đa trên một hòn đảo gần khu vực có tranh chấp ở Biển Đông Trung Hoa.
Nhật Bản sẽ là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước Châu Á của Tổng thống Obama.
Nhật Bản sẽ là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước Châu Á của Tổng thống Obama.

Trung Quốc nói muốn giải quyết những vụ tranh chấp trong khu vực bằng đường lối hòa bình và tố cáo Nhật Bản cố tình thổi phồng những mối đe dọa để biện minh cho kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự.

Nhật Bản sẽ là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước Châu Á của ông Obama. Sau khi rời Tokyo, ông sẽ đi thăm Nam Triều Tiên cùng với hai nước ở Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc là Philippines và Malaysia.

Năm ngoái, một vụ chính phủ đóng cửa ở Washington buộc Tổng thống Obama hủy bỏ kế hoạch tham dự hộïi nghị thượng đỉnh APEC ở Indonesia. Giáo sư Cabestan nói rằng chuyến công du năm nay là một phần của nỗ lực nhằm thực hiện những công việc còn dang dở.

"Ông Obama muốn sửa chữa cho việc ông không đến thăm, không tham dự thượng đỉnh APEC ở Indonesia hồi mùa thu năm ngoái. Việc đó đã tạo ra một số cảm giác bất bình và bất an ở Châu Á, đặc biệt là trong số các nước đồng minh của Mỹ, bởi vì nó làm cho Trung Quốc thừa dịp để giành lấy vai trò chủ động."

Giáo sư Tạ Đào cho biết Bắc Kinh đang theo dõi sát những gì ông Obama sẽ làm để trấn an các đồng minh trong vùng vì Trung Quốc muốn biết phải chăng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đóng vai của một người xây dựng hòa bình qua việc thúc đẩy cho ổn định của khu vực hay là ông sẽ tìm cách lợi dụng những nhận thức tiêu cực về Trung Quốc.

"Tôi mong là ông ấy sẽ làm những việc để xóa tan những sự nghi ngờ của Trung Quốc, để chứng tỏ ông ấy không tới đây để tìm cách bao vây Trung Quốc."

Ông Tạ Đào nói thêm rằng một trong những đáp số chính của vấn đề này sẽ được tìm thấy ở Malaysia. Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Malaysia trong vòng gần nửa thế kỷ. Chuyến viếng thăm diễn ra trong lúc quan hệ giữa Kuala Lumpur với Bắc Kinh có nhiều căng thẳng sau khi chuyến bay MH 370 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích hồi tháng trước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG