Đường dẫn truy cập

Phó tổng thống Biden: Mỹ sẽ giúp Ukraine tự vệ nếu cần


Từ trái qua phải: Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị An ninh Munich hôm 7/2.
Từ trái qua phải: Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị An ninh Munich hôm 7/2.

Phó tổng thống Joe Biden nói Hoa Kỳ muốn một giải pháp hoà bình tại Ukraine, nhưng Mỹ sẽ giúp Kiev tự vệ chống lại Nga nếu cần.

Trong bài diễn văn tại một hội nghị an ninh quốc tế ở Munich, ông Biden nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập lại nhiều lần về quyết tâm làm việc cho hòa bình nhưng thay vào đó ông Putin đã gởi “xe tăng, binh sĩ, và vũ khí” đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Phó tổng thống Biden nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine “sự trợ giúp an ninh,” không phải để khuyến khích chiến tranh, nhưng để giúp Ukraine tự vệ.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phát biểu tại hội nghị vài phút sau đó. Ông cầm một vài hộ chiếu Nga và nói rằng những hộ chiếu này tịch thu được từ các binh sĩ Nga nhiều kilômét bên trong biên giới Ukraine.

Ông nói có hơn 5.600 thường dân thiệt mạng trong cuộc xung đột kể từ tháng 4 năm ngoái và gọi cuộc xung đột này là “một thảm kịch ngày càng tăng cho nước tôi.”

Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng đề nghị hòa bình do Pháp và Đức đưa ra và đang được thảo luận là “một trong những cơ hội chót” để chấm dứt giao tranh ở miền đông Ukraine.

Phát biểu tại Pháp, Tổng thống Holland nói rằng chiến tranh sẽ xảy ra nếu không có một thỏa thuận hòa bình lâu dài.

'Nuông chiều Ukraine'

Tại hội nghị Munich, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hiện chưa rõ kế hoạch hòa bình có thành công hay không. Bà cũng phản đối những ý kiến cho rằng các nước Tây phương nên cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bà nói rằng việc có thêm vũ khí sẽ không giải quyết được vụ xung đột này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trả lời rằng vẫn còn có thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt vụ xung đột ở Ukraine, nhưng ông mạnh mẽ chỉ trích lập trường của Mỹ và Âu châu về Ukraine.

Ông nói rằng Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đã có những bước leo thang cuộc xung đột. Ông nói thêm “các đối tác Tây phương của chúng tôi nuông chiều và tha thứ cho giới hữu trách Ukraine, những người đã phát động chiến dịch quân sự toàn diện và gọi công dân của họ là quân khủng bố.” Ý ông muốn nói đến những người Ukraine đồng tình với những phần tử đòi ly khai thân Nga.

Những cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức về một kế hoạch hòa bình cho Ukraine đã kết thúc sáng ngày thứ Bảy mà không có kết quả cụ thể, nhưng một phát ngôn viên Nga nói rằng công tác về kế hoạch chấm dứt 10 tháng nổi dậy của các phần tử thân Nga tại miền đông Ukraine đang tiếp diễn.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đứng đầu lịch trình làm việc của hội nghị an ninh kéo dài 3 ngày tại Munich, chấm dứt vào ngày Chủ Nhật. Hội nghị có sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà ngoại giao và các giới chức quốc phòng.

Giao tranh tại vùng nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine gần biên giới Nga đã gia tăng sau khi một kế hoạch hòa bình bị tan vỡ trong tuần qua.

Ngoại trưởng Mỹ tới Ukraine để hội đàm với Tổng thống Poroshenko
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:19 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG