Đường dẫn truy cập

Pakistan mở rộng chương trình hạt nhân, xem TQ là đối tác tin cậy


Pakistan thử tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Shaheen-II tại một địa điểm bí mật.
Pakistan thử tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Shaheen-II tại một địa điểm bí mật.
Pakistan đang đẩy mạnh việc mở rộng năng lượng hạt nhân và chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp những lo ngại của các quan sát viên quốc tế về vấn đề an toàn. Một số người cho rằng Washington nên đạt được một thỏa thuận chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự nếu Islamabad đáp ứng được một số bảo đảm an toàn, tương tự như thỏa thuận của Hoa Kỳ với Ấn Độ. Nhưng người đứng đầu cơ quan hạt nhân của Pakistan tỏ ý muốn hợp tác với Trung Quốc hơn. Thông tín viên Ayaz Gul tại thủ đô Pakistan ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Các nhà phân tích nước ngoài nghiên cứu về chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan thấy có nhiều điều đáng lo ngại.

Tiến sĩ Peter Lavoy vừa mới nghỉ hưu trong chức vụ quyền trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh châu Á và Thái Bình Dương. Tại một hội nghị ở Islamabad trong tháng này do Trung tâm Nghiên cứu Pakistan và vùng Vịnh (CPGS), một cơ quan tư nhân, tổ chức, ông nêu chi tiết về công nghệ vũ khí mà nhiều nhà phân tích bên ngoài cho là Pakistan đang phát triển.

“Hiện nay hướng đi của vũ khí hạt nhân Pakistan là mối quan tâm gây nhiều lo ngại nhất tại Washington và các thủ đô khác. Đặc biệt, tôi đề cập đến việc mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan bao gồm cả những nỗ lực gia tăng việc sản xuất những chất liệu nguyên tử để thiết kế và chế tạo nhiều đầu đạn hạt nhân với kích cỡ và khả năng khác nhau, để phát triển, thử nghiệm và cuối cùng triển khai những hệ thống phóng khác nhau với nhiều tầm bắn khác nhau, trong đó có hệ thống phóng bằng phi đạn đạn đạo dùng trên chiến trường cho các loại vũ khí thường được gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật.”

Đối với nhiều người, mối lo ngại lớn hơn là ai kiểm soát công nghệ này. Trong những năm 1980 và 1990, cha đẻ của chương trình hạt nhân Pakistan, ông A.Q. Khan, xây dựng một mạng lưới phổ biến vũ khí hạt nhân bí mật giúp chương trình hạt nhân của Iran, Libya và Bắc Triều Tiên. Mối quan hệ giữa quân đội Pakistan với những tổ chức chủ chiến chống Ấn Độ và Afghanistan làm cho cộng đồng quốc tế thêm lo ngại.
Cha đẻ của chương trình hạt nhân Pakistan A.Q. Khan thú nhận đã bán các bí mật hạt nhân cho Libya, Iran và Bắc Triều Tiên
Cha đẻ của chương trình hạt nhân Pakistan A.Q. Khan thú nhận đã bán các bí mật hạt nhân cho Libya, Iran và Bắc Triều Tiên

Tuy nhiên, ông Mark Fitzpatrick, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở ở Anh nói kể từ đó Islamabad đã tiến hành các biện pháp đáng khen để bảo đảm an toàn các tài sản hạt nhân và nên được cho phép tiếp cận rộng rãi hơn công nghệ hạt nhân dân dụng.

“Đã đến lúc nên dành cho Pakistan một thoả thuận hợp tác hạt nhân tương tự như Ấn Độ. Đưa ra một công thức bình thường hóa hạt nhân là công cụ mạnh nhất các quốc gia Tây phương có thể sử dụng để thành hình một cách tích cực tư thế hạt nhân của Pakistan. Đề nghị tính chính đáng hạt nhân cũng là phương cách hiệu quả nhất để thông báo là Hoa Kỳ và các nước đồng minh không tìm cách giải giới bắt buộc Pakistan.”

Ông nói Pakistan đã đáp ứng được hầu hết những điều kiện đòi hỏi của Ấn Độ trong thỏa thuận với Hoa Kỳ, gồm có tách rời các cơ sở hạt nhân quân sự và dân sự, tôn trọng việc ngưng thử nghiệm hạt nhân và thắt chặt việc kiểm soát xuất khẩu hạt nhân.

Các giới chức Pakistan mới đây tăng cường những nỗ lực mưu tìm một thỏa thuận hạt nhân dân sự như thế với Washington để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng của nước này. Nhưng điều bất ngờ là phát biểu tại một hội nghị ở Islamabad, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Pakistan (PAEC), ông Ansar Parvez nói ông khuyến cáo chống lại một sự dàn xếp như vậy, nói rằng tốt hơn hết là Islamabad trông cậy vào Trung Quốc.

“Nếu bạn mua một nhà máy điện hạt nhân của một quốc gia thì bạn cần phải có sự hiểu biết sâu rộng với quốc gia này cũng như phải có một mối liên hệ và phải đảm bảo là lúc cần thiết, quốc gia này không rời bỏ bạn. Do đó như họ nói thấy ná sợ cung nhưng hiện nay tôi không nghĩ là chúng ta không thể đạt được gì cả.”

Ông Parvez đề cập đến Hoa Kỳ, nước có mối quan hệ chặt chẽ với Pakistan khi cả hai quốc gia đều ủng hộ phe nổi dậy Afghanistan chống lại các lực lượng chiếm đóng Xô viết trong những năm 1980.

Sau khi Xô viết rút quân, mối quan hệ giữa Islamabad và Washington trở nên xấu hơn, một phần là vì chương trình hạt nhân của Pakistan và mối quan hệ của nước này với phe Taliban Afghanistan. Những căng thẳng này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Trung Quốc là đồng minh đáng tin cậy hơn của Islamabad trong nhiều thập niên, và cung cấp những sự hợp tác kinh tế và quốc phòng khẩn thiết.

Việc này bao gồm hai nhà máy điện hạt nhân cung cấp khoảng 700 Megawatts điện. Hai đơn vị nhỏ hơn đang được xây dựng.

Các giới chức Pakistan nói tăng cường hạt nhân của nước này có nghĩa là giảm bớt cuộc khủng hoảng năng lượng kinh niên của Pakistan. Các giới chức này cũng cho biết việc xây dựng một khu phức hợp nhà máy điện hạt nhân 2.200 Megawatts tại Karachi với sự giúp đỡ của Trung Quốc là một phần của những nỗ lực này. Dự án trị giá 10 tỉ đô la dự trù hoàn tất trong vòng 5 năm.

Ông Parvez bênh vực việc tăng cường năng lượng hạt nhân của Pakistan tại một hội nghị quốc tế về việc không phổ biến hạt nhân tại Islamabad. Ông nói việc thiếu năng lượng cấp thời của Pakistan đòi hỏi phải thay thế dầu mỏ và khí đốt.

“Và dường như để ra khỏi tình trạng rối beng này chúng tôi phải sử dụng than, được nhập khẩu hay sản xuất tại địa phương, hay năng lượng hạt nhân. Đây là hai giải pháp duy nhất cho chúng tôi trong kịch bản hiện nay tại Pakistan.”

Mặc dầu chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan vẫn còn bị bao trùm một màn bí mật, nhiều nhà phân tích nước ngoài tin là kho vũ khí hạt nhân của nước này đang ngày càng tăng với một nhịp độ nhanh chóng hơn và đến giữa những năm 2020, kho vũ khí này có thể được xếp hạng lớn hàng thứ tư hay thứ năm trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG