Đường dẫn truy cập

Thái Lan biểu tình phản đối chuyện xây đập Xayaburi


Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Người biểu tình yêu cầu bà Yingluck bước ra nhận kiến nghị và nghe những đòi hỏi của họ, nhưng bà không xuất hiện
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Người biểu tình yêu cầu bà Yingluck bước ra nhận kiến nghị và nghe những đòi hỏi của họ, nhưng bà không xuất hiện
Một tổ chức bảo tồn thiên nhiên đã trình kiến nghị với hơn 9.000 chữ ký của dân Thái lên Thủ tướng Yingluck Shinawatra, phản đối con đập Xayaburi trên sông Mekong gây nhiều tranh cãi, và yêu cầu chính phủ Thái ngưng ủng hộ việc xây đập.

Các đại diện của tổ chức Thai People's Network tụ tập tại Tòa nhà Chính phủ với các biểu ngữ như “chúng tôi, nhân dân vùng đông bắc, sẽ không ủng hộ Thủ tướng Yingluck nữa," hoặc “con đập này sẽ giết chết chúng tôi.”

Người biểu tình yêu cầu bà Yingluck bước ra nhận kiến nghị và nghe những đòi hỏi của họ, nhưng bà không xuất hiện.

Lào muốn xây con đập trên sông Mekong tại quận Thahouy trong tỉnh Xayaburi để sản xuất hơn 1.000 MW điện bán cho Thái Lan và Campuchia.

Theo tổ chức môi trường International Rivers, đập Xayaburi nếu hoàn tất sẽ chặn các tuyến đường di thực cho hằng chục loại cá lên thượng nguồn sông Mekong, tới tận Chiang Saen ở miền bắc Thái Lan, một địa bàn sinh sản quan trọng cho các loại cá trê khổng lồ có nguy cơ tuyệt chủng.

Họ nói rằng đập này sẽ tàn phá hệ sinh thái đa dạng của con sông vốn đã đóng vai trò đáng kể cho các loại cá địa phương cũng như di thực.

Đập này cũng sẽ ngăn chặn dòng phù sa, ảnh hưởng tới nông nghiệp, nhất là đối với 8 tỉnh của Thái và xuống tận vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Campuchia và Việt Nam kêu gọi chính phủ Lào xét lại dự án này, và nói rằng nó là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hằng triệu người lệ thuộc vào con sông này để có thực phẩm và kế sinh nhai.

Ủy ban sông Mekong, mà Thái Lan và Lào cũng là thành viên, đồng ý rằng việc xây dựng con đập này phải được hoãn lại để thực hiện các cuộc nghiên cứu cặn kẽ về các ảnh hưởng đối với môi trường.

Nhưng các bộ trưởng trong chính phủ Lào nói rằng các cuộc nghiên cứu đã được thực hiện rồi, và các chuyên gia tham vấn cho biết không có ảnh hưởng tiêu cực quan trọng nào đối với con sông này.

Những ý kiến vừa kể đã bị phản bác bởi các đại biểu của Campuchia và Việt Nam, cùng các cộng đồng ngư dân và các nhà bảo tồn thiên nhiên tụ tập tại Bangkok hôm Chủ Nhật.

Nguồn: The Nation, ooskanews.com

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG