Đường dẫn truy cập

Số tử vong trong vụ sập xưởng may ở Bangladesh vượt mức 1.000 người


Nhân viên cứu hộ đưa phụ nữ còn sống sót ra khỏi đống gạch đá đổ nát của tòa nhà bị sụp, 10/5/13
Nhân viên cứu hộ đưa phụ nữ còn sống sót ra khỏi đống gạch đá đổ nát của tòa nhà bị sụp, 10/5/13
Nhân viên cứu hộ ở Bangladesh hôm thứ 6 đã tìm thấy một người phụ nữ sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà xưởng may bị sập các nay hơn hai tuần. Số tử vong trong tai nạn này đã vượt mức 1.000 người trong lúc một vụ hỏa hoạn tại một xưởng may khác đã giết chết 8 người.

Các toán nhân viên đã đưa thêm xác chết ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà 8 tầng bị sập ở ngoại ô Dhaka trong lúc hàng trăm thân nhân của những người mất tích tiếp tục cuộc canh thức với hy vọng nhận dạng người thân của mình.

Tòa nhà Rana Plaza, nơi có 5 xưởng may, bị sập cách nay hơn hai tuần, làm cho công nhân bị đè bẹp dưới khối gạch đá khổng lồ.

Trong lúc mọi người chú tâm tới tai nạn công nghiệp tệ hại nhất ở Bangladesh, một tai nạn thứ nhì đã xảy ra tại một xưởng may khác.

Một đám cháy tại những tầng dưới của tòa nhà 11 tầng dùng làm xưởng may áo ấm đã xảy ra tối thứ tư trong lúc công nhân đã tan ca. Người chủ tòa nhà cùng với một số người khác đã thiệt mạng trong đám cháy.

Các giới chức cho biết tòa nhà bị cháy này được xây theo đúng các luật lệ xây dựng. Nhưng vụ này đã làm tăng thêm mối lo ngại về an toàn tại các xưởng may ở Bangladesh, chuyên sản xuất quần áo cho các thương hiệu Tây phương.

Trong vài tuần qua, chính phủ đã tăng cường công tác kiểm tra tại các tòa nhà và họ đã yêu cầu 18 xưởng may đóng cửa vì không thỏa mãn tiêu chuẩn an toàn.

Bà Kalpona Akter, thuộc Trung tâm Đoàn kết Công nhân Bangladesh, đã tranh đấu trong nhiều năm qua để đòi cải thiện điều kiện làm việc cho 3 triệu 600 ngàn công nhân dệt may ở nước này.

Bà hy vọng lần này chính phủ sẽ có thái độ nghiêm túc trong việc thực thi những cơ chế kiểm tra an toàn lao động:

"Sau mỗi vụ hỏa hoạn, sau mỗi vụ sập nhà hay sau mỗi tai nạn công nghiệp, chính phủ đã đưa ra những lời cam kết suông. Nhưng lần này chúng tôi thật sự muốn họ hành động. Đã tới lúc họ phải hành động. Những cái chết này là có thể ngăn ngừa được."

Trong lúc tin tức về vụ sập xưởng may được dư luận thế giới chú tâm theo dõi, chính phủ và các công ty dệt may Bangladesh đã bị áp lực đòi họ giải quyết những vấn nạn đang hoành hành trong ngành công nghiệp lớn nhất nước này. Bên cạnh vấn đề an toàn, còn có vấn đề lương thấp và quyền của người lao động.

Ông Mustafizur Rahman là một viên chức của một tổ chức độc lập có tên là Trung tâm Đối thoại Chính sách. Ông nói rằng chính phủ cần phải thực hiện một cuộc cải tổ triệt để công nghiệp dệt may:

"Đương nhiên là thương hiệu Bangladesh đã bị tổn hại. Nhưng lần này chúng tôi đã nhìn thấy những nỗ lực có phối hợp để tìm cách giải quyết nhiều vấn đề -- như vấn đề về an toàn của người lao động, vấn đề về quyền của người lao động, vấn đề về xây dựng các tòa nhà. Tất cả những vấn đề này giờ đây đã thu hút sự chú tâm của mọi người. Tác động trung hạn và dài hạn của những nỗ lực này còn tùy thuộc vào việc chúng ta có chuẩn bị tốt hay không và có thực thi tốt hay không. Tôi hy vọng họ sẽ học được những bài học trong lần này."

Các giới chức chính phủ nói rằng tòa nhà Rana Plaza bị sập vì có những sự vi phạm luật lệ xây dựng và sử dụng những vật liệu xây dựng không đúng tiêu chuẩn. Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy sự rung động của 4 máy phát điện lớn đã làm cho tòa nhà bị sập.

Tai nạn này làm dấy lên những sự chỉ trích đối với các công ty Tây phương mua quần áo từ Bangladesh. Cách nay hơn một tuần, công ty Walt Disney cho biết họ quyết định ngưng mua hàng của 5 nước đang phát triển, trong đó có Bangladesh, một phần vì những tai nạn gây chết người tại các công xưởng ở những nước đó.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người kêu gọi các công ty bán lẻ ở Tây phương nắm giữ một vai trò lớn hơn trong việc cải thiện điều kiện làm việc trong công nghiệp dệt may ở Bangladesh, thay vì không mua hàng của họ.

Bà Akter của Trung tâm Đoàn kết Công nhân tán đồng những lời kêu gọi này:

"Hiện nay chúng tôi đang kêu gọi họ ký kết những thỏa thuận có sự ràng buộc pháp lý về vấn đề phòng chống hỏa hoạn và vấn đề an toàn của các tòa nhà. Các thỏa thuận này bảo đảm là họ sẽ chi trả cho việc thực hiện những sự can thiệp hoặc sửa chữa cần thiết cho các công xưởng mà họ mua hàng và cũng bảo đảm là các công nhân sẽ có tiếng nói trong quá trình cải thiện. Các công nhân có thể nói cho các công ty Tây phương biết là công xưởng mà họ làm việc là an toàn."

Bangladesh là nước cung ứng quần áo nhiều hàng thứ nhì trên thế giới và công nghiệp trị giá 20 tỉ đôla này chiếm tới gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG