Đường dẫn truy cập

Thư Xuân Ất Mùi 2015: Xuân tự do, dân chủ và thịnh vượng cho Việt Nam


Kính thưa quý vị và quý bạn trong và ngoài nước,

Trước thềm Xuân Ất Mùi, xin kính chúc quý quý vị và quý bạn trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà một Xuân mới 2015 vạn sự như ý, an khang thịnh vượng và gia đình hạnh phúc. Đặc biệt chúc tất cả bà con Việt Nam trong nước sớm được hưởng trọn vẹn những quyền căn bản và thiêng liêng nhất của con người như các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do lập đảng, lập hội, tự do sinh hoạt chính trị, tự do kinh doanh, tham gia phát triển đất nước cường thịnh, xã hội đa nguyên, dân chủ, công bằng, bác ái và tiến bộ.

Cách đây gần 70 năm, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, long trọng tuyên bố: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" – Đây là một ý tưởng mà Hồ Chí Minh đã vay mượn trực tiếp từ bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Cũng trong bản Tuyên ngôn Độc lập đó, ông Hồ tố cáo: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta… Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng… Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn…”

Nhưng điều mà ai cũng có thể thấy rõ là gần 70 năm sau, ước mơ được sống tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Đảng CSVN đã đưa đất nước ta hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, biến hàng triệu thanh niên thành những chiến sỹ của quốc tế cộng sản với cao vọng nhuộm đỏ Đông Dương theo chủ nghĩa Mác - Lê. Với một chế độ độc tài, độc đảng, chuyên quyền và một ban lãnh đạo yếu kém, vô trách nhiệm, suy đồi đạo đức, họ đã làm băng hoại nền chính trị, giáo dục và văn hóa nước ta, cản trở phát triển kinh tế, gây quốc nạn tham nhũng mọi nơi, tiến hành xét xử oan sai, bắt bớ những người yêu nước lên tiếng vì tiền đồ dân tộc, tước đoạt đất đai, nhà cửa ruộng vườn của nhân dân do cha ông từ bao đời để lại, và tạo nên một xã hội đầy rẫy bất công, tội ác tràn lan.

Sau khi đất nước thống nhất, thay vì lo hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung xây dựng thì Đảng CSVN đã thực hiện chính sách đàn áp, tù đày, ngược đãi đồng bào miền Nam ta, đẩy hàng triệu người Việt ra biển tìm tự do, trong số đó có trên 250 000 người đã bỏ thây trên biển cả hoặc trong vùng rừng sâu, nước độc. Bằng chính sách trả thù, họ giam cầm quân cán chính VNCH trong những trại cải tạo khổng lồ trên khắp mọi miền đất nước. Đôc ác hơn nữa, họ còn dùng chính sách “lý lịch” để chia rẽ nhân dân, không cho con em của một số lớn người dân miền Nam có cơ hội học hành, tiến thân trong xã hội mới. Về chính trị, họ tước hết mọi quyền tự do, dân chủ của người dân. Bằng điều 4 Hiến pháp từ năm 1980, họ chủ trương độc tôn, độc quyền lãnh đạo nhà nước. Họ triệt tiêu các đảng phái chính trị, trong đó có cả hai Đảng Xã Hội và Đảng Dân Chủ đã từng sát cánh tham chính với họ từ năm 1945. Về kinh tế, với chính sách ngăn sông cấm chợ, quốc hữu hóa phương tiện sản xuất và kế hoạch hóa duy ý chí, không tưởng, họ bóc lột thậm tệ nhân dân ta, làm nhân dân ta nghèo nàn, kiệt quệ, thiếu thốn, khốn khổ trăm điều. Khi thất bại, họ thay đổi chính sách, chuyển sang độc quyền kinh tế xuất nhập khẩu, kiểm soát các ngành kinh tế trọng điểm và siêu lợi nhuận, cấu kết với tài phiệt ngoại bang khai thác cạn kiệt tài nguyên quốc gia, bóc lột tận xương tủy người lao động với đồng lương thấp, ngăn cấm công nhân thành lập nghiệp đoàn độc lập, tự do để bảo vệ quyền lợi. Đối với nông dân, họ cướp đoạt ruộng vườn, nhà cửa, mồ mã ông bà để đem bán làm sân golf, đẩy hàng triệu nông dân trở thành những người thất nghiệp, phải sống chen chúc ở những đô thị lớn để tìm kế sinh nhai. Họ đặt ra muôn vàn thứ thuế, làm cho nhân dân ngày càng thêm khốn khó.

Tuy nhiên do tình hình chính trị thế giới và khu vực đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ và quyết đoán hơn của Trung Quốc, Đảng CSVN đang vô cùng lo ngại cho sự tồn vong của chế độ, buộc họ phải có những đối sách mới. Một mặt, họ tìm cách hòa hoãn với Trung Quốc, mặt khác họ cố thắt chặt mối quan hệ mới với Hoa Kỳ và Phương Tây để đối trọng Trung Quốc. Họ thừa hiểu rằng nội bộ của họ đã bị chia rẽ trầm trọng. Xu thế chung của nhiều đảng viên tiến bộ, thức thời và cũng là nguyện vọng chung của nhân dân Việt Nam là cần có gấp một cuộc đại phẩu thuật thể chế chính trị hòng cứu nguy dân tộc trước viễn ảnh nô lệ. Thay đổi hay là chết là mệnh lệnh của thời đại. Một hệ thống chính trị đa đảng, tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và một thể chế tam quyền phân lập, thượng tôn pháp luật sẽ là bước đầu tiên trên chặng đường dài và khó khăn để Việt Nam tiến đến thịnh vượng.

Sẽ không có nhà dân chủ Việt Nam nào nuôi ảo tưởng rằng đa đảng, tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và tam quyền phân lập có thể giải quyết ngay bài toán Việt Nam. Họ đều có chung nhận thức rằng có một số quốc gia trên thế giới tuy theo thể chế tam quyền phân lập và đa đảng nhưng vẫn bị coi là chính thể độc tài, điển hình như Indonesia của Suharto và Philippines của Ferdinand Marcos trước đây, hay như Zimbabwe của Mugabe, Campuchia của Hun Sen, hay Liên bang Nga của Putin hiện nay. Tuy nhiên, họ có chung một niềm tin tuyệt đối, đó là dân chủ là một tiến trình lâu dài. Và ít nhất là cho đến hôm nay, mặc dù dân chủ còn chưa hoàn hảo nhưng nó vẫn là một thể chế chính trị tốt hơn các chế độ độc tài, độc đảng. Điều đó cũng chứng minh con đường đi đến một nền dân chủ tự do đích thực là một chặng đường đầy cam go; và một nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản toàn trị hoàn toàn có thể bị rơi vào một chính thể độc tài cá nhân, như Campuchia hay Nga chẳng hạn.

Trong bối cảnh Việt Nam, lộ trình dân chủ hoá đất nước nên tuần tự theo các bước sau, và điều quan trọng nhất là các tác nhân nên hiểu rõ vai trò, vị thế và những việc mình cần phải làm.

Thứ nhất, Đảng CSVN cần lên kế hoạch cụ thể về lộ trình dân chủ hoá đất nước như sau:

- Tiếp tục mạnh dạn trả tự do cho các tù nhân chính trị và những người bất đồng chính kiến đang bị giam cầm.

- Cho phép thành lập các đảng phái chính trị ở Việt Nam.

- Khẩn trương ban hành Luật về Hội bất vụ lợi để điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, một nền tảng quan trọng của trật tự xã hội tự do, dân chủ.

- Tổ chức bầu cử tự do để bầu Quốc hội lập hiến với sự tham gia của tất cả các chính đảng để soạn thảo Hiến pháp mới.

- Tổ chức bầu cử tự do để bầu Quốc hội lập pháp sau khi Hiến pháp được thông qua để điều hành đất nước.

Thứ hai, để thực hiện thành công tiến trình này, cộng đồng những người đấu tranh cho tự do, dân chủ của Việt Nam trong và ngoài nước cần minh bạch, vạch ra cương lĩnh chính trị và chương trình hành động cụ thể để tập hợp lực lượng, chứ không thể cứ nói suông là đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền.

Và thứ ba, như chúng ta có thể thấy được qua hai thí dụ điển hình của Nam Phi và Miến Điện, đó là con đường hòa giải giữa các lực lượng thù địch vì mục tiêu chung: “Xây dựng và bảo vệ một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân bản, tiến bộ và cường thịnh.” Chúng ta không thể nào nói đến tương lai chung nếu như chúng ta không có khả năng giảng hòa với quá khứ. Và muốn giảng hòa với quá khứ, chúng ta cần hiểu rõ quá khứ. Để thực hiện, chúng ta cần có một Uỷ ban Quốc gia “Ánh sáng và Sự thật” để giúp tất cả chúng ta có cơ hội nhìn lại lịch sử một cách khách quan hơn về những gì đã xảy ra, đồng thời giúp chúng ta thanh thản tiến về phía trước.

Trên đây là vài lời tâm sự chia sẻ với quý đồng bào. Thiết nghĩ Tết luôn là cơ hội để mọi người chúng ta tự nhìn lại chính mình trong năm qua cũng như hoạch định cho năm mới. Tết cũng là cơ hội để mọi người chúng ta, anh em, họ hàng, bè bạn gặp gỡ, chia sẻ với nhau, hàn gắn những đổ vỡ nếu có, hoặc lên kế hoạch cùng nhau hợp tác. Trong tinh thần đó, rất mong quý đồng bào trong và ngoài nước hãy cùng nhau vì quyền lợi tối thượng của Việt Nam mà mạnh dạn dấn thân trên con đường hòa giải để cùng nhau chung sức xây dựng quê hương. Hãy cùng nhau cầu nguyện cho Việt Nam luôn được thanh bình, phát triển và thịnh vượng. Chúc mừng xuân tự do, dân chủ và thịnh vượng cho mọi người, mọi nhà Việt Nam trong và ngoài nước.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Vũ Đức Khanh

    Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.
XS
SM
MD
LG