Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích vì cách đối xử với các nhà báo


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngưng tường thuật các vấn đề liên hệ đến người Kurd.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngưng tường thuật các vấn đề liên hệ đến người Kurd.
Liên hiệp Châu Âu (EU) mạnh mẽ đả kích Thổ Nhĩ Kỳ về thành tích kém của nước này trong lĩnh vực tự do báo chí trong phúc trình hàng năm về những tiến bộ của các nước đang vận động để được gia nhập khối EU.

EU cho biết “ngày càng có nhiều quan ngại” về những vụ án chống các nhà báo, phương hại tới nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập EU.

Liên đoàn các Nhà báo Quốc tế, một tổ chức bảo vệ quyền lợi của các ký giả, tường trình là hiện có khoảng 75 nhà báo bị cầm tù tại Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu chỉ vì họ tường trình về những vấn đề mà chính phủ cho là gây nhiều tranh cãi.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mô tả phúc trình của EU là thiên vị, nói rằng các nhà báo bị cầm tù vì những tội như hỗ trợ các âm mưu chống chính phủ, hoặc “trợ giúp khủng bố” bằng cách đăng tải những bài báo chi tiết về các vấn đề an ninh quốc gia, như cuộc nổi dậy của người Kurd.

Ủy ban Bảo vệ các Ký giả (CPJ) có trụ sở tại Hoa Kỳ sẽ công bố một phúc trình trong tháng này, nêu chi tiết về tình trạng tự do báo chí tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Nina Ognianova, một nhà phân tích của CPJ nói:

“Thổ Nhĩ Kỳ có vấn đề về mặt pháp lý. Theo các tổ chức địa phương thì cuối năm ngoái, 2011, có từ 3.000 đến 5.000 vụ hình tội chưa được xét xử - chống các nhà báo về một loạt cáo trạng khác nhau, từ tội lăng mạ đặc tính Thổ Nhĩ Kỳ cho đến tìm cách ảnh hưởng tới kết quả của các vụ xét xử.”

Bà Ognianova nói các vụ truy tố hay tống giam các nhà báo có thể xảy ra bởi vì luật Thổ Nhĩ Kỳ viết một cách mơ hồ về các tội chống khủng bố, và vì thế có thể bị nhà cầm quyền lạm dụng.

Đòi hỏi của chính phủ

Tháng trước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngưng tường thuật các vấn đề liên hệ đến người Kurd, ông nói tường thuật về phong trào đòi ly khai của người Kurd biến truyền thông thành một diễn đàn để các phần tử đòi ly khai tuyên truyền.

Ông Ahmet Sik là một nhà báo tự do bị tù 13 tháng cùng với một đồng nghiệp vì bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính phủ.

Sau khi Ankara bị quốc tế tăng áp lực, đòi trả tự do cho hai nhà báo, hai ông rốt cuộc đã được phóng thích hồi tháng Tư năm nay.

Ông Sik nói ông và đồng nghiệp bị tù vì những bài phóng sự đã làm chính phủ bối rối.

Ông Sik nói bỏ tù không phải là phương pháp duy nhất mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dùng để kiềm chế các nhà báo. Một số phóng viên đã bị bắn, bị giáng chức, hay bị làm nhục trước công chúng.

Ông Sik nói với VOA: “Bằng những biện pháp bất hợp pháp như thu hình các sinh hoạt tình dục hoặc các vụ ghi âm, uy tín của nhà báo bị phá hoại và họ trở thành nạn nhân của các vụ bôi nhọ.”

Ông Sik nghi rằng ông bị bắt giữ vì một cuốn sách ông viết về nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát.

Đồng nghiệp của ông, là ông Nedim Sener, đã viết hai cuốn sách nêu chi tiết về vụ ám sát ông Hrant Dink, một nhà báo nổi tiếng.

Ông Sener nói điện thoại của ông bị nghe lén sau khi ông xuất bản một cuốn sách vào năm 2009, cáo buộc chính phủ là có dính líu tới vụ giết hại ông Dink. Hồi tháng 7, ông nói với Đài VOA rằng lý do chính thức để bắt ông là một lời vu cáo rằng ông đã âm mưu lật đổ chính phủ.

Ông nói bài phóng sự của ông đã làm cho nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ lúng túng.

Áp lực của nhà nước

Áp lực của nhà nước còn nới rộng tới các tập đoàn truyền thông.

Tập đoàn truyền thông Dogan, sở hữu nhiều nhà in, trang mạng và nhiều đài phát thanh, truyền hình, kể cả CNN Turk và TNT, đã bị Thủ tướng Erdogan chỉ trích vì đã phát tán những bài viết chỉ trích chính phủ.

Tại hai cuộc tập họp chính trị vào tháng hai năm 2009, Thủ tướng Erdogan kêu gọi công chúng hãy tẩy chay các nhật báo của tập đoàn Dogan, nói rằng các báo này tung “tin sai lạc.”

Nhiều ngày sau đó, tập đoàn Dogan bị phạt 3 tỉ đô la tiền thuế làm công ty này phải bán nhiều tài sản để có thể sống còn.

Một đại diện của Dogan nói với đài VOA trong email rằng vấn đề phạt thuế đã được giải quyết nhưng ông cho biết thêm: “Chúng tôi không muốn nói tới vấn đề này.”

Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng bênh vực hành động của chính phủ chống báo chí.

Trả lời Đài CNN hồi tháng 9, Thủ Tướng Erdogan nói ông hoan nghênh những lời chỉ trích, nhưng tuyên bố sẽ không dung thứ những lời nhục mạ nhắm vào ông hay gia đình ông. Ông Erdogan nói ông đã kiện một số người chỉ trích ông về tội lăng mạ nhưng sau đó rút đơn kiện.

Tình trạng khó xử của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ phải tỏ ra rất tế nhị với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ khi nói tới tự do báo chí.

Đại sứ Hoa Kỳ Frances Ricciardonne nói với ban Thổ Nhĩ Kỳ Đài VOA rằng tự do báo chí “vẫn là một bức tranh lẫn lộn” tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói con số các nhà báo bị bỏ tù gợi ra “một cảm giác ghê rợn” khiến người ta hoài nghi về tình trạng quyền tự do ngôn luận tại nước này.

Trong khi đó giới đấu tranh để nới rộng tự do báo chí tại Thổ Nhĩ Kỳ nói áp lực quốc tế đã kiềm chế chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đàn áp các nhà báo.

Các nhà báo Sik và Sener nói việc hai ông được trả tự do là nhờ sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Ông Sik nói với VOA rằng một số nhân chứng thân thiết cho biết là Thủ Tướng Erdogan đã ban hành một lệnh đặc biệt để trả tự do cho hai ông.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không bình luận khi được yêu cầu trả lời câu hỏi.

Tuy nhiên hãy còn nhiều đồng nghiệp của ông Sik và ông Sener đang bị giam giữ.

Nhà báo Sik nay lại phải đối mặt với một cáo trạng mới về tội “đe dọa và phỉ báng các công chức đang thi hành nhiệm vụ.”

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói những phát biểu công khai của ông Sik chứa đựng những lời tố cáo có thể làm hoen ố danh dự của các giới chức bị ông chỉ trích.

Ủy ban Bảo vệ các Ký Giả miêu tả hệ thống giam giữ các nhà báo là một “cánh cửa xoay”, không lúc nào đóng hẳn.

Năm ngoái, CPJ công bố chi tiết về 8 trường hợp nhà báo bị giam cầm vì đã làm công việc nhà báo.

Một năm sau, vẫn còn hai nhà báo bị giam cầm.

Ông Ahmet Birsin, tổng quản trị viên của một đài truyền hình thân người Kurd, bị tống giam tháng Tư năm 2009, sau khi cảnh sát bố ráp văn phòng của ông vào ban đêm, tịch thu các tài liệu lưu trữ, máy quay phim và các dụng cụ phát hình. Ông bị tù 14 tháng trước khi bị buộc tội.

Ông Bedri Adanir, chủ nhà xuất bản Aram thân người Kurd, bị tù hồi tháng Giêng năm 2010. Ông bị truy tố về tội tuyên truyền cho khủng bố vì đã xuất bản một cuốn sách của ông Abdullah Ocalan, một thủ lãnh tụ chủ chiến người Kurd.

Ông Adanir yêu cầu được đóng tiền tại ngoại hầu tra, nhưng yêu cầu của ông bị bác. Ông Adanir trước đó đã ở tù 15 tháng về tội tuyên truyền tương tự.

Cũng như những nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ khác đang bị chính quyền nhắm tới, dường như ông Adanir còn phải đối đầu với một cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài trước mắt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG