Đường dẫn truy cập

Thơ hay, thơ dở, cái hay của thơ dở và cái dở của thơ hay (1)


Đây là bài nói chuyện của tôi tại Jewish Community Centre of Northern Virginia, Hoa Kỳ chiều Chủ nhật 8/7

Trước hết, xin nói ngay, nhan đề bài viết này không được đặt ra với dụng ý khiêu khích. Cảm giác khiêu khích, nếu có, chủ yếu xuất phát từ ấn tượng nghịch lý giữa hai chữ “hay” và “dở”. Tuy nhiên, đó không phải là một nghịch lý. Theo tôi, cái hay trong thơ dở cũng như cái dở trong thơ hay là những hiện tượng phổ biến trong cả không gian lẫn thời gian. Ở đâu và thời nào cũng có. Chỉ khác ở mức độ. Có thể nói một cách khái quát thế này: Bất cứ một bài thơ hay một khuynh hướng thơ nào chúng ta xem là hay hiện nay cũng từng có lúc bị xem là dở; và ngược lại, bất cứ một khuynh hướng thơ nào từng có lúc được xem là hay, đến một lúc nào đó, chỉ sản xuất ra toàn thơ dở.

Cứ nhìn vào lịch sử thơ Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy ngay điều đó.

Ngày xưa, từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, văn học Việt Nam bao gồm hai bộ phận chính: Hán Việt và Nôm. Bộ phận văn học Hán Việt xuất hiện sớm, ngay từ thế kỷ thứ 10, kéo dài rất lâu, hơn một ngàn năm, có khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm nhiều thể loại khác nhau, từ trữ tình đến tự sự và chính luận, phần lớn nặng tính học thuật, lúc nào cũng gắn liền với trường quy và triều chính. Bộ phận văn học bằng chữ Nôm, ngược lại, xuất hiện muộn hơn, với những thể loại khá hạn chế, chủ yếu là văn vần, từ đề tài đến nội dung và cảm xúc đều rất gần gũi với đời sống hàng ngày.

Hiện nay, chúng ta đánh giá bộ phận văn học bằng chữ Nôm cao hơn hẳn bộ phận văn học bằng chữ Hán. Tất cả những tác phẩm được xem là điển phạm và là những thành tựu xuất sắc nhất của nền văn học cổ điển Việt Nam, từ Chinh phụ ngâm (bản dịch), Cung oán ngâm khúcTruyện Kiều đến thơ của Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ và Tú Xương đều được viết bằng chữ Nôm. Tất cả đều bằng chữ Nôm. Một số tác phẩm Hán Việt có giá trị về tư tưởng và lịch sử, như Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo và Bình Ngô đạo cáo của Nguyễn Trãi được truyền tụng và nhắc nhở, trước hết, trong các bản dịch hơn là nguyên tác và được nhấn mạnh ở khía cạnh tư liệu hơn là nghệ thuật.

Vậy mà, ngày xưa, dường như không ai xem những tác phẩm bằng chữ Nôm ấy là hay cả. Chúng bị xem là dở. Thậm chí, còn tệ hơn cả dở: chúng không được xem là văn chương. Năm 1663, Trịnh Tạc ra lệnh tịch thu và đốt tất cả các cuốn sách bằng chữ Nôm vì cho là “Cùng là truyện cũ nôm na / Hết thơ tập ấy lại ca khúc này / Tiếng dâm dễ khiến người say / Chớ cho đem bán hại nay thói thuần”. Đến đầu thế kỷ 19, trong cuốn Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ (1768-1839) còn miệt thị chữ Nôm, đặt các tác phẩm chữ Nôm ngang hàng với những trò chơi thanh sắc, vốn dưới quan điểm đạo đức học Nho giáo, bị xem là xấu xa: “Có người đem những sách truyện Nôm và những trò chơi thanh sắc, nghề cờ bạc, rủ rê chơi đùa, thì ta bịt tai lại không muốn nghe. Ta đã học vỡ được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không biết hết, câu ca, bản đàn thoảng qua ngoài tai rồi lại lờ mờ không hiểu gì cả.”[1] Đến tận giữa thế kỷ 19, Cao Bá Quát, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ, dù đánh giá rất cao tiếng nói dân tộc và rất mê hai truyện Nôm Hoa TiênTruyện Kiều, vẫn chưa tin là với chữ Nôm, người ta có thể tạo nên cái gọi là “văn chương”: “Than ôi! Lấy quốc ngữ [tức chữ Nôm] mà làm văn chương thì ta chưa dám.”[2]

Đó cũng là suy nghĩ của nhiều người, nếu không muốn nói, của hầu hết giới cầm bút Việt Nam trước thế kỷ 20. Có ba bằng chứng chính. Một, phần lớn các tuyển tập thơ chung của nhiều người xuất bản từ giữa thế kỷ 19 trở về trước, ngay cả khi mang tên là “Việt âm” hay “Việt thi”, đều loại trừ phần văn học bằng chữ Nôm. Hai, hầu hết những nhận định về văn học rải rác đây đó trong các cuốn sử chính thống đều chỉ nhắc đến dòng văn học bằng chữ Hán và cũng loại trừ hẳn những người viết bằng chữ Nôm. Và ba, hầu như không có người nào viết bằng chữ Nôm, dù tài hoa cao ngất đến mấy, được ghi nhận một cách xứng đáng. Hãy nhìn lại các nghi án văn học Việt Nam ngày xưa mà xem. Có ba nghi án lớn nhất: dịch giả bản Chinh phụ âm hiện hành, tiểu sử Hồ Xuân Hương và tiểu sử bà Huyện Thanh Quan. Lý do chính khiến cả ba trở thành nghi án chắc chắn là vì những người cùng thời không hề quan tâm đến họ. Không quan tâm vì, một mặt, họ là phụ nữ, mặt khác, có khi quan trọng hơn, vì họ viết bằng chữ Nôm. Đoàn Thị Điểm viết Truyền kỳ tân phả bằng chữ Hán thì người ta nhớ. Nhưng khi bà dịch Chinh phạm ngâm sang chữ Nôm thì người quên. Quên nên bây giờ chúng ta mới bối rối cãi cọ nhau về chuyện ai thực sự là tác giả bản dịch hiện hành.

Có thể nói, trong mấy chục năm đầu của thế kỷ 20, khi chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán trong tư cách một văn tự chính thức trong hệ thống giáo dục và sinh hoạt văn hóa, và khi văn học chuyển từ thời Trung đại sang hiện đại, văn học Việt Nam đã có mấy sự hoán chuyển quan trọng và ngoạn mục:

Thứ nhất, hoán chuyển về vị trí: Cái trung tâm biến thành ngoại biên và cái ngoại biên, ngược lại, lại biến thành trung tâm.

Thứ hai, hoán chuyển về giá trị: Cái được xem là hay, hơn nữa, tinh túy của cái hay (văn học chữ Hán) lại biến thành dở, hoặc nếu không, cũng không còn là hay lắm nữa, ngược lại, cái vốn bị xem là dở, thậm chí, không phải là văn chương, lại được xem là hay; những cái được gọi là “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán / Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” bỗng chìm hết vào quên lãng và những cái bị xem là “nôm na mách qué” lại trở thành những thành tựu lớn trong lịch sử.

Những hoán chuyển giữa cái hay và cái dở, giữa trung tâm và ngoại biên như vậy không chỉ dừng lại ở nền văn học Trung đại. Ngay cả phong trào Thơ Mới thời 1932-45 vốn được xem là một thời đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử văn học Việt Nam và vốn được Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam, khen ngợi nhiệt liệt:

“Đừng lấy một người sánh với một người. Hãy sánh thời đại cùng thời đại. Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.” (tr. 32)

Vậy mà, khi Thơ Mới mới xuất hiện, đã có vô số người lên tiếng chê bai đấy. Người ta chê các nhà thơ mới là một bọn mù: “Chẳng khác anh mù lại nói mơ / Chẳng qua một bọn dốt làm thơ” hoặc một bọn bất tài: “Nghĩa lý vơ vơ rồi vẩn vẩn / Thanh âm ngẩn ngẩn lại ngơ ngơ / So với Á học như dưa đắng / Sánh với Âu văn tựa mít xơ” rồi nài nỉ họ đừng làm thơ nữa: “Lạy bác xin đừng mó đến thi / Nghĩa thi chưa hiểu hãy im đi.” Trong Thơ Mới, không ai tiêu biểu cho bằng Xuân Diệu, nhưng cũng không có ai bị chê bai nhiều như Xuân Diệu. Người ta chê Xuân Diệu “Tây” quá. Chê Xuân Diệu “viết văn tựa trẻ con học nói hay như người ngoại quốc mới võ vẽ tiếng Nam.” (Hoài Thanh, tr. 109). “Người ta” ở đây là ai? Là rất đông người đọc bình thường. Hơn nữa, họ còn là những tên tuổi lớn, những trí thức lớn và những văn nghệ lớn. Như Huỳnh Thúc Kháng. Như Phan Bội Châu. Và cả Tản Đà nữa. Không ai xem Thơ Mới là thơ hay cả.

Chưa hết. Trong phong trào Thơ Mới, người tiêu biểu hơn hết là Xuân Diệu, nhưng ba người đi xa nhất, xa hơn hẳn Xuân Diệu, lại là Bích Khê, Hàn Mặc Tử và Nguyễn Xuân Sanh. Xa chủ yếu về phương pháp sáng tác. Trong khi Xuân Diệu chủ yếu dừng lại ở phương pháp lãng mạn, cả Bích Khê lẫn Hàn Mặc Tử và Nguyễn Xuân Sanh đều vượt khỏi chủ nghĩa lãng mạn để lấn dần sang chủ nghĩa tượng trưng, và trong trường hợp của Hàn Mặc Tử, thỉnh thoảng còn đến mấp mé bên bờ của chủ nghĩa siêu thực. Sau này, Chế Lan Viên và nhiều nhà phê bình khác đánh giá rất cao Bích Khê, Hàn Mặc Tử và Nguyễn Xuân Sanh, cho họ táo bạo và có tinh thần cách tân hơn hẳn những nhà thơ cùng thời; cho họ, chính họ chứ không phải bất cứ ai khác, kể cả Xuân Diệu hay Huy Cận, là những kẻ bắc cầu sang nền thơ hậu-Geneva với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc và nhóm Sáng Tạo ở miền Nam. Thế nhưng, trong một thời gian khá dài, cả ba nhà thơ kể trên đều bị chê là kém, thậm chí, lập dị hoặc điên khùng.

Chúng ta có thể nêu lên vô số ví dụ khác kể từ sau năm 1945, tức sau phong trào Thơ Mới. Thời kháng chiến chống Pháp, những bài thơ không vần của Nguyễn Đình Thi cũng từng bị chê là dở trước khi được công nhận là những cách tân độc đáo. Sau năm 1954, thơ Thanh Tâm Tuyền cũng bị chê là dở, là tối tăm, hũ nút trước khi ông được nhìn nhận là một trong vài nhà thơ xuất sắc nhất của miền Nam; thơ Bùi Giáng cũng bị chê là dở và là điên khùng trước khi có người nhận thấy trong thơ ông đã thấp thoáng có dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại. Sau năm 1975, những bài thơ mới được công bố của Trần Dần, Lê Đạt và Đặng Đình Hưng cũng bị chê là dở trước khi người ta nhận thấy những giá trị sáng tạo rất lớn ở chúng.

Khi tôi nói đến cái hay của thơ dở và cái dở của thơ hay là tôi muốn nói đến cái hay và cái dở như thế. Cái hay của những tác phẩm người ta ngỡ là dở. Điều này có nghĩa là có hai kiểu dở khác nhau: Một, những cái dở thật, vĩnh viễn dở, với ai và ở thời nào cũng bị xem là dở; và hai, những cái dở hàm chứa một số giá trị thẩm mỹ mà người ta, ở vào một thời điểm hoặc một giai đoạn nào đó, chưa thấy được. Có thể gọi đó là những cái-bị-xem-là-dở. Chứ chưa chắc đã là dở thật.

Xin lưu ý là ở đây tôi không nói đến chuyện hay hay dở ở phạm vi cá nhân. Với cá nhân, chuyện thích hay không thích, đánh giá cao hay đánh giá thấp một tác phẩm cụ thể nào đó chỉ là chuyện bình thường. Ngay cả những nhà thơ lớn cũng có thể không thích nhau. Tôi chỉ bàn đến cái thích của tập thể, thậm chí, của cả xã hội hoăc cả một thời đại, có khi là một thời đại dài dằng dặc.

Lại xin lấy Truyện Kiều làm ví dụ. Khi Truyện Kiều mới xuất hiện, có vô số người thích thú và khen ngợi. Rất nhiều nho sĩ, từ Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Đào Nguyên Phổ đến Mộng Liên đường và Phong Tuyết chủ nhân đều mê Truyện Kiều. Nghe nói giá giấy ở Hà Nội lúc bấy giờ tăng vọt vì có quá nhiều người mua để chép lại cái tác phẩm được xem là “khúc Nam âm tuyệt xướng”[3] ấy. Tuy nhiên, ở đây có hai điều cần chú ý.

Thứ nhất, có thể người ta mê Truyện Kiều như mê một thú tiêu khiển chứ chưa chắc đã mê như một tác phẩm văn học. Câu ca dao nổi tiếng một thời “Mê gì? – Mê đánh tổ tôm / Mê ngựa Hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều” cho thấy điều đó.

Thứ hai, ngay chính Nguyễn Du cũng chưa chắc đã đánh giá thật cao tác phẩm của mình. Lâu nay, nhắc đến hai câu cuối trong bài “Độc Tiểu Thanh ký”: “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”, không hiểu sao người ta lại hay liên tưởng đến Truyện Kiều. Nhưng theo tôi, không có bằng chứng nào cho thấy Nguyễn Du có hy vọng, với Truyện Kiều, đời sau sẽ thông cảm và thương cảm cho mình. Niềm hy vọng ấy, nếu có, có khi gắn liền với các bài thơ bằng chữ Hán mà Nguyễn Du sáng tác rất nhiều và khá liên tục, kéo dài gần như cả đời, sau, được tập hợp trong ba tập: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm Bắc hành tạp lục. Còn với Truyện Kiều, tác giả chỉ kết thúc một cách khiêm tốn: “Lời quê chắp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh.” Không nên nghĩ đó là một lời nói khiêm vờ vĩnh. Khiêm, có thể có; nhưng vờ thì không. Kiểu kết thúc như thể tìm thấy ở hầu hết các truyện thơ Nôm khác. Trong Nhị Độ Mai: “Biết bao lời kệch tiếng quê / Thôi thôi bất quá là nghề mua vui”. Trong Phù dung tân truyện: “Lời quê chắp chảnh nên câu / Chép làm một truyện để sau mua cười.” Trong Bích câu kỳ ngộ: “Cũng xin góp một hội cười / Cùng mua mấy trống canh vui gọi là”, v.v. Theo tôi, đó là một mặc cảm có thật. Mặc cảm của những người đứng ngoài lề của thế giới văn chương. Mặc cảm ấy xuất phát từ một quan điểm phổ biến trong suốt thời kỳ Trung đại của văn học Việt Nam.

Như vậy, hiện tượng nhiều bài thơ, thậm chí, cả nguyên một khuynh hướng thơ hay nhưng bị xem là dở không phải chỉ gắn liền với sở thích. Mà là với quan niệm. (Còn tiếp)

[2] Vũ Khiêu và những người khác (1976), Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, Hà Nội: nxb Văn Học, tr. 350/
[3] Lời Đào Nguyên Phổ trong bài tựa Đoạn trường tân thanh năm 1898.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG