Đường dẫn truy cập

Pakistan sẽ tổ chức các cuộc hòa đàm về Afghanistan


Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bị chỉ trích vì đã đồng ý tham dự tiến trình hòa bình và hòa giải tại Pakistan, nêu lý do là Islamabad ủng hộ chiến dịch bạo động của Taliban tại Afghanistan.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bị chỉ trích vì đã đồng ý tham dự tiến trình hòa bình và hòa giải tại Pakistan, nêu lý do là Islamabad ủng hộ chiến dịch bạo động của Taliban tại Afghanistan.

Một giới chức an ninh Pakistan, yêu cầu không nêu danh tánh, nói với Đài VOA là chính phủ Afghanistan và các giới chức Taliban sẽ lại gặp nhau tại Pakistan vào tuần tới để tham dự các cuộc hòa đàm vòng hai trong một nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột gây nhiều tử vong tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Ông trả lời sự khẳng định của những giới chức Afghanistan không nêu tên và những thành viên của Hội đồng Hòa bình Tối cao Afghanistan là cuộc đối thoại sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng 7 tại thành phố Urumqi, miền tây bắc Trung Quốc.

Giới chức Afghanistan này bác bỏ tuyên bố kể trên và nói “những cuộc thương thuyết sẽ được tổ chức tại Pakistan vào ngày 31 tháng 7. Ông nói thêm Bộ Ngoại giao tại Islamabad sẽ đưa ra thông báo chính thức nhưng không cho biết khi nào.

Ông nói tiếp là “việc tiết lộ của truyền thông Afghanistan” về những cuộc thảo luận tại Trung Quốc có thể là một nỗ lực nhằm phá hoại “bầu không khí hữu nghị và tích cực” phát xuất từ việc khai mạc cuộc họp đột phá do Islamabad làm trung gian và tổ chức vào ngày 7 tháng 7 vừa qua.

Giao dịch này là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa chính phủ Afghanistan và phe Taliban trong vòng 14 năm. Các giới chức Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng có mặt trong tư cách “quan sát viên” tại phiên họp khai mạc ở thị trấn du lịch Murree của Pakistan.

Một phát ngôn viên của tổng thống Afghanistan, ông Syed Zafar Hashimi nói với Đài VOA ngày thứ Bảy là những cuộc thương thuyết này vẫn tiếp tục để quyết định nơi họp cho những cuộc thảo luận tuần tới và thành phần của các phái đoàn.

Một phái đoàn có nhiều thẩm quyền của Afghanistan do thứ trưởng ngoại giao Hekmat Khalil Karzai dẫn đầu đã có những cuộc thảo luận sơ khởi kéo dài vài tiếng đồng hồ với phái đoàn đối tác Taliban và cả hai bên đồng ý sẽ sớm họp lại.

Các giới chức Afghanistan hiểu biết về tiến trình hòa bình cho biết một “cuộc ngưng bắn” có thể được thực hiện sẽ đứng đầu nghị trình cuộc họp tuần tới và những cuộc thảo luận phần lớn chú trọng đến những bước “xây dựng lòng tin lẫn nhau.”

Phe Taliban chưa chính thức bình luận về lời loan báo liên hệ đến những cuộc thảo luận trong tuần tới.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của phe nổi dậy Hồi Giáo được biết hiện ẩn náu tại Pakistan và có liên hệ với cơ quan tình báo của nước này.

Một số nhà lập pháp Afghanistan, những người ưa chỉ trích, cũng như truyền thông địa phương đã chỉ trích Tổng thống Ashraf Ghani vì đã đồng ý tham dự tiến trình hòa bình và hòa giải được mong ước lâu nay tại Pakistan, nêu lý do là Islamabad ủng hộ chiến dịch bạo động của Taliban tại Afghanistan.

Ngay sau vòng đàm phán thứ nhất với Taliban, Tổng thống Ghani đã thúc đẩy phe nổi dậy đưa các yêu cầu của họ bằng văn bản tại vòng thảo luận kế tiếp.

Phụ tá đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về các vấn đề đối ngoại Tariq Fatemi trong tuyên bố tại Heritage Foundation ở Washington hôm thứ Năm nói hội nghị tại Murree giữa các đại diện Taliban và Afghanistan là “một bước nhỏ” và nước ông “mong muốn chuyển việc này thành một tiến trình”.

Ông Fatemi phủ nhận cáo buộc của Afghanistan là Islamabad hoàn toàn kiểm soát những vấn đề của Taliban. Ông nói “Chúng tôi hy vọng là chúng tôi sẽ tiếp tục dùng ảnh hưởng của chúng tôi đối với Taliban, dù chỉ giới hạn, để giúp tiến sâu hơn nữa trong mối quan hệ giữa Taliban và chính phủ Kabul.

Tiến trình hòa bình non trẻ về Afghanistan được biết như là kết quả của mối quan hệ được cải thiện giữa Pakistan và Afghanistan.

Hoa Kỳ hoan nghênh và ca ngợi sáng kiến của Tổng thống Ghani giao tiếp với Taliban trong tiến trình hòa bình.

Trong thông điệp chào mừng lễ Eid hồi tuần qua, thủ lĩnh Taliban lưu vong Mullah Omar cũng ủng hộ những cuộc hòa đàm và gọi việc này “chính đáng” về phương diện tôn giáo.

Nhà lãnh đạo Taliban nói ông không chống lại các cuộc hòa đàm nếu giúp chấm dứt được “sự chiếm đóng của nước ngoài do Hoa Kỳ lãnh đạo” tại Afghanistan và thành lập một hệ thống Hồi Giáo tại nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG