Đường dẫn truy cập

Tòa tối cao Thái Lan cho phép xét xử hình sự bà Yingluck


Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, tại Quốc hội ở Bangkok, ngày 22/1/2015. Hiện có những tin đồn là bà Yingluck có thể trốn ra nước ngoài để khỏi bị tù như anh của bà, ông Thaksin Shinawatra.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, tại Quốc hội ở Bangkok, ngày 22/1/2015. Hiện có những tin đồn là bà Yingluck có thể trốn ra nước ngoài để khỏi bị tù như anh của bà, ông Thaksin Shinawatra.

Ngày hôm nay, Tòa án Tối Cao Thái Lan phán rằng vụ xét xử hình sự đối với Thủ tướng được bầu lên lần cuối cùng của nước này có thể được tiến hành. Nếu bị kết tội, bà Yingluck Shinawatra có thể bị tù 10 năm. Thông tín viên Đài VOA Steve Herman tại Bangkok tường trình là những người ủng hộ bà xem đây là một phần của mục tiêu của phe quân đội là loại trừ gia đình Shinawatra ra khỏi chính trường Thái Lan.

Tòa án Tối Cao Thái Lan đã ấn định ngày 19 tháng 5 là ngày xét xử đầu tiên của vụ truy tố hình sự đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Tòa án khi chấp nhận vụ truy tố của văn phòng Bộ Tư pháp đã tuyên bố toà có thẩm quyền xét xử trường hợp này.

Bà Yingluck bị buộc phải rời khỏi chức vụ một ít lâu sau cuộc đảo chánh của quân đội hồi năm ngoái. Bà bị cáo buộc sao nhãng nhiệm vụ có liên hệ đến việc hứa mua gạo của nông dân với giá cao. Chính phủ của bà trả giá lúa của nông dân cao gấp hai lần giá thị trường.

Dự án này được những người ủng hộ bà tại nông thôn miền bắc hoan nghênh. Những người này bao gồm phong trào Áo Đỏ, đối nghịch với những người Áo Vàng, được giới trung lưu Bangkok và những người bảo hoàng ủng hộ.

Kế hoạch trợ cấp giá gạo là cớ để Quốc hội do hội đồng quân nhân chỉ định kết tội bà Yingluck Shinawatra vào tháng 1 năm nay-một động thái nhằm tự động cấm bà không được tham gia chính trị trong 5 năm.

Nếu bị kết án hình sự, bà Yingluck có thể phải ngồi tù nhiều năm quá thời hạn 5 năm này.

Phó giáo sư Pavin Chachalvalpongpun, trường đại học Kyoto nói chuyện với Đài VOA từ Kuala Lumpur, Malaysia cho rằng vụ này là cách để quân đội biện minh cho việc lên nắm giữ quyền hành và lệnh của Tòa án Hiến pháp buộc bà Yingluck phải từ chức trước cuộc đảo chánh.

“Tuy nhiên tôi nghĩ là việc này khá nguy hiểm vì cũng có thể phản tác dụng chống lại Hội đồng quân nhân. Vì càng ngày càng có nhiều người xem đây là một trường hợp bất công, phân biệt đối xử.”

Giáo sư Pavin thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Đông Nam Á của trường đại học Kyoto và bị hội đồng quân nhân Thái Lan xem như là một người đang bị truy nã nói bà Yingluck chắc chắn sẽ không được xét xử công bình. Ông cho rằng ngành tư pháp Thái Lan đã bị chính trị hoá một cách mạnh mẽ kể từ năm 2008 khi anh của bà Yingluck là Thủ tướng Thaksin bị kết án về tội tham nhũng hai năm sau khi một cuộc đảo chánh chánh lật đổ ông.

Hiện có những tin đồn ngày càng tăng là bà Yingluck có thể trốn ra nước ngoài để khỏi bị tù như anh của bà. Giáo sư Pavin nói hội đồng quân nhân và tòa án có thể không màng đến việc bà Yingluck bỏ trốn.

“Xét đến việc bà Yingluck vẫn còn được nhiều người mến chuộng và bất cứ những bản án nặng nề nào đối với bà cũng có thể làm tăng mức ủng hộ bà trong những người Áo Đỏ không có lợi cho chính phủ quân nhân. Trong thâm tâm của quân đội và các thẩm phán thì việc bà bỏ trốn như anh bà là điều họ mong muốn.”

Bà Yingluck vẫn cương quyết nói rằng bà sẽ ở lại nước để tranh đấu chống lại những cáo buộc đối với bà.

Gia đình Shinawatra, hay những đảng phái chính trị được họ hậu thuẫn, đã thắng tất cả các cuộc bầu cử tại Thái Lan kể từ năm 2001.
Thủ tướng hiện nay, tướng hồi hưu Prayuth Chan-ocha, lãnh đạo Thái Lan kể từ cuộc đảo chánh tháng 5 năm 2014, hứa tổ chức bầu cử, có lẽ đầu năm tới-một khi hiến pháp mới được thi hành và những cải cách được thực hiện.

Tuy nhiên, có những điều người dân không bằng lòng về những hạn chế các đảng phái chính trị trong dự thảo hiến pháp và Thủ tướng Prayuth đã bày tỏ sự giận giữ của ông đối với những chỉ trích, cảnh báo là bất đồng chính kiến có thể làm trì hoãn việc trở lại thể chế dân chủ.

Vương quốc Thái Lan hiện trong tình trạng thiết quân luật theo đó hội đồng quân nhân được phép bắt giam không cần trát toà.

Những người chống đối hội đồng quân nhân cáo buộc hội đồng dùng thiết quân luật vào những động cơ chính trị. Tuy nhiên những cuộc biểu tình về những quan ngại này ít có người tham dự và không thường xuyên, vì cảnh sát và quân đội nhanh chóng ập đến các địa điểm biểu tình để đàn áp những những người bất đồng chính kiến ôn hoà.

Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch ngày hôm qua kêu gọi hội đồng quân nhân chấm dứt các việc bắt giữ bí mật của quân đội. Tổ chức này nói kể từ cuộc đảo chánh năm 2014, hội đồng quân nhân đã bắt giam hàng trăm chính trị gia, các nhà hoạt động, nhà báo và những người bị cáo buộc ủng hộ chính phủ đã bị lật đổ, không tôn trọng hay xúc phạm hoàng gia hay liên hệ đến những cuộc biểu tình và những hoạt động chống đảo chánh.

Vua Bhumibol được dân chúng Thái Lan tôn sùng hiện đã 87 tuổi và sức khoẻ đã suy kếm trong nhiều năm qua. Thái tử kế vị Vajiralongkorn, 62 tuổi, không được tôn trọng như vua cha là người trị vì lâu nhất thế giới hiện nay.

Những cuộc thảo luận công khai về hoàng gia không được dung thứ theo luật khi quân khắc nghiệt của Thái Lan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG