Đường dẫn truy cập

Quan chức Hong Kong kêu gọi Quốc hội Mỹ hạn chế thúc ép cải tổ dân chủ


Ông Clement Leung, đại diện cấp cao nhất phụ trách về các vấn đề kinh tế và thương mại của Hong Kong tại Washington
Ông Clement Leung, đại diện cấp cao nhất phụ trách về các vấn đề kinh tế và thương mại của Hong Kong tại Washington

Giới chức ngoại giao hàng đầu của Hong Kong tại Hoa Kỳ nói rằng ông đã vận động Quốc hội Mỹ phải thận trọng khi thúc đẩy cải cách dân chủ tại vùng lãnh thổ tự trị thuộc Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho đài VOA tuần trước, ông Clement Leung, đại diện cấp cao nhất phụ trách về các vấn đề kinh tế và thương mại của Hong Kong tại Washington nói rằng thời gian qua ông đã “rất tích cực vận động tại quốc hội, cập nhật tình hình Hong Kong liên quan tới các vấn đề kinh tế, chính trị, nhân quyền, cho các nhà lập pháp tại cả Hạ và Thượng viện, nhất là những ai chuyên trách về các vấn đề đối ngoại, thương mại và ngân sách.

Ông Leung nói rằng phía Hong Kong “ghi nhận sự quan ngại của các nhà lập pháp cũng như ý định giúp Hong Kong, nhưng quan điểm của chúng tôi cho rằng họ có thể gây thiệt hại hoặc làm hại Hong Kong trước khi họ thực sự giúp chúng tôi”.

Cân bằng ảnh hưởng

Các thành viên của Quốc hội Mỹ nói rằng họ đang cân nhắc hai hướng đi sau khi bùng ra phong trào thúc đẩy dân chủ có tên gọi “Chiếm trung” ở Hong Kong gần đây.

Hàng chục nghìn nhà hoạt động thuộc phong trào này đã chặn các con đường chính tại thành phố từ cuối tháng Chín cho tới giữa tháng 12 để phản đối việc Bắc Kinh áp đặt các luật lệ bầu cử mà nhiều người cho là bảo thủ đối với lãnh thổ Hong Kong.

Trong các cuộc điều trần về các cuộc biểu tình ở Hong Kong tại Hạ và Thượng viện Mỹ tháng trước, các nhà lập pháp từng chỉ trích quyết định kiểm soát bầu cử ở Hong Kong của Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng sửa đổi Đạo luật Chính sách Hong Kong – Hoa Kỳ, theo đó Washington trao cho Hong Kong nhiều lợi ích, trong đó có kinh tế.

Một nhà lập pháp cũng nói rằng đề nghị của Hong Kong về việc miễn thị thực Mỹ cho các cư dân của lãnh thổ này có thể phải gắn liền với việc thực thi các cải tổ dân chủ ở Hong Kong.

Đạo luật thông qua năm 1992 có ghi rằng sự ưu đãi đối với Hong Kong còn tùy thuộc vào việc vùng lãnh thổ này “có đủ mức tự trị” đối với Trung Quốc hay không.

Trong cuộc điều trần tại Tiểu ban về châu Á và Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Steve Chabot nói rằng “có thể đã đến lúc đánh giá lại” điều khoản ghi trong đạo luật năm 1992 cùng các lợi ích đi kèm, khi xét tới điều ông gọi là sự “dàn dựng” của Bắc Kinh liên quan tới sự đáp trả của chính quyền Hong Kong đối với các cuộc biểu tình “Chiếm Trung”.

Giới hữu trách Hong Kong đã dỡ bỏ 3 nơi biểu tình sau một loạt các vụ đối đầu đầy bạo lực giữa cảnh sát, những người biểu tình đòi dân chủ và các nhà hoạt động chống lại phong trào “Chiếm Trung”.

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh cũng đã phản bác yêu sách từ phong trào “Chiếm Trung”, theo đó yêu cầu giới hữu trách để cho công chúng đề cử ứng viên cho chức vụ trưởng đặc khu trong cuộc bầu cử trực tiếp tiếp theo vào năm 2017. Ông Leung cho rằng điều đó sẽ vi phạm quy định của chính phủ Trung Quốc, rằng các ứng cử viên cần phải được một ủy ban đề cử thân Bắc Kinh lựa chọn trước.

Dễ bị tác động

Ông Leung chỉ trích một dự luật của Mỹ, theo đó sẽ yêu cầu Tổng thống Barack Obama phải có xác nhận hàng năm rằng Hong Kong đã “đủ tự trị”. Đề xuất này sẽ thay đổi đạo luật năm 1992, theo đó chỉ yêu cầu tổng thống phải hành động nếu Hong Kong được cho là đã đánh mất khả năng tự trị đó.

Ông Leung nói: “Yêu cầu mang tính thường niên này còn phiền hà hơn cả hệ thống hiện thời. Nó sẽ khiến cho Hong Kong dễ bị tác động bởi sự bất ổn trong chính trường nội địa Mỹ cũng như mối bang giao luôn thay đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì thế cho nên chúng tôi đang nỗ lực hết sức để thuyết phục các thành viên Quốc hội Mỹ và các nhân viên tại đó rằng đây không phải là một ý tưởng tốt đẹp”.

Một người tham dự tại buổi điều trần tại Quốc hội, ông Scott Perry, cũng gợi ý rằng việc thông qua dự luật theo đó cho phép Hong Kong đủ điều kiện tham gia chương trình miễn visa của Mỹ là một cách để tạo nên một “sự khác biệt” cho tình hình chính trị hiện nay ở lãnh thổ này.

Ông Leung nói rằng Hong Kong đang vận động “ráo riết” để các cư dân của mình có thể được miễn thị thực Mỹ, và ông nói ông tin rằng vấn đề đó nên “tách bạch” đối với các tranh cãi hiện thời về cải cách dân chủ.

Ông nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, chương trình miễn visa của Mỹ là một công cụ rất tốt để củng cố giao tiếp và sự tương tác hai chiều giữa Hong Kong và Hoa Kỳ”.

Dân biểu Brad Sherman nói tại phiên điều trần tại Hạ viện rằng ông phải đối việc miễn thị thực cho Hong Kong vì điều ông nói là tình trạng nghèo đói của một số cư dân của lãnh thổ này”.

Ông Sherman nói: “Chúng ta không thể tạo ra một tình thế mà bất kỳ ai có hộ chiếu Hong Kong sẽ tự do vào Mỹ”.

Ông Leung nói rằng người dân Hong Kong không gây ra một nguy cơ về nhập cư đối với Mỹ như các công dân nước khác.

Ông nói: “Nhưng chúng tôi biết rằng con đường tiến tới việc người Hong Kong được miễn thị thực Mỹ còn dài, bởi vì vấn đề nhập cư vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm ở Mỹ”.

Nhà ngoại giao Hong Kong từ chối bình luận trực tiếp về phản ứng của chính quyền của Tổng thống Obama đối với phong trào “Chiếm trung”.

Thay đổi quan điểm

Các quan chức Mỹ thoạt đầu nhấn mạnh tới quan điểm trung lập, với tuyên bố rằng họ “không đứng về phía nào trong tiến trình thảo luận về chính trị của Hong Kong, hay không ủng hộ bất kỳ cá nhân hay nhóm nào trong tiến trình đó”.

Tòa Bạch Ốc cũng tìm cách ngăn chặn Quốc hội gây áp lực đối với chính quyền Hong Kong.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel, nói tại một cuộc điều trần tại Thượng viện rằng bất kỳ sửa đổi nào đối với Đạo luật Chính sách Hong Kong – Hoa Kỳ 1992 không nên “làm tổn hại tới nguyên tắc rằng Hong Kong là lãnh thổ tự trị”.

Nhưng sau khi vấp phải các cáo buộc từ các nhà lập pháp rằng chính quyền của ông Obama không chứng tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình thuộc phong trào “Chiếm Trung”, ông Russel đã tận dụng cuộc điều trần để gia tăng lời chỉ trích của chính quyền Mỹ đối với Bắc Kinh cũng như bày tỏ sự hậu thuẫn đối với các khát vọng dân chủ của những người biểu tình.

Ông Russel nói rằng quyết định về bầu cử của Bắc Kinh “xa rời các ước vọng của người dân Hong Kong” và rằng “đáng lẽ đã có thể tiến xa” để cho phép bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu.

Nhà ngoại giao Mỹ cũng nói rằng tính chính đáng của trưởng đặc khu sẽ “còn được củng cố nhiều” bởi một cuộc bầu cử “khả tín”, theo đó cho phép “các cử tri quyền tự do lựa chọn ứng cử viên với các quan điểm khác nhau, thay vì chỉ có 3 ứng viên giống hệt nhau về quan điểm và được chọn lựa trước”.

Khi được hỏi rằng những lời bình luận đó có giống như “sự can thiệp” vào công việc của Hong Kong như nhà lãnh đạo đặc khu này từng mạnh mẽ phản đối, ông Leung nói rằng Hong Kong “rất chia rẽ” về vấn đề cải tổ hiến pháp.

Ông nói rằng rốt cuộc, người dân, chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh sẽ phải tự giải quyết các vấn đề tranh cãi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG