Đường dẫn truy cập

Thế giới lên án đàn áp biểu tình ở Ai Cập


Hình Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ giữa đống đổ nát sau vụ trấn áp doanh trại người biểu tình tại Quảng trường Nahda ở Cairo, ngày 15/8/2013.
Hình Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ giữa đống đổ nát sau vụ trấn áp doanh trại người biểu tình tại Quảng trường Nahda ở Cairo, ngày 15/8/2013.
Vụ đàn áp những người ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi ở Ai Cập đã gặp phải sự lên án của các cường quốc phương Tây và những quốc gia Hồi Giáo ủng hộ nhà lãnh đạo bị lật đổ. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của Thông tín viên đài VOA Michael Lipin.

Việc chính phủ Ai Cập quyết định trục xuất những người biểu tình, hầu hết những nhân vật tranh đấu của phe Hồi Giáo, ra khỏi hai địa điểm biểu tình ngồi lì đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ một cách bất thường từ Hoa Kỳ, đồng minh quân sự chính của Ai Cập.

Chỉ cách đây hai tuần, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã ca ngợi chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn về những nỗ lực nhằm phục hồi nền dân chủ tại Ai Cập sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vào ngày 3 tháng 7. Ông Morsi, thuộc phe Hồi giáo, là tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ ở Ai Cập.

Ngày hôm qua, ông Kerry có một giọng điệu khác hẳn.

“Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án bạo động và đổ máu ngày hôm nay tại Ai Cập. Đây là một cú giáng nghiêm trọng vào hoà giải và những hy vọng của người dân Ai Cập về việc chuyển tiếp tiến đến dân chủ và hòa hợp.”

Ngoại trưởng Kerry nhắc lại lời kêu gọi chính phủ và phe đối lập tìm một giải pháp chính trị cho tình hình bất ổn tại Ai Cập.

Bà Manal Omar thuộc Viện Hòa bình Hoa Kỳ tại Washington, đã thảo luận tại Ai Cập trước đây trong tháng này với những tổ chức xã hội dân sự Ai Cập về vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng.

Bà nói yêu cầu chính của những tổ chức này đối với Hoa Kỳ là khuyến khích đối thoại giữa các phe phái đối nghịch nhau tại quốc gia Ả Rập này thay vì đứng về phiá bên này hay phiá bên kia.

“Có một vài người yêu cầu tôi chuyển thông điệp này trở lại Washington và nói rằng, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì Hoa Kỳ vẫn nên cổ xúy cho các nguyên tắc. Họ nên cổ xúy bất bạo động. Hoa Kỳ không nên dính líu đến việc ai làm gì và làm như thế nào, mà phải thực sự theo đúng các nguyên tắc Hoa Kỳ muốn thấy.”

Ông Eduardo Del Buey, một phát ngôn viên của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói ông Ban lấy làm tiếc là nhà cầm quyền Ai Cập chọn con đường dùng vũ lực chống lại các người biểu tình.

“Ông Tổng Thư Ký cũng tin tưởng một cách chắc chắn là bạo động và khích động từ bất cứ bên nào cũng không giải quyết được những thách thức mà Ai Cập đang phải đối mặt.”

Cairo cũng nhận được thông điệp tương tự của ông Peter Stano, phát ngôn viên của Liên hiệp Âu châu tại Brussels.

“Tôi nhắc lại lập trường của EU là bạo động không mang lại bất cứ giải pháp nào và đó là lý do tại sao chúng tôi mạnh mẽ hối thúc tất cả các bên tự chế tối đa.”

Tại các nước ủng hộ vị Tổng thống bị lật đổ, đã có nhiều bất bình về việc các nhà lãnh đạo quân đội sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình.

Những người thuộc phe Hồi Giáo tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ hô to những khẩu hiệu đòi người đứng đầu quân đội Ai Cập, Tướng Abdel Fattah el-Sissi, phải ra đi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul tố cáo chính phủ Ai Cập thực hiện một vụ tấn công vũ trang nhắm vào thường dân và gọi việc này là “không thể chấp nhận được”. Những người ủng hộ ông Morsi tại Iran và Qatar cũng đưa ra những lời tố cáo tương tự.

Nhà cầm quyền Ai Cập nói một số người biểu tình có vũ khí và đã bắn vào lực lượng an ninh.

Ả Rập Saudi và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất không chỉ trích vụ đàn áp.

Cả hai nước này chống lại phong trào Huynh đệ Hồi Giáo của ông Morsi và đã bày tỏ sự hậu thuẫn dành cho chính phủ thay thế ông Morsi qua việc cung cấp những khoản viện trợ nhiều tỉ đô la cho Ai Cập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG