Đường dẫn truy cập

Tối cao Pháp viện Mỹ bác bỏ một phần quan trọng của Luật Dân quyền


Các đại diện của quỹ Giáo dục và Bênh vực Pháp lý của Hiệp hội Quốc gia về sự Thăng tiến của những Người Da màu NAACP bên ngoài tòa nhà Tối cao Pháp viện ở Washington, 25/6/2013. (AP Photo/J. Scott Applewhite)
Các đại diện của quỹ Giáo dục và Bênh vực Pháp lý của Hiệp hội Quốc gia về sự Thăng tiến của những Người Da màu NAACP bên ngoài tòa nhà Tối cao Pháp viện ở Washington, 25/6/2013. (AP Photo/J. Scott Applewhite)
please wait

No media source currently available

0:00 0:07:48 0:00
Tải xuống

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba 25 tháng 6 bác bỏ một điều khoản quan trọng trong Đạo luật về Quyền Bỏ phiếu năm 1965, một trong những đạo luật về dân quyền có ý nghĩa nhất Quốc hội đã thông qua. Luật được soạn thảo để bảo đảm quyền của các cử tri người thiểu số nhưng những người chỉ trích đã biện luận là một số khía cạnh của luật đã trở nên không hợp thời. Trong câu chuyện nước Mỹ tuần này, mời quý thính giả theo dõi phản ứng của một số nhà lập pháp Mỹ cũng như các tổ chức nhân quyền về quyết định này của Tối cao Pháp viện qua bài viết của Thông tín viên Đài VOA Jim Malone và Cindy Saine.

Với sự khác biệt quan điểm có tính chất truyền thống giữa phe bảo thủ và phe tự do, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ một phần quan trọng của Luật Quyền Bỏ phiếu, với sự tán đồng của năm vị thẩm phán và sự chống đối của bốn vị thẩm phán. Ý kiến của đa số do Chủ tịch Tối cao Pháp viện John Robert viết nêu rõ là luật căn cứ vào dữ liệu cách đây 40 năm không phản ánh những thay đổi căn bản đã diễn ra trong nước.

Luật được ban hành vào năm 1965 để giải quyết những vấn đề nổi cộm, chủ yếu là tại tám tiểu bang miền Nam, nơi những người Mỹ gốc châu Phi thường xuyên bị cấm bỏ phiếu. Luật này đặt ra những tiêu chuẩn để liên bang theo dõi chặt chẽ việc bỏ phiếu và kể từ đó được Quốc hội gia hạn vài lần.

Phán quyết mới nhất của Tối cao Pháp viện hủy bỏ một phần của luật ấn định công thức cho vấn đề tiểu bang và địa phương nào phải thay đổi thủ tục bầu cử. Tuy nhiên Tối cao Pháp viện không hủy bỏ một phần khác của luật đòi hỏi các tiểu bang và địa phương phải được liên bang chấp thuận trước về bất cứ những thay đổi nào các tiểu bang có thể muốn thực hiện.

Bà Sherrilyn Ifill (ngoài cùng bên phải)
Bà Sherrilyn Ifill (ngoài cùng bên phải)
Các tổ chức dân quyền không hài lòng về phán quyết này. Bà Sherrilyn Ifill thuộc quỹ Giáo dục và Bênh vực Pháp lý của Hiệp hội Quốc gia về sự Thăng tiến của những Người Da màu NAACP nói với các phóng viên trước Tối cao Pháp viện:

“Chúng tôi thất vọng sâu sắc về phán quyết của Tối cao Pháp viện ngày hôm nay. Đừng nhầm lẫn về những gì đã xảy ra. Tòa án đã quyết định cơ quan này có một vị thế tốt hơn Quốc hội để quyết định về việc bảo vệ không bị kỳ thị trong việc bỏ phiếu như thế nào.”

Phán quyết của Tối cao Pháp viện để cho Quốc hội tùy ý thay đổi phần của luật mà Quốc hội xem là không còn hợp thời nữa.

Tòa Bạch Ốc đưa ra một tuyên bố nói rằng Tổng thống Barack Obama thất vọng vì phán quyết này và kêu gọi Quốc hội đảm bảo là tất cả công dân Mỹ có quyền bình đẳng trong việc bỏ phiếu.

Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder nói luật vẫn là một dụng cụ có ích để chặn đứng những sự kỳ thị trong việc bỏ phiếu:

“Những vấn đề này không thuộc về quá khứ. Những vấn đề này tiếp tục tồn tại. Ảnh hưởng của chúng là có thực. Đây là những vấn đề thuộc ngày hôm nay, không phải của ngày hôm qua, và chúng xói mòn nền tảng của nền dân chủ của chúng ta.”

Những tổ chức bảo thủ hoan nghênh phán quyết của Tối cao Pháp viện. Ông David Almasi, giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách Công tại Washington nói:

“Trở lại năm 1965, một người đàn ông da đen bình thường tại Hoa Kỳ không thể bỏ phiếu vì có nhiều việc chặn đường họ và có những cản trở khác nhau đối với việc bỏ phiếu của họ. Hiện nay, chúng ta đã có một Tổng thống da đen và chúng ta đã có những người da đen trong những lãnh vực được xem như là có kỳ thị trong những năm 1965. Chúng ta có những người da đen nắm giữ những chức vụ và việc này rất phổ biến. Chúng ta đang sống trong một thế giới khác hơn nhiều và đây là điều phải được cân nhắc.”

Ông Almasi cũng không tin là Quốc hội sẽ nhanh chóng tiến hành việc cập nhật hóa Luật về Quyền bỏ phiếu vì hiện nay đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện.

“Chúng ta đang nhìn vào một số vấn đề có khả năng xảy ra vì đây là một vấn đề nóng hổi và Quốc hội có khuynh hướng không muốn đối phó với những vấn đề nóng bỏng. Tôi nghĩ mọi người cần thấy được rằng đây là một thế giới không giống như những năm 1965.”

Quyền bỏ phiếu là một trong những vụ kiện được theo dõi chặt chẽ trong khóa họp này của Tối cao Pháp viện. Tối cao Pháp viện sẽ kết thúc khóa họp thường niên với hai phán quyết về hôn nhân đồng tính được nhiều người mong đợi.

---------------------------------------------------

Trong khi đó, một số nhà lập pháp Dân chủ, vài người trong số này thuộc Nhóm các nhà lập pháp da đen, cho biết họ rất thất vọng đối với phán quyết của Tối cao Pháp viện. Thông tín viên Đài VOA tại Quốc hội Cindy Saine tường trình rằng các thành viên trong Quốc hội thuộc người da đen, người Châu Mỹ La Tinh, châu Á-Thái Bình Dương đã tổ chức một cuộc họp báo để bày tỏ thất vọng vì phán quyết hôm thứ Ba của Tối cao Pháp viện. Tối cao Pháp viện nói một phần của luật dựa trên những dữ kiện đã có trước đây 40 năm và không phản ánh thực tế hiện nay. Dân biểu John Lewis, một biểu tượng dân quyền bị đánh đập tàn nhẫn trong một cuộc tuần hành về quyền bỏ phiếu vào năm 1965 nói việc bảo vệ quyền bỏ phiếu vẫn rất cần vào lúc này.

“Ngày hôm nay Tối cao Pháp viện đã đâm vào tim của Luật Quyền Bỏ phiếu 1965. Tối cao Pháp viện nói lịch sử không lập lại, nhưng tôi nói ‘hãy đến đây và đặt mình vào vị trí của tôi.’”

Dân biểu Dân chủ Marcia Fudge chỉ ra rằng có 22 luật mới được đề nghị vào năm 2012 hạn chế quyền bỏ phiếu. Một số liên hệ đến việc yêu cầu cử tri phải đưa ra những loại giấy tờ chứng minh lý lịch có hình. Bà nói bà tin là điều khoản qui dịnh một số tiểu bang cần theo dõi chặt chẽ nên được nới rộng chứ không phải bãi bỏ.

Ông Mitch McConnell
Ông Mitch McConnell
Phản ứng của những người có thể ủng hộ phán quyết của Tối cao Pháp viện là im lặng và dè dặt. Lãnh tụ khối Cộng hòa thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nói ông chưa có dịp đọc văn bản trình bày quan điểm đa số của Tối cao Pháp viện:

“Nhưng tôi có thể nói là tôi nghĩ nước Mỹ ngày nay rất khác với nước Mỹ của những năm 1960.”

Dân biểu Cộng hòa Todd Rokita bang Indiana nói ông tin phán quyết này là sự khẳng định về những tiến bộ lớn mà nước Mỹ đã đạt được.

Dân biểu Dân chủ Judy Chu tiểu bang California kêu gọi các thành viên Quốc hội đoàn kết với nhau để làm việc phải:

“Tôi yêu cầu mỗi thành viên Quốc hội không kể đảng phái cùng với chúng tôi đảm bảo là Quyền Bỏ phiếu vẫn là cột trụ của nền dân chủ kể từ khi được khai sinh.”

Một số nhà phân tích bày tỏ sự nghi ngờ là Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ có thể có được hành động lưỡng đảng để soạn thảo lại điều khoản về Quyền Bỏ phiếu. Trong tuần qua, Hạ viện đã không thể thông qua Luật Giúp đỡ Nông dân, một đạo luật trước đây thường được thông qua một cách rất dễ dàng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG