Đường dẫn truy cập

Phản ứng từ hai miền Triều Tiên về các biện pháp chế tài mới của Mỹ


Ảnh biếm hoạ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại một cửa hàng sách ở Seoul, Hàn Quốc.
Ảnh biếm hoạ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại một cửa hàng sách ở Seoul, Hàn Quốc.

Nam Triều Tiên gọi những biện pháp trừng phạt tài chánh mới đối với Bắc Triều Tiên là ‘đích đáng’ trong khi Bình Nhưỡng mô tả những chế tài này là ‘phản tác dụng.’ Thông tín viên Đài VOA Victor Beattie tường trình là lệnh hành chánh của tổng thống Obama hôm thứ Sáu nhắm vào 3 thực thể và 10 cá nhân Bắc Triều Tiên tiếp sau vụ tấn công trên mạng vào Hãng Phim Sony mà Washington đổ lỗi cho Bắc Triều Tiên.

Ông Lim Byeong-cheol, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên ngày hôm nay nói Seoul xem những chế tài mới là một biện pháp thích hợp. Tuy nhiên ông từ chối cho biết những chế tài này ảnh hưởng đến mối quan hệ với Bắc Nam như thế nào.

Ngày hôm qua, Bắc Triều Tiên lên án hành động của Hoa Kỳ như là một ‘hành vi thù nghịch’ nhằm cứu vãn danh dự, bất chấp điều mà Bắc Triều Tiên gọi là ‘sự hồi nghi của quốc tế’ về kết quả cuộc điều tra của Mỹ đổ lỗi cho Bắc Triều Tiên về cuộc tấn công trên mạng trong tháng 11 vào hãng Phim Sony. Bình Nhưỡng đã đề nghị tiến hành một cuộc điều tra chung với Hoa Kỳ vào vụ tấn công mạng này mà hậu quả là công bố tin tức nhạy cảm và làm mất lợi tức của công ty truyền thông này.

Cuộc tấn công được liên kết với việc trình chiếu bộ phim The Interview, một phim hài về một âm mưu ám sát lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Bình Nhưỡng lên án bộ phim, mặc dù đã phủ nhận mọi sự dính líu nào trong vụ tấn công hãng Phim Sony. Một nhóm tự nhận là những Người Gìn giữ Hòa bình đã nhận trách nhiệm trong vụ tấn công trên mạng này.

Trong một tuyên bố vào ngày 19 tháng 12 vừa qua, Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ FBI kết luận là chính phủ Bắc Triều Tiên chịu tránh nhiệm trong vụ tấn công, viện dẫn một cuộc phân tích một nhu liệu phá hoại và hạ tầng cơ sở được sử dụng. Tuy nhiên các tin tức của truyền thông trích lời của các chuyên viên mạng tỏ ý nghi ngờ về mức độ dính líu của Bình Nhưỡng.

Hôm thứ Sáu, Bộ Tài chánh Mỹ xác định 3 tổ chức, gồm cơ quan tình báo chính của miền Bắc, và 10 cá nhân có liên hệ đến việc xuất khẩu vũ khí bị chế tài, trong đó có việc không cho tiếp cận hệ thống tài chánh của Mỹ. Việc này sẽ có hậu quả hạn chế việc tiếp cận của những tổ chức và cá nhân này vào các dịch vụ tài chánh quốc tế.

Bộ trưởng Tài chánh Jack Lew nói những bước này cho thấy rõ Hoa
Kỳ ‘sẽ sử dụng một loạt rộng rãi các phương thức để bảo vệ các doanh nghiệp và công dân Mỹ và để đáp ứng với những nỗ lực phá hoại những giá trị của chúng ta hay đe doạ an ninh của Hoa Kỳ.”

Tổng thống Obama gọi những chế tài thêm này là để đáp lại ‘những hành động và những chính sách khiêu khích, làm mất ổn định và đàn áp đang tiến hành’ của miền Bắc.

Ngày Chủ Nhật, Thượng nghị sĩ Robert Menendez chủ tịch sắp mãn nhiệm nhiệm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói với đài chương trình Tình trạng Liên bang với bà Candy Crowley của đài truyền hình CNN là những chế tài là ‘một bước tốt đầu tiên’ nhưng ông nói thêm là Hoa Kỳ cần xem xét việc đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách những quốc gia bảo trợ khủng bố.

Ông Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Triều Tiên có trụ sở tại Washington nói những chế tài này sẽ hoàn thành hai mục tiêu. Ông đề cập đến quyết định năm 2007 của Mỹ cắt đứt quan hệ với Ngân hàng Banco Delta Asia (BDA) có trụ sở tại Macau vì bị cáo

“Có lẽ sẽ gây ra một trở ngại ngắn hạn cho đến trung hạn đối với Bắc Triều Tiên, là con đường mà chính quyền Obama đang tiến tới. Tôi nghĩ chính quyền Obama đang duyệt xét đáp ứng thích nghi khi vụ tấn công mạng này làm cho Sony thiệt hại một số tiền. Do đó chúng ta cũng đang tìm cách tấn công vào túi tiền của Bắc Triều Tiên. Nhưng, về mặt các tác động dài hạn, sau khi vụ BDA xảy ra, Bắc Triều Tiên đã bắt đầu thay đổi cách thức xử lý tiền tệ. Họ giữ những số tiền nhỏ, chuyển dịch qua những kênh khác nhau để cố tránh những chế tài tài chánh trong tương lai. Theo tiên đoán của tôi thì trong khi những chế tài này có thể làm trở ngại cho một số chuyến hàng bán vũ khí của Bắc Triều Tiên trong ngắn hạn, nước này sẽ theo cùng một phương thức và cố gắng chuyển hướng để trong dài hạn những chế tài này sẽ có ảnh hưởng tối thiểu.”

Ông Stangarone nói trong khi đưa Bắc Triều Tiên trở lại vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố có thể là bước kế tiếp, nhưng những chế tài tài chánh thêm nữa cũng có thể được thực hiện vì Tổng thống Obama mới đây đánh giá là vụ tấn công vào Sony chỉ là một hành động ‘phá hoại trên mạng’.

Vào Ngày Đầu năm Mới, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẵn sàng mở rộng “đối thoại và hợp tác” với Nam Triều Tiên. Trước đó miền Nam đề nghị mở các cuộc họp cấp cao với Bắc Triều Tiên trong tháng này.

Ông Stangarone không tin việc này sẽ ảnh hưởng đến những chế tài mới. Ông cho rằng Chính quyền Obama đang nỗ lực chia tình hình ra thành nhiều phần.

“Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của Nam Triều Tiên để giao tiếp với Bắc Triều Tiên. Tôi nghĩ bất cứ việc gì xảy ra giữa hai miền Nam Bắc sẽ cần có thời gian để diễn biến, ngay cả khi chúng ta thấy có một hội nghị thượng đỉnh như ông Kim Jong Un đề nghị. Có nhiều phần chắc nhất là việc này sẽ không xảy ra cho đến cuối năm nay sau khi có bất cứ những đáp ứng nào đối với cuộc tấn công trên mạng, và sẽ có một cơ hội để Nam Triều Tiên đặt nền tảng cho một việc gì đó tương tự như vậy. Do đó tôi nghĩ về mặt các quan hệ liên Triều, tôi thấy việc này sẽ không có mấy ảnh hưởng.”

Ông Stangarone nói hiện không rõ Bắc Triều Tiên có chấp nhận sự sắp xếp do Nam Triều Tiên đề nghị hay không, trong đó có một ủy ban thống nhất mới, nhưng sự kiện là ông Kim Jong Un không bác bỏ đề nghị này trong nhận định Đầu Năm mới là một dấu hiệu tích cực. Ông Stangarone nói thêm hai nước Triều Tiên cần phải theo một đường lối từng bước một để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG