Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Thái kêu gọi thương thuyết, người biểu tình tiếp tục gây áp lực


Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong một cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Quân đội tại Bangkok.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong một cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Quân đội tại Bangkok.
Sóng gió chính trị ở Thái Lan vẫn tiếp tục hôm thứ Năm khi những người biểu tình ở bên ngoài phủ thủ tướng cắt điện văn phòng của bà Yingluck tại thủ đô. Trong khi đó, bà Yingluck Shinawatra đang ở Chiang Mai, cứ địa của đảng của bà, để kêu gọi thương thuyết nhằm giải quyết vụ khủng hoảng kéo dài nhiều tuần lễ. Thông tin viên Steve Herman tường trình cho đài VOA từ Bangkok.

Thủ tướng Thái Lan, người đang phải vật lộn để giữ chiếc ghế quyền lực của bà cho đến kỳ bầu cử năm tới, đã đề nghị tổ chức một hội nghị toàn quốc vào Chủ Nhật để bàn về vấn đề cải cách chính trị.

Tuy nhiên, lực lượng đối lập chính là Ủy ban Nhân dân Cải cách Dân chủ nhanh chóng tỏ ý không tham gia và nói rằng họ cũng có cuộc họp để bàn về những vấn đề mấu chốt trước ngày Chủ Nhật. Ủy ban này nhắc lại yêu cầu bà Yingluck phải từ chức ngay lập tức.

Bà Yingluck từ Chiang Mai nói rằng diễn đàn do chính phủ hỗ trợ sẽ được tổ chức tại Bangkok.

Thủ tưởng đương nhiệm nói rằng cuộc họp nhằm lắng nghe các ý kiến của mỗi thành phần để tìm ra giải pháp tốt nhất cho tương lai của đất nước Thái.

Bà đã ra thông báo này ngay sau khi những người biểu tình ở thủ đô vừa cắt điện toà nhà thủ tướng. Họ yêu cầu cảnh sát, những người mà họ xem là tham ô và ủng hộ chính phủ, phải rời bỏ tòa nhà.

Trong một diễn biến trước đó, cảnh sát đã rút lui để cho những người biểu tình thuộc phe “Áo vàng” tiến hành vụ chiếm cứ có tính chất tượng trưng và kéo dài một ngày ở khuôn viên Tòa nhà Chính phủ.

Những người thuộc phe Áo vàng tiếp tục ra sức phản đối ảnh hưởng của ông Thaksin Shinawatra, anh trai của thủ tướng, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh quân sự năm 2006. Ông này hiện sống lưu vong, không thể trở về quê nhà, nơi ông có thể phải đối mặt với án tù về những cáo buộc tham nhũng.

Trong khi đó, một cựu thủ tướng Thái Lan khác là ông Abhisit Vijajiva đã được bảo lãnh tại ngoại sau khi bị khởi tố về tội giết người trong cuộc đàn áp những người biểu tình phe “Áo đỏ” năm 2010. Có khoảng 90 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương vào tháng Tư năm đó trong cuộc bạo động chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập niên của đất nước này.

Người biểu tình chống chính phủ cắm trại bên ngoài tòa văn phòng của bà Yingluck tại Bangkok.
Người biểu tình chống chính phủ cắm trại bên ngoài tòa văn phòng của bà Yingluck tại Bangkok.
Phó thủ tướng lúc đó, ông Suthep Thaugsuban, người đứng đầu lực lược an ninh đặc biệt để đối phó với người biểu tình, đã không ra tòa như yêu cầu của nhà chức trách. Luật sư của ông yêu cầu tòa án cho ông được gia hạn với lý do ông đang quá bận rộn với việc dẫn đầu những người biểu tình hiện nay để chống chính phủ.

Ông Suthep đã yêu cầu gặp các quan chức quân sự và cảnh sát hàng đầu vào tối thứ Năm, trong lúc ông tiếp tục kêu gọi cho cuộc cách mạng nhân dân nhằm thay thế chính quyền bầu cử hiện tại của Thái bằng một hội đồng được chỉ định.

Các viên chỉ huy cảnh sát nói họ sẽ không gặp người đứng đầu cuộc biểu tình, viện dẫn nhiệm vụ của họ là bảo vệ luật pháp.

Lệnh bắt ông Suthep đã được đưa ra nhưng không có dấu hiệu nào từ phía cảnh sát cho thấy nhân viên công lực sẽ tìm cách bắt ông.

Những viên chỉ huy quân sự cũng từ chối yêu cầu gặp gỡ trên.

Tuy nhiên, ông Suthep đã nhận được cam kết ủng hộ từ một vị tướng về hưu từng lão đạo một nhóm cực hữu. Một nhóm các sinh viên sĩ quan quân đội cũng tuyên bố ủng hộ cho phong trào chống chính phủ.

Cựu thủ tướng Thái Lan Abhisit Vijajiva được bảo lãnh tại ngoại sau khi bị khởi tố về tội giết người trong cuộc đàn áp những người biểu tình phe “Áo đỏ” năm 2010.
Cựu thủ tướng Thái Lan Abhisit Vijajiva được bảo lãnh tại ngoại sau khi bị khởi tố về tội giết người trong cuộc đàn áp những người biểu tình phe “Áo đỏ” năm 2010.
Lập trường của quân đội có nhiều thế lực luôn đóng vai trò quan yếu trong các cuộc khủng hoảng chính trị thường xuyên xảy ra ở Thái. Các tướng lãnh ở đất nước này đã thực hiện 18 cuộc đảo chánh kể từ khi chế độ quân chủ tuyệt đối kết thúc vào năm 1932.

Bà Yingluck, trong một cuộc hỏi đáp với đài VOA và nhiều tổ chức khác hôm thứ Tư, bày tỏ sự tin tưởng rằng quân đội sẽ không can thiệp vào thời điểm này.

Sau khi thủ tướng ra quyết định giải tán quốc hội, một sắc lệnh của hoàng gia đã cho phép tiến hành cuộc bầu cử toàn quốc mới. Tuy nhiên, những thành viên quốc hội thuộc Ðảng Dân Chủ đối lập, những người đã đồng loạt từ chức hôm Chủ Nhật trong một động thái phản đối, đã không xác định rõ liệu họ có tham gia cuộc bầu cử đã được ấn định vào ngày 2 tháng Hai tới đây hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG